| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt sai phạm liên quan tới dự án đường tỉnh 261

Thứ Hai 23/08/2021 , 08:32 (GMT+7)

Trong quá trình thi công “Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 261” từ xã Bình Thuận đến thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã phát sinh nhiều sai phạm.

Doanh nghiệp thi công đổ thải bừa bãi

Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 261 giúp bà con nhân dân thuận lợi hơn trong giao thương, phát triển kinh tế. Ảnh: Toán Nguyễn.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 261 giúp bà con nhân dân thuận lợi hơn trong giao thương, phát triển kinh tế. Ảnh: Toán Nguyễn.

 

Hiện nay, Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 261  được các nhà thầu triển khai thi công rầm rộ. Đoạn từ địa phận xã Bình Thuận đến hết xã Lục Ba dài khoảng 5km đang triển khai thi công phần mở rộng mặt đường, làm mương rãnh thoát nước, cắt taluy dương và mở cua nhiều.

Vấn đề phát sinh đó là lượng đất thải sau khi múc lên làm mương rãnh lại bị các nhà thầu đổ lung tung ra môi trường. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đức Tuân, Chủ tịch UBND xã Lục Ba (Đại Từ, Thái Nguyên) thông tin, doanh nghiệp có đến xã để hỏi mượn đất dùng làm bãi đổ đất thải múc lên từ làm rãnh dọc, sau này sẽ lấy lại làm nền đường. Nhưng xã trả lời không có thẩm quyền và yêu cầu doanh nghiệp phải đổ đất thải vào đúng nơi được chủ đầu tư phê duyệt. Tuy nhiên có đơn vị thi công vẫn cố tình đổ thải, chúng tôi kiên quyết chỉ đạo cán bộ chuyên môn đến đình chỉ và lập biên bản vi phạm.

Ông Trần Đức Tuân cũng cho biết thêm, đã xuất hiện tình trạng cá nhân cho máy xúc và xe tải để đào trộm đất ở xóm Bẫu Châu mang đi đổ nền công trình. Chúng tôi đã kịp thời phát hiện và xử lý ngay.

Doanh nghiệp đổ đất thải xuống vùi lấp đất nông nghiệp tại xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba. Ảnh: Toán Nguyễn.

Doanh nghiệp đổ đất thải xuống vùi lấp đất nông nghiệp tại xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba. Ảnh: Toán Nguyễn.

"Đất tặc" xuất hiện dọc theo dự án 

Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 261 cần khối lượng đất đắp nền rất lớn, nhưng khu vực huyện Đại Từ và các vùng giáp danh với dự án thuộc thành phố Thái Nguyên và thị xã Phổ Yên hiện nay không có bất cứ mỏ đất nào được cấp phép khai thác. Vì vậy các nhà thầu thi công rất khó để mua đất từ các mỏ được cấp phép theo đúng quy định của Nhà nước.

Anh Đ, một người dân địa phương nói: Để làm công trình đường 261 đoạn xã Ký Phú (huyện Đại Từ) , họ toàn chở đất múc ở nơi khác về, tôi khẳng định là đất được múc ở dưới xã Quân Chu, họ vận chuyển bằng các loại xe tải nhỏ, trung bình từ 5 – 8 tấn. Như các anh thấy, họ đắp cầu tạm để xây cầu Đá Đen (xã Ký Phú) cần tới gần một ngàn m3 đất như thế thì phải mua đất từ nơi khác, chứ làm gì có đoạn nào mở cửa để mà đào. Chưa kể là còn các đoạn phải dùng thêm đất cạp lề đường, nâng cao mặt nền đường.

Người dân cho rằng khoảng gần một ngàn mét khối đất làm đường tạm để xây cầu Đá Đen, xã Ký Phú là đất không rõ nguồn gốc. Ảnh: Toán Nguyễn.

Người dân cho rằng khoảng gần một ngàn mét khối đất làm đường tạm để xây cầu Đá Đen, xã Ký Phú là đất không rõ nguồn gốc. Ảnh: Toán Nguyễn.

Thực tế cho thấy, nhu cầu đất của các doanh nghiệp thi công tại Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 261 là rất lớn. Trong thời điểm này, cũng đã xuất hiện tình trạng khai thác đất trái phép xảy ra để bán dọc theo dự án. Ngoài điểm khai thác trộm đã bị chính quyền địa phương xử lý ở xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba, thì còn có 2 điểm khác thuộc địa phận của thị trấn Quân Chu cũng đã bị phát hiện.

Chiều ngày 9/8, phóng viên sau khi bí mật đi theo một xe chở đất và phát hiện ra một điểm khai thác đất trái phép tại tổ dân phố số 3, thị trấn Quân Chu. Điểm khai thác đất trái phép này chỉ nằm cách mặt đường tỉnh 261 chưa tới 20m, có 1 máy xúc và hơn 10 xe ô tô tải ben chạy liên tục. Ngay sau đó, phóng viên đã liên lạc với các người có chức trách của huyện Đại Từ thì sự việc này mới được chấm dứt.

Khai thác đất trái phép tại thị trấn Quân Chu. Ảnh: Toán Nguyễn.

Khai thác đất trái phép tại thị trấn Quân Chu. Ảnh: Toán Nguyễn.

Việc khai thác trộm đất vẫn xảy ra, mặc cho UBND huyện Đại Từ đã nhiều lần chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các địa phương giám sát chặt chẽ, không để “đất tặc” hoành hành, gây thất thoát tài nguyên đất tại địa phương.

Chủ đầu tư có phớt lờ cho nhà thầu sai phạm?

Ngoài những vấn đề nói trên, để làm mới cầu Công Nhân (địa phận xã Ký Phú), đơn vị thi công đã phải làm đường tạm cho người dân đi lại. Nhưng không hiểu lý do gì, doanh nghiệp lại tự ý đổ đất, đá xuống dọc theo lòng suối Công Nhân một đoạn dài tới hơn 100m và lợi dụng việc này đã vét cả cát, sỏi dưới suối làm vật liệu. Việc làm này đã khiến cho người dân phía bờ bên đối diện của suối Công nhân lo sợ dòng chảy sẽ bị ảnh hưởng và gây ra lũ cuốn, sạt lở.

Nhà thầu thi công ngang nhiên đổ đất xuống suối Công Nhân và khai thác cát, sỏi làm vật liệu. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nhà thầu thi công ngang nhiên đổ đất xuống suối Công Nhân và khai thác cát, sỏi làm vật liệu. Ảnh: Toán Nguyễn.

Để làm rõ hơn về công tác quản lý, giám sát của chủ đầu tư, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đăng ký làm việc với Văn phòng của Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên. Nhưng đã hơn 2 tuần trôi qua, phóng viên vẫn chưa nhận được câu trả lời. Liệu Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên có làm ngơ cho những sai phạm đang xảy ra tại Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 261?

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 14/1/2021: Về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Yêu cầu các Sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng chủ trì hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã lập quy hoạch, thăm dò và cấp phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường và đất san lấp theo đúng quy định của pháp luật.

Yêu cầu cấp huyện tổ chức ký cam kết với Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn về trách nhiệm quản lý khai thác đất san lấp, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn ký cam kết với Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng xóm về quản lý khai thác đất san lấp. Đồng thời, tổng hợp nhu cầu đất san lấp của địa phương mình, đề xuất các giải pháp quản lý theo quy định, báo cáo UBND tỉnh các trường hợp vi phạm về khai thác đất san lấp…

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.