| Hotline: 0983.970.780

Hành trình vờn qua những ngọn mây

Thứ Sáu 21/06/2024 , 06:00 (GMT+7)

Nếu nhìn cận cảnh thì rừng ở đâu cũng như nhau, trừ một số loài đặc trưng, đặc hữu. Nhưng nếu lên cao, khung hình sẽ khác, đẹp, lung linh và hùng vĩ hơn nhiều.

1

Trời lúc này đã sáng bảnh. Cơn mưa rừng từ đêm đến giờ vẫn rả rích. Trong cái se lạnh đầu hè nơi vùng cao, mấy anh em chúng tôi cố cuộn mình trong tấm chăn chiên, vốn có thể dùng tạm để dập lửa khi đám cháy mới phát sinh, tai dỏng lên nghe tiếng mưa đều đều bên chái nhà. Ai cũng sốt ruột vì còn một cảnh quay nữa trong buôn Đrang Phốk mới đủ tư liệu làm phim “Sinh thái Việt Nam”. Lắm lúc định nhỏm dậy nhưng giọng anh Huỳnh Nghĩa Hiệp, Phó giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn nói ban chiều cứ chực vẳng lại: “Mưa lũ ở đây khiếp lắm”.

Các phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, Đinh Đức Tùng và Khuất Duy Học tác nghiệp ở quần thể bách xanh, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Các phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, Đinh Đức Tùng và Khuất Duy Học tác nghiệp ở quần thể bách xanh, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Yok Đôn không phải vườn quốc gia đầu tiên mà đoàn Báo Nông nghiệp Việt Nam đặt chân trong hành trình thực hiện bộ phim, nhưng lại là nơi chúng tôi được chứng kiến tường tận và đầy đủ nhất sự khắc nghiệt của mưa rừng. Cả trời trắng xóa, nước mưa dội vào lá cây rồi bắn tung giữa không trung. Dưới mặt đất, bong bóng phập phồng, nước tung tóe, bùn đất như có ai đang đào lên, đục ngầu.

Chừng như không thể đè nén được sự sốt ruột, anh Tô Đức Huy, Trưởng ban Thư ký, với tay lấy chiếc điện thoại để gọi vào chốt kiểm lâm Cây Hồng, thuộc Trạm Kiểm lâm số 6. Một, hai rồi đến ba cuộc, thuê bao anh gọi vẫn không liên lạc được. Sau này, chúng tôi mới biết, nhiều điểm trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, nơi đóng chốt kiểm lâm Cây Hồng, còn chưa có sóng điện thoại. Nếu biết được vậy thì đỡ, đằng này mọi thứ đều mù mờ, hệt như rặng núi phía xa dưới màn mưa.

Bàn đi tính lại, chúng tôi quyết định dấn thân vào rốn lũ. Chiếc bán tải mượn của vườn lặc lè cõng 6 người cùng lỉnh kỉnh máy móc, thiết bị băng qua cây cầu vượt sông Sêrêpôk, đập tràn, rồi đến con đường đất nhão nhoét khiến chiếc xe phải nương theo mấy đám cỏ hoặc vệt bánh cũ, chứ không tài nào đi thẳng. Bặm môi, vần vô lăng, kiểm lâm Y Siêm xua đi không khí u ám bằng mấy mẩu chuyện tếu táo. Xen giữa, anh thủng thẳng: “Nhiều người chỉ biết Yok Đôn với đặc trưng rừng khộp mà quên mất rằng, vào mùa mưa, nơi đây còn là vùng đất ngập nước”.

Quả vậy, tới sát hồ chứa Đrang Phốk, màu trắng xóa của nước đã nuốt chửng con đường đất. Nếu không nhờ những rặng dầu rái khổng lồ, huơ cành trụi lá, hẳn không ít người sẽ lầm tưởng bản thân đang lạc trôi giữa dòng Sêrêpôk.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam Trần Quốc Nhật không quản nguy hiểm, tiến sát và quay cận cảnh cá thể voi tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. 

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam Trần Quốc Nhật không quản nguy hiểm, tiến sát và quay cận cảnh cá thể voi tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. 

