Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Nông nghiệp và PTNT, với sự chỉ đạo quyết liệt, năng động, đổi mới của Lãnh đạo Bộ và sự nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ, đã đạt được một số kết quả quan trọng, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong thể chế, chính sách để xây dựng, hoàn thiện; rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện đầu tư kinh doanh góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh
Chính phủ đã banh hành Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó đã cắt giảm 173/345 điều kiện (đạt tỷ lệ 50%), trong đó 65 điều kiện được sửa đổi, đơn giản hóa, 108 điều kiện được bãi bỏ.
Các điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa là các điều kiện quy định chung chung (không bị ô nhiễm từ môi trường bên ngoài vào; không gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh; sử dụng vật liệu có kết cấu vững chắc, phù hợp, bảo đảm an toàn lao động và sản xuất); các điều kiện thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư (có hệ thống đèn chiếu sáng phù hợp; có địa điểm kinh doanh cố định và biển hiệu, có sổ sách, hóa đơn chứng từ theo dõi xuất, nhập hàng); các điều kiện đã quy định ở các văn bản QPPL khác (có hệ thống báo cháy, chữa cháy, thoát hiểm cho người theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy,..); các điều kiện về quy trình sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; sửa đổi các điều kiện theo hướng rút gọn để phù hợp với thực tế, dễ thực hiện, đồng thời tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư (ghép một số điều kiện có cùng tính chất và quy định cho phù hợp; quy định các điều kiện tối thiểu để các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải đáp ứng; …).
Các điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia thị trường, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ 7.698 dòng hàng xuống còn 1.768 dòng hàng (tỷ lệ cắt giảm trên 77%). Kết quả cắt giảm được thể chế hóa tại Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành bảng mã HS đối với Danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT (thay thế Thông tư 24/2017/TT-BNNPTNT).
Việc cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải KTCN từ 7.698 dòng hàng xuống còn 1.768 dòng hàng đồng thời quy định cụ thể cơ quan kiểm tra, phương thức kiểm tra có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính có liên quan tới nhập khẩu hàng hóa.
Thay đổi phương thức kiểm tra chuyên ngành
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện việc chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan. Cụ thể:
Một là, thay đổi phương thức kiểm tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với 1.880 dòng hàng, gồm giống thủy sản nhập khẩu thông thường; giống cây trồng; giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, muối. Việc thay đổi này có tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hoạt động của cơ quan nhà nước có liên quan; góp phần giảm tỉ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan.
Hai là, quyết định giao một đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với nhóm hàng hóa chịu sự kiểm tra chuyên ngành của nhiều đơn vị thuộc Bộ đối với 06 nhóm hàng: “Kén tằm”, “Côn trùng”; “Giống thủy sản”; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có nguồn gốc động vật, thực vật. Việc giao một đầu mối kiểm tra chuyên ngành sẽ rút ngắn được thời gian, quy trình giải quyết thủ tục hành chính, từ đó tiết kiệm chi phí trong việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.
Ba là, thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa là động vật, sản phẩm động vật theo nguyên tắc quản lý rủi ro, theo tần suất và phân luồng ưu tiên: Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức sửa đổi Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT; ban hành trong năm 2018 để lược bỏ hàng hóa phải kiểm dịch theo hướng loại trừ những hàng hóa đã qua chế biến sâu, thay đổi tần suất kiểm dịch đối với một số nhóm sản phẩm hàng hóa, thống nhất một đầu mối kiểm tra đối với cùng một mặt hàng.
Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 32/63 TTHC liên quan tới kiểm tra chuyên ngành.
Các TTHC đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa tập trung vào các nội dung như: Đơn giản hóa, lược bỏ một số giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu thực hiện; Đơn giản hóa trình tự thực hiện; giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện gộp một số TTHC có liên quan chặt chẽ trong chuỗi trình tự thực hiện của cơ quan nhà nước nhằm giảm thời gian thực hiện các TTHC của tổ chức, cá nhân; tổ chức triển khai thực hiện TTHC trực tuyến mức độ 3,4, cơ chế một cửa quốc gia; Thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm ở tất cả các thủ tục hành chính kiểm tra an toàn thực phẩm; thực hiện quản lý hàng hóa theo phương thức quản lý rủi ro; giảm tần suất lấy mẫu lô hàng.
Đến nay, Bộ đã hoàn thành việc ban hành 6/8 thông tư để thực thi phương án đơn giản hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Đối với những Thông tư còn lại, các đơn vị đang gấp rút hoàn thiện trình Bộ trưởng ban hành trong năm 2018.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tích cực, chủ động triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Đến nay, Bộ có 13 TTHC đã kết với trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; 18 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Tính từ đầu năm đến ngày 30/11/2018, các đơn vị thuộc Bộ tiếp nhận, xử lý giải quyết hồ sơ TTHC cấp phép điện tử qua Cổng một cửa quốc gia với tổng số 253.061 hồ sơ; trong đó đã xử lý, giải quyết và cấp phép/Giấy chứng nhận điện tử 228.494 hồ sơ, đang xử lý 24.567 hồ sơ. Tổng số hồ sơ tiếp nhận và xử lý mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ là 6.155 hồ sơ.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành của Bộ đã giảm gánh nặng thời gian và chi phí cho doanh nghiệp từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc áp dụng quản lý rủi ro đồng thời góp phần giám sát hoạt động của cán bộ, chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ.