| Hotline: 0983.970.780

"Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời"

Thứ Tư 23/07/2008 , 08:30 (GMT+7)

Cô Dạ Hương kính mến! Cháu là độc giả quen thuộc của báo NNVN và tạp chí KTGĐ, một phần do yêu thích đọc báo, phần nữa do cháu là kỹ sư nông nghiệp.

 

 

Cháu e sợ cái nghèo sẽ làm hỏng hạnh phúc sau đám cưới (Ảnh mang tính minh họa)Bố mẹ cháu về cơ bản là làm nông nghiệp, bố mẹ sinh được cháu và một em trai nữa đang học đại học năm thứ ba. Cháu luôn tự hào mình được sinh ra trong một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Hiện cháu đang làm ở một cơ quan Nhà nước cách nhà 200 km. Cháu nhớ bố mẹ, bù lại bố mẹ cũng rất thương con gái dặm trường dù cháu đã 25 tuổi.

Người yêu của cháu cùng lớp thời đại học, cùng quê. Đó là một người khoẻ mạnh, đạo đức, học giỏi và yêu thương cháu hết mực. Tuy nhiên, anh lại kém cháu 1 tuổi. Hiện tại chúng cháu chưa kết hôn được vì anh ấy còn trẻ, nhà lại nghèo, anh còn phải chi phụ cho các em ăn học. Chúng cháu ở cách nhau 1 cây số, anh ở luôn trong cơ quan, cháu trọ ở ngoài.

Nhiều lúc cháu thấy hạnh phúc nhưng nhiều lúc cũng chạnh buồn, cháu ở trọ, luôn phải lo đối xử sao cho vừa ý chủ nhà, hai đứa đều theo ngành nông nghiệp, xa nhà, một tấc đất chẳng có mà cưới rồi thì biết tổ chức cuộc sống ra sao. Đặc thù của ngành nông nghiệp cô biết rồi đấy, chân lấm tay bùn mà độ rủi ro cao do phụ thuộc hẳn vào thiên nhiên. Mỗi lần đọc báo NNVN thấy nông dân được mùa cháu rất vui, thấy mất mùa hoặc giá rẻ thì lại sợ, cháu thương họ mà không giúp được gì nhiều.

Có lẽ cháu là người đa cảm. Đã nhiều lần cháu viết thư cho cô nhưng không gửi. Dù vậy, cháu thấy như được giải bày, san sẻ. Cháu biết tuổi trẻ là phải xông pha chịu đựng khó khăn, vậy mà cháu vẫn cần động viên, tâm sự. Người yêu cháu rất nghèo, nhưng chúng rất mực yêu thương nhau. Cháu cũng muốn được đi chơi, được mua sắm, được thay chiếc điện thoại cũ kỹ nhưng cháu đã tự gạt đi những nhu cầu đó. Chúng cháu sống giản dị lắm. Cháu thấy cứ đồng lương ba cọc ba đồng thế này bao giờ mới khá lên được. Không phải cháu ham tiền mà đến lúc cưới được e cháu già mất và bố mẹ cũng lo lắng nữa. Cháu cần nghe lời khuyên bảo của cô.

                                                                      Cháu Vũ Hoàng (Hà Tây)

Cháu thương mến!

Người Việt Nam mình từ nghèo đi lên thì mới thực sự mạnh mẽ, giỏi giang và có hương vị được. Thật oái oăm mà cũng thật đáng tự hào cái xã hội trần ai của nước mình. Cháu xem có ai hàng thế kỷ chiến tranh như người Việt không? Phải kể đến cuộc chiến giúp Campuchia xoá tan bọn Pôn Pốt mất 10 năm sau 1975 nữa thì có phải là có tới 3 cuộc chiến trong thế kỷ 20 không? Thông thường hậu chiến mới nan giải, lúc ấy nghèo nàn, mất mát, đơn độc, khổ đau mới thực sự hành hạ con người.

Tại sao người Việt mình lại có câu "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời"? Là vì như đã nói, xã hội tiểu nông mà luôn phải đối mặt với nạn ngoại xâm nên không thể có bình ổn đích thực được. Qua lá thư cô biết cháu học giỏi, có hiếu, có hạnh và cô tin người yêu cháu rất xứng đáng với cháu. Vậy thì, về mặt tinh thần của một cuộc hôn nhân các cháu đã có trong tay. Như móng của một ngôi nhà, như cốt thép trong trụ cột, không sợ gì dông bão cả.

Hãy xem một người đàn ông ứng xử với gia đình anh ta sẽ biết anh ta thuộc loại người gì. Người yêu cháu có hiếu, thậm chí là người chí hiếu, cháu cần chia sẻ với người ấy góc độ này. Cô chỉ thấy cháu kêu than chứ không trách cứ, đúng, vì cháu cũng là người biết nghĩ. Hãy nghĩ nhiều hơn, khi các em của cậu ấy cần trợ giúp cho học hành, cả hai hãy cùng đồng cam cộng khổ để có sự thanh thản về sau của lương tâm. Khi những đứa em ấy cứng cáp, thậm chí giàu có, chúng sẽ không cần anh chị như chúng cần các cháu lúc này. Cháu đã đi qua con đường học hành cháu biết, khổ nhất vẫn là đời học sinh và sinh viên. Chỉ cần cháu thông cảm, cháu động viên là đủ.

Sau đó, khi đã yên yên thì nên tính chuyện kết hôn. Không ai có sẵn nhà khi lấy vợ lấy chồng trừ các cô chiêu cậu ấm. Đừng quá ngại hôn nhân, biết bao đôi sống cảnh nhà thuê mà vẫn gói ghém được đó thôi. Lúc ấy, các cháu như những viên đạn đã lên nòng, chỉ có một mục tiêu là tới đích. Cô nghiệm thấy sự trái khoáy gần như là qui luật của mọi đời người: khi cần ăn thì thiếu ăn mà khi dư ăn thì không thể ăn được nữa. Phật bảo, đó là ý trời, hãy cống hiến đi, hãy xả thân đi, hãy cho nhiều đi rồi mới được nhận. Ai người khi trẻ cũng chưa có phúc đức của riêng mình, cần chứng minh, cần tích luỹ, cần xây đắp thì mới được thụ hưởng về sau.

Cô đã chia sẻ tận tình. Các cháu chỉ có chữ nghèo làm khổ, hãy an tâm và tính dần một đám cưới nhà nghèo đi nhá.

Xem thêm
Phá vỡ khuôn mẫu quá khứ để tự do sống và yêu

Phá vỡ khuôn mẫu không có nghĩa là nổi loạn, mà là thoát khỏi những sự ràng buộc mang tính ám ảnh quá khứ để có thể mưu cầu hạnh phúc đích thực.

Đàn ông toan tính không thể có hạnh phúc hôn nhân

Đàn ông toan tính chạy theo nhan sắc và tiền bạc, thì dù có khéo léo đến mấy cũng lộ ra khuôn mặt bội bạc và khó giữ mái ấm đích thực.