Là khu bảo tồn duy nhất ở Việt Nam có hệ sinh thái rừng khộp, yếu tố phù hợp với những loài thú lớn như voi, nên Yok Đôn đặc biệt ưu ái loài vật khổng lồ này. Hiện vườn chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 10 cá thể và đặt tên riêng cho chúng như Y Khun, Bun Khăm, H'Pló, Khăm Phanh, Thông Ngân… Mưa rừng khủng khiếp như vậy, nhiều không đếm xuể những lần cô lập cán bộ kiểm lâm đi tuần rừng, nhưng những quản tượng và người được giao chăm sóc bầy voi ở Yok Đôn chưa một ngày dám lơ là nhiệm vụ.

Chăm chỉ như những chú ong thợ, họ đều đặn dõi theo từng bước chân voi, ghi chép tỉ mỉ và kịp thời báo cáo những công việc phát sinh. Càng vui hơn khi nhờ sự kiên trì, vận động, cộng thêm hỗ trợ từ tổ chức quốc tế, Vườn quốc gia Yok Đôn đã kêu gọi người dân Buôn Đôn từ bỏ hoạt động cưỡi voi và chuyển sang mô hình du lịch thân thiện với loài thú này.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn ghi hình chiếc bành voi, một vật dụng có thể xem là biểu tượng cho cách khai thác du lịch kiểu cũ, UBND huyện Buôn Đôn và Vườn quốc gia Yok Đôn phải liên hệ mấy nơi. Mãi tới trước lúc rời Đắk Lắk, địa phương mới kịp liên hệ nhân vật là anh Y Lít, một thợ săn voi nay đã giải nghệ.

Đến ngôi nhà cũ, được anh bố trí như một viện bảo tàng thu nhỏ về các chứng tích săn voi thuở xưa, thấy chiếc bành voi nhuốm màu thời gian. Phần gỗ ngả màu, một vài chỗ có dấu hiệu bị mục. Y Lít tỏ vẻ nuối tiếc vì vật trang trọng được gìn giữ bao năm cũng không thắng nổi thời gian, còn chúng tôi thấy sáng ngời một niềm tin, rằng loài voi giờ đã có một cuộc sống mới, không phải chịu những đau đớn như thế hệ trước.

2

Nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã không diễn ra đơn lẻ tại Yok Đôn. Cách đấy vài trăm kilomet, đội tuần tra tháo gỡ bẫy thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim một tháng dành đến 15 ngày lặn lội trong hơn 40.000ha rừng thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đội trưởng Đặng Văn Thanh tếu táo, rằng nếu anh giữ nghề đến lúc nghỉ hưu, thì ngót nghét 15 năm trong cảnh “màn trời chiếu đất”.

Sự lạc quan ấy không tự nhiên đến từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, cách đây hơn một năm. Dù làm bạn với rừng từ nhỏ, nhưng anh Thanh chỉ quanh quẩn ngay bìa rừng, chừng đôi ba ngày là về. Trước chuyến đi đầu tiên, người đàn ông ngoài 40 tuổi tưởng tượng ra cảnh rừng đầy muông thú, hổ báo, trâu bò, hươu nai sống thành bầy đàn giống như các câu chuyện cổ tích. Nhưng, càng vào sâu trong rừng, anh mới càng vỡ lẽ ra rừng không nhiều muông thú như vậy. Những cánh rừng thông, rừng lá kim buồn lặng, chỉ có bẫy như thiên la địa võng, lúc nào cũng giăng khắp nơi.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam vượt qua con suối nước chảy xiết trong Vườn quốc gia Cát Tiên.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam vượt qua con suối nước chảy xiết trong Vườn quốc gia Cát Tiên.

Nài nỉ khá lâu, chúng tôi mới xin được các anh cho theo một ngày tuần rừng. Không hẳn vì sợ lộ những bí mật nghề nghiệp, hoặc bất trắc xảy ra dọc đường, mà bởi nếu chẳng may nhìn thấy một con thú bị chết, có người sẽ bị ám ảnh. Cẩn thận mang đầy đủ tư trang trong chiếc ba-lô ngót nghét hơn 10kg, mỗi thành viên trong đoàn cẩn thận xếp từng món đồ bảo hộ, bản đồ, định vị GPS, ống nhòm, túi ngủ, võng và một dao rựa - vật bất ly thân khi vào rừng.

Theo lời anh Thanh, đi rừng chẳng nói trước được điều gì, có thể đang nắng đấy mà sầm sập mưa như trút. “Sợ nhất là cảnh mưa đêm”, anh bảo và nói thêm, đã nhiều phen thấp thỏm canh mưa để chạy lũ. Mặc kệ mái lều căng lên, nước nhỏ tong tong vào người, mỗi người trong đội tự phân nhau thức gác, nếu thấy mưa nhiều phía đầu nguồn, hoặc hiện tượng gì khác lạ thì phải chạy ngay. Lũ tới thì chạy bằng mấy cũng không kịp. Bản thân vị đội trưởng cũng từng vài phen chới với, nước ngập đầu người, vật lộn, vừa lo cho tính mạng, vừa phải giữ chặt tài sản quý giá là chiếc ba-lô sau lưng.

Nhưng không có ai nghĩ tới chuyện bỏ nghề. Hỏi tại sao, anh Thanh mới chỉ cho ảnh chụp những loại bẫy mà tổ của anh đã gỡ. Chúng chủ yếu làm từ dây thép phanh xe đạp, chỉ cần một con thú chạm vào là bị giật treo lên cao, hoặc kẹp cứng trong những móng sắc nhọn. Thảm khốc như vậy nên một năm làm nhiệm vụ, đội của anh chưa khi nào dám lơ là. Khác với vẻ bình yên nhìn từ ngoài, sâu trong lõi rừng lại có những câu chuyện buồn đến thế.

Để giữ tình yêu với rừng, đội của anh Thanh còn phải vượt qua sự dị nghị của người dân địa phương. Theo tập quán, việc vào rừng đặt bẫy nhưng bị người khác phá hay giải thoát thú là điều kiêng cữ bởi làm như vậy là có tội với thần rừng, đấng luôn chở che giúp đỡ cho dân làng. Chẳng thế mà thời gian đầu, đội gỡ bẫy thú tại Đa Nhim chỉ "dám" âm thầm làm việc, kết hợp tuyên truyền. Thay đổi một nếp nghĩ không phải chuyện ngày một, ngày hai.

Đem câu chuyện ở Lâm Đồng kể cho một số vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ khác trên cả nước, chúng tôi đều nhận sự đồng tình. Cá nhân Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, lần đầu nghe Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện chương trình tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học cũng tấm tắc: Đó là một ý tưởng hay nhưng khó, bởi Việt Nam còn đến hàng chục triệu người sống dựa vào rừng. Một trong những việc khó nhất, theo lời anh, là ứng xử như thế nào với bà con đã và đang sống tại vùng lõi rừng đặc dụng.

Trong các chuyến đi rừng, xe bán tải là phương tiện được đoàn Báo Nông nghiệp Việt Nam ưu tiên. 

Trong các chuyến đi rừng, xe bán tải là phương tiện được đoàn Báo Nông nghiệp Việt Nam ưu tiên. 

3

Vấn đề di dân từng là nỗi trăn trở của Ban quản lý Rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long, khi UBND tỉnh Ninh Bình quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long cách đây hơn 20 năm. Anh Mai Văn Quyền, Giám đốc ban nhớ lại, đầu những năm 2000, phương án di dân đã được đưa ra. Tuy nhiên, sau khi thống kê, xác định ranh giới các loại đất trong khu vực và đo đạc, cắm mốc ngoài thực địa, chi phí lên tới 300 tỷ đồng, vượt quá khả năng của địa phương.

Bàn đi tính lại, tỉnh Ninh Bình bỏ việc di dân và lấy chính người dân bản địa làm nòng cốt để thực hiện mục tiêu bảo tồn bền vững. Thay vì khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng đất ngập nước, người dân được hướng dẫn để khai thác giá trị cảnh quan, giá trị du lịch. Đến nay, đời sống của người dân tại các xã giáp ranh như Gia Vân khấm khá, bà con không còn trong cảnh tha hương cầu thực. Cùng với đó, Vân Long cũng bảo tồn được giống voọc mông trắng quý hiếm trong sách đỏ và phát triển số cả thể lên gấp 5 lần (khoảng 200 con).

Vườn quốc gia Xuân Thủy cũng lựa chọn hướng đi tương tự. Gần 60 tuổi, nhưng Phó giám đốc Phạm Vũ Ánh vẫn nhớ như in cảnh lội nước bì bõm vào trụ sở ban quản lý cũ. Ngày ấy, con đê phân ranh giới giữa vườn với khu vực nuôi trồng thủy sản của người dân chưa khang trang như bây giờ. Mỗi khi triều lên, nước tràn vào sâu đất liền khiến vị phó giám đốc nhiều lần phải tắt máy, dắt xe, đi chân trần vào nơi làm việc. Khổ cực không sao kể xiết.

May về sau, được sự đồng ý của UBND tỉnh Nam Định, trụ sở vườn chuyển vào phía trong, hạ tầng cũng được nâng cấp khang trang. Người dân ký cam kết phối hợp bảo tồn các chim loài quý hiếm như cò mỏ thìa, đồng thời nuôi trồng theo phương thức quảng canh. Khi tháo cạn đầm nuôi, một lượng thức ăn dồi dào được bổ sung khiến những loài chim di cư phương Bắc luôn chọn Xuân Thủy làm điểm dừng chân.

So với các điểm khác trong chuỗi tác nghiệp, Xuân Thủy có lẽ là nơi chúng tôi nhàn nhất. Được hướng dẫn đứng đúng "điểm vàng" trong "ga chim quốc tế" độ một giờ đồng hồ, chúng tôi đã cơ bản đủ tư liệu về đặc trưng sinh học của vườn. Đó có lẽ là mơ ước cháy bỏng của những người trực tiếp đi sản xuất phim khi đu mình trên vách đá tai mèo dựng đứng tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hôm đó, chúng tôi chỉ còn cách quần thể bách xanh độ trăm mét. Nếu là đường bằng thì chỉ vài phút là tới, nhưng trong không gian này, giữa mịt mù sương khói và bát ngát núi rừng, nhìn lên chỉ thấy chân người đi trước, nhìn xuống toàn thấy đầu người đi sau, chúng tôi phải mất tới 3 giờ đồng hồ mới hoàn thành một "đúp" phim.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam ghi nhận cảnh người dân đồng bào dân tộc trồng dược liệu tại khu vực phía Bắc.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam ghi nhận cảnh người dân đồng bào dân tộc trồng dược liệu tại khu vực phía Bắc.

Gần 200 vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên cả nước là một con số khổng lồ mà Báo Nông nghiệp Việt Nam có lẽ phải mất nhiều thời gian mới ghi nhận được đầy đủ. Tuy nhiên, ngay lúc này, sau khi di chuyển hàng nghìn kilomet giữa các điểm ghi hình, chúng tôi thấy rừng không còn xa lạ, kỳ bí nữa.

Có một kỷ niệm vui thế này, trong chuyến công tác đầu tiên, tới Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, anh Trần Quốc Nhật - người cẩn trọng, luôn bao quát, quán xuyến công việc của đoàn - đã lên danh sách gần kín một trang giấy về vật dụng, tư trang cần mua trước khi vào rừng. Nào là ủng, áo mưa, thuốc xịt muỗi, cho đến tất, khẩu trang, quần áo dài đều được chuẩn bị đến mức dư thừa. Tuy nhiên, tới lúc xỏ ủng lên thăm 2 cây di sản pơ-mu, sa-mu nghìn năm tuổi, cả đoàn lại quên mấy lọ thuốc mỡ D.E.P - sản phẩm chuyên trị ghẻ ngứa và các vết ngứa do côn trùng đốt. Giám đốc Phạm Anh Tám cười rộ, và nửa đùa nửa dọa, thiếu thuốc D.E.P là vắt không rời chân đâu.

Nếu còn ở trung tâm huyện Thường Xuân, tìm mua mấy lọ thuốc là điều không khó, nhưng lại là nhiệm vụ gần như bất khả thi với chúng tôi khi đặt chân sâu vào bản Vịn, xã Bát Mọt. Tặc lưỡi, chúng tôi bảo nhau người đi sau để ý cho người đi trước, đồng thời lấy băng dính khổ lớn chằng kín mọi khoảng hở trên cơ thể, nhất là khu vực thắt lưng, phần ủng tiếp giáp với ống quần, hay thậm chí là cổ áo.

