| Hotline: 0983.970.780

Huyền thoại đền Cờn

Thứ Hai 07/03/2011 , 09:50 (GMT+7)

Đền Cờn là một trong bốn đền thờ linh thiêng nhất ở xứ Nghệ: "Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng".

Đền Cờn là một trong bốn đền thờ linh thiêng nhất ở xứ Nghệ: "Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng". Từ thời Trần, Lê, Tây Sơn đến nhà Nguyễn, từ 19 đến 22 tháng Giêng âm lịch hàng năm các triều đại phong kiến đều cử quan đại thần về làm chủ tế. Tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia này hiện có rất nhiều truyền thuyết dân gian xoay quanh Tứ vị Thánh nương được thờ phụng ở đền.

CÂU CHUYỆN KHÚC GỖ THẦN

Truyền thuyết kể rằng: Vào thế kỷ XIII, vó ngựa của đế chế Nguyên Mông liên tiếp chinh phục Tây Hạ, Cao Ly và nhiều nước châu Âu như: Nga, Đức, Ba Lan, Anh, Pháp.

Vào khoảng năm 1274, quân Nguyên Mông tràn xuống xâm lược Nam Tống. Trước sức tấn công mãnh liệt của quân Nguyên, kinh đô nhà Tống ở Lâm An bị thất thủ. Triều đình bỏ chạy về phía Nam. Các đại thần phải phù giá Thái hậu Dương Nguyệt Quả, Hoàng Hậu và 2 công chúa về Nhai Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc ngày nay) hợp sức cùng với Văn Thiên Tường chống giặc.

Tại đây, Tống Ích Vương lên ngôi vua, Thái hậu Dương Nguyệt Quả được tôn làm Hoàng Thái hậu, buông rèm nhiếp chính. Văn Thiên Tường và Trương Thế Kiệt được phong làm tả, hữu thừa tướng. Nhưng lại bị quân Nguyên Mông đánh úp khiến Đoan Tông Hoàng đế phải chạy về Triều Châu, Hồ Châu rồi mất. Em là Tống Đế Bính lên nối ngôi, liền rút lui Nhai Sơn để phòng thủ, song lại bị vỡ trận, Tả thừa tướng Văn Thiên Tường bị bắt. Bước đường cùng, Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu quyết định neo 1.000 thuyền chiến áp sát vào nhau theo hình chữ nhất để quyết phòng ngự.

Quân Nguyên Mông sau khi tăng viện binh đã tổ chức bao vây, cắt đứt đường tiếp tế lương thực, nước uống khiến vua tôi và hàng chục vạn quân sỹ Tống lâm vào cảnh bế tắc. Thấy không địch nổi thế mạnh của giặc, Trương Thế Kiệt đã bí mật lấy 16 thuyền rước Thái hậu, Hoàng hậu và hai công chúa vượt biển rút chạy về phía Nam. Còn Lục Tú Phu trong lúc đang cố sức đưa vua Tống tháo chạy đã bị giặc ào ạt xông vào bắt sống để vua tôi không bị sa vào tay giặc, Lục Tú Phu đã cõng vua Tống nhảy xuống biển tự vẫn. Hành động tuẫn tiết của vua Tống đã khiến hàng chục vạn quân cùng nhảy xuống biển chết theo…

Lênh đênh trên biển, thuyền chở Thái hậu, Hoàng hậu, 2 công chúa cùng với tướng Trương Thế Kiệt gặp bão bị đánh tan tác khiến quan quân trên thuyền bị chết đuối hết. Riêng 4 mẹ con Thái hậu nhờ bám được vào các mảnh ván thuyền nên trôi dạt vào chùa Quy Sơn, được vị đại sư trụ trì ở đây cứu sống, chăm sóc thuốc men nên sức khỏe bình phục. Thấy Thái hậu quá xinh đẹp, sư thầy động lòng trần tục nên đã ngỏ lời muốn tư thông với bà, chẳng ngờ đã bị Thái hậu cự tuyệt. Xấu hổ trước việc làm của mình, nhà sư đã nhảy xuống biển tự vẫn.

Thấy ân nhân cứu mạng phải chết để trả giá cho lỗi lầm của mình, Thái hậu Dương Nguyệt Quả đã vô cùng hối hận và than rằng: "Chúng ta nhờ sư mà được sống, nay vì chúng ta mà phải chết, sao nỡ yên tâm". Nói xong Hoàng Thái hậu gieo mình xuống biển để quyên sinh. Thấy vậy, Hoàng hậu và 2 công chúa cũng nhảy xuống biển chết theo… (có tài liệu nói Thái hậu thấy tình cảnh nước mất, nhà tan, vua quan triều đình bị giết hại, trăm họ nước Tống bị lầm than, lại lo bị quân giặc truy tìm nên lòng dạ Thái hậu không yên khiến bà đã gieo mình xuống biển tự tử. Thấy vậy 2 công chúa và Hoàng hậu cùng nhảy xuống biển chết theo).

Xác của 4 mẹ con Thái hậu nhập vào một khúc gỗ trầm hương lênh đênh trên biển sau đó dạt vào bến đò cũ của làng Kẻ Càn (vùng Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu, Nghệ An ngày nay; có tài liệu nói xác 4 mẹ con trôi dạt vào bãi biển làng Kẻ Càn. Xác Thái hậu trông như người nằm ngủ và tỏa mùi hương thơm nên được nhân dân địa phương mai táng chu đáo và lập đền thờ). Nhưng dân làng Kẻ Càn thấy khúc gỗ án ngữ chỗ lên xuống đò nên đã đẩy khúc gỗ này ra chỗ khác. Khúc gỗ lại trôi vào một doi đất của làng, đối diện cống 3 cửa hiện nay. Thủy triều lên, khúc gỗ lại trôi vào một doi đất của xóm Rồng (Quỳnh Lập), sau đó trôi đến bãi biển sát chân rú Ói thuộc làng Phú Lương (xã Quỳnh Bảng).

Bữa sáng nọ, có một lão ngư làng Phú Lương ra bãi biển lấy thuyền đi kéo rùng (lưới) chợt ngửi thấy mùi thơm tỏa ra từ khúc gỗ lạ nằm trên bãi biển. Ông lão liền lấy dao đẽo một mảnh xem đó là gỗ gì thì thấy từ trong thớ gỗ bỗng có máu chảy ra. Thấy chuyện lạ đời, ông lão liền khấn: "Nếu đây là khúc gỗ thiêng thì phù hộ cho lão chuyến kéo rùng này được thật nhiều tôm cá". Quả nhiên, hôm đó, thuyền ông lão kéo mẻ rùng nào cũng trúng đậm. Thấy thế, dân làng Phú Lương liền làm theo. Họ khiêng khúc gỗ thiêng này lên bờ, trước khi đi biển đều thắp hương khấn vái và lạ thay chuyến đi biển nào nhà nào cũng đều đánh bắt được rất nhiều tôm cá.

Biết được tin này, ngư dân làng Kẻ Càn cho rằng khúc gỗ thiêng trôi dạt vào đây vốn là ý trời mang đến cho làng mình, nhưng đã vô tình mà để nó trôi đi. Hào lý làng Kẻ Càn họp dân đinh tổ chức lực lượng bí mật kéo nhau xuống làng Phú Lương vác trộm khúc gỗ thiêng này về. Về đến đất làng mình, đám trai đinh vừa đặt khúc gỗ xuống nghỉ đã bị dân đinh làng Phú Lương đuổi theo cướp lại. Hai làng đánh nhau to, phải báo lên quan huyện về phân xử. Vụ án tranh nhau khúc gỗ thiêng, quan huyện, quan tỉnh xử mãi không xong. Cuối cùng phải chuyển lên cho nhà vua đích thân phân xử.

Nhà vua yêu cầu công chúa phải trai giới 7 ngày rồi thắp hương khấn khúc gỗ xin thần linh báo mộng. Đêm nọ công chúa nhà Trần được Hoàng hậu Dương Nguyệt Quả báo mộng: Cho mỗi làng làm một bát hương, lượng hương như nhau, cùng đốt một lúc. Hương bên nào cháy khác thường thì bên đó được thờ phụng. Vua Trần y lời và đích thân làm trọng tài. Hôm ấy bát hương của làng Phú Lương hóa lửa từ trên xuống, còn bát hương của làng Kẻ Càn lại bỗng dưng hóa từ dưới lên. Nhờ đó, dân làng Kẻ Càn thắng kiện được phép thờ khúc gỗ thiêng mãi mãi. Làng Kẻ Càn lập tức làm một gian miếu bằng tranh, đặt khúc gỗ thiêng vào đó làm nơi thờ tự. (Còn nữa)

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất