Theo nhiều báo cáo hôm 12/10, Nigeria hiện ghi nhận 14.000 trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu, con số này tăng gấp đôi so với tháng trước.
Dịch bạch hầu ở Nigeria bùng phát từ tháng 12/2022 đã lan rộng đến 19 trên tổng số 36 bang của nước này, cũng như cả thủ đô Abuja. Tâm dịch hiện là bang Kano ở miền bắc Nigeria, nơi đã ghi nhận hơn 500 ca tử vong.
Bệnh bạch hầu rất dễ lây lan và ảnh hưởng đến khoang mũi và cổ họng. Các triệu chứng thường xuất hiện muộn, với các triệu chứng ban đầu là đau họng và sốt. Khi bệnh trở nặng, vi khuẩn tạo ra độc tố gây ra một mảng dày màu xám hoặc trắng ở phía sau cổ họng có thể chặn đường thở.
Trong chuyến thăm một cơ sở cách ly bạch hầu ở thành phố Kano hôm 12/10, Tiến sĩ Faisal Shuaib, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia, cho rằng thật đáng lo ngại khi trẻ nhỏ đang mắc một "căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được".
Ông Shuaib nói thêm rằng các biện pháp tích cực truy vết tiếp xúc đã góp phần làm giảm số ca bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết việc xét nghiệm không đầy đủ và một số bệnh nhân không báo cáo các triệu chứng khiến cho việc theo dõi chính xác tỷ lệ lây nhiễm trở nên khó khăn.
Cơ quan này đã nhấn mạnh rằng tiêm chủng là biên pháp hiệu quả nhất để quản lý cuộc khủng hoảng và đã kêu gọi phụ huynh có con nhỏ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ liều đến các cơ sở y tế gần nhất để được tiêm chủng.
Theo WHO, chỉ có 57% người Nigeria được tiêm vacxin 5 trong 1, kháng được năm bệnh nguy hiểm tính mạng, trong đó có bệnh bạch hầu. Cơ quan này nói thêm rằng "phải duy trì tỷ lệ bao phủ vacxin ở múc 80 - 85% để bảo vệ cộng đồng".
Đợt bùng phát bệnh bạch hầu lớn nhất ở Nigeria xảy ra hồi năm 2011, khiến 21 người thiệt mạng và 98 người bị nhiễm bệnh ở bang Borno, WHO báo cáo.