Cũng trong chuyến đi đáng nhớ ấy, chúng tôi được tận mắt thấy sự “thần thánh” của đôi dép rọ bộ đội. Trước đó, khi thăm hồ Cửa Đạt, chúng tôi đã thấy cán bộ kiểm lâm Xuân Liên đã không rời đôi dép nửa bước. Nay vào rừng, chỉ trang bị thêm đôi tất dài tới giữa bắp chân, họ đi phăng phăng trên mọi địa hình. Kể cả lúc ra khỏi rừng trở về nhà, như đã quen chân, anh em vẫn thủy chung với đôi dép.

4

Năm nay, Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục triển khai một số chương trình liên quan tới bảo tồn, và có thể mở rộng sang các khu Ramsar ngập nước như Hồ Ba Bể, Côn Đảo...

Phóng viên Đinh Đức Tùng, chuyên gia bay flycam của đoàn, nằm trong số những người háo hức nhất. Trong một năm rong ruổi, những thước phim toàn cảnh, từ đỉnh Hoàng Liên, Tam Đảo, hay Ba Vì đều được anh chăm chút. Hỏi nguyên do, anh bảo, nếu nhìn cận cảnh thì cây, rừng ở đâu cũng như nhau, trừ một số loài đặc trưng, đặc hữu. Nhưng nếu lên cao, xuyên qua những ngọn mây, khung hình sẽ khác, đẹp, lấp lánh và hùng vĩ hơn nhiều.

Trang phục khi đi rừng chủ yếu là dép rọ bộ đội.

Trang phục khi đi rừng chủ yếu là dép rọ bộ đội.

Khoảng 500GB hình ảnh, tư liệu là tất cả những gì chúng tôi đã chắt lọc, sưu tầm đến thời điểm hiện tại. Thảng hoặc lúc ngồi bàn dựng, một ai đó trong đoàn lại "ồ", "à" về những kỷ niệm. Đó có thể là chiếc gùi vượt lũ, được làm từ bao tải có lót túi bóng bên trong. Đây có lẽ là sáng kiến hay nhất, rẻ nhất, an toàn nhất mà chúng tôi được truyền thụ, khi công tác tại Vườn quốc gia Pù Mát.

"Chiếc gùi" có thể đeo dễ dàng, khi qua suối nó là chiếc phao mà không sợ bị thấm nước, không sợ bị chìm. Khi mặt trời đứng bóng, nó trở thành gối ngủ trưa dọc đường. Lúc di chuyển, "gùi" giải phóng đôi tay, giúp chúng tôi có thể một tay cầm gậy, một tay dò đường đi tiếp.

Đó cũng có thể là bữa cơm trưa nấu vội tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Choăng, huyện Con Cuông. Vài cục đá lớn dựng làm bếp, mấy nhành củi khô giữ lửa, gặp mùa mưa thì thổi mỏi mồm, phồng phổi mà lửa vẫn không lên. Chưa hết, nấu cơm xong, bếp dã chiến còn trở thành nơi hong quần áo khô, vừa xua đuổi thú dữ lúc đêm về, vừa xua bớt giá lạnh và bừng sáng giữa không gian u trầm của rừng già. Đồ ăn chỉ có cơm nắm chấm muối vừng, một món rau dại và ít cá khô, trải trên chiếc “mâm” làm từ lá rừng. Quây quần xung quanh, mỗi người một chiếc đèn pin đội đầu, lia luồng sáng để nhìn thấy nhau, vừa ăn vừa trò chuyện.

Có người nói, rừng chỉ đẹp, nên thơ khi nhìn từ bên ngoài. Nhưng chúng tôi, những phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, luôn tin chắc một điều, rằng ở sâu thẳm bên trong, rừng "ướt đẫm" ánh sáng.

Ánh sáng của tình yêu rừng.

Xem thêm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến La Habana, bắt đầu thăm Cuba

Tối 25/9 theo giờ địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Sân bay quốc tế Jose Marti, Cuba.

Đại hội đại biểu lần thứ V Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam

Sáng 27/9, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V nhiệm kỳ 2024 - 2029; kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ dân có nhà bị sập xuống sông Đồng Nai

ĐỒNG NAI Liên quan đến vụ 4 căn nhà bị sạt lở xuống sông, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai phối hợp với TP Biên Hòa tổ chức hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất