| Hotline: 0983.970.780

Kiểm kê khí nhà kính chi phí còn cao, quy định chưa được chi tiết

Thứ Năm 11/04/2024 , 15:13 (GMT+7)

Doanh nghiệp chăn nuôi cho rằng, kiểm kê khí nhà kính là vấn đề mới, chi phí còn cao, quy định chưa chi tiết nên rất cần sự đồng hành của quản lý nhà nước.

Chăn nuôi công nghiệp là nguồn phát thải khí nhà kính lớn. Ảnh: Tùng Đinh.

Chăn nuôi công nghiệp là nguồn phát thải khí nhà kính lớn. Ảnh: Tùng Đinh.

Để làm rõ hơn về vấn đề kiểm kê khí nhà kính, sáng 11/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến có buổi làm việc với Cục Chăn nuôi, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng các doanh nghiệp, hiệp hội chăn nuôi liên quan.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, đây là vấn đề mới và là một phần trong tiến trình đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng: “Việc bán tín chỉ carbon là câu chuyện dài hơi, việc bán thế nào, bán cho ai, cần đến sự cân đối ở quy mô quốc gia”.

Riêng về kiểm kê khí nhà kính, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nêu vấn đề xu hướng phát triển xanh đang phát triển ở mức độ toàn cầu, do đó đây là việc phải làm, nhưng trước mắt cần làm rõ về phương pháp đo, xác định các tổ chức cho khả năng công nhận.

Chỉ đạo chung về kiểm kê khí nhà kính, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Để làm được vấn đề này, trước tiên cần hiểu được thực trạng và xây dựng được lộ trình cụ thể cho ngành chăn nuôi. Ngoài ra, với các doanh nghiệp, hiệp hội, cần tiên phong và có thể chia sẻ được kinh nghiệm trong triển khai kiểm kê khí nhà kính."

Tại buổi làm việc, đại diện một số doanh nghiệp đã có ý kiến về lĩnh vực, đa phần đều ủng hộ về chủ trương và cam kết sẽ thực hiện. Tuy nhiên, do là vấn đề mới nên chi phí còn cao, quy định chưa được chi tiết. Do đó, các doanh nghiệp bày tỏ có thêm sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, với sự định hướng, hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, còn có ý kiến nới thời gian, tiến độ thực hiện.

Các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn cần phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Ảnh: Tùng Đinh.

Các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn cần phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Ảnh: Tùng Đinh.

Trước đó, Cục Chăn nuôi đã kiến nghị Việt Nam cần áp dụng và yêu cầu các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Theo Cục Chăn nuôi, chăn nuôi công nghiệp là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường cũng như đã và đang đóng góp đáng kể vào tổng phát thải khí nhà kính Việt Nam.

Kết quả kiểm kê cho thấy phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bò và chăn nuôi lợn luôn chiếm phần lớn nhất trong tổng phát thải khí nhà kính của ngành.

Phát thải khí metan từ phân động vật gây ra trong điều kiện yếm khí trong các hầm khí sinh học (biogas) hoặc ở những nơi chứa phân động vật số lượng lớn nhưng điều kiện thông khí kém. Do vậy, phát thải khí metan lớn nhất thường xảy ra đối với các động vật chăn nuôi tập trung và sử dụng nhiều nước để làm vệ sinh chuồng trại như chăn nuôi lợn thịt.

Nhìn từ kinh nghiệm giảm phát thải khí nhà kính của các nước có ngành chăn nuôi tiên tiến như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan…, quản lý khí nhà kính và các yêu cầu báo cáo khí nhà kính của các quốc gia phát triển và đang phát triển luôn bao gồm các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp trong các giai đoạn phải báo cáo.

Trên cơ sở đó, đối với ngành chăn nuôi, kiến nghị Việt Nam áp dụng quản lý số liệu phát thải khí nhà kính của các cơ sở chăn nuôi trên cơ sở tính toán, số liệu hoạt động của Bộ NN-PTNT, trong đó cần yêu cầu các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Thông tin từ Bộ NN-PTNT, tổng lượng chất thải chăn nuôi năm 2022 lên đến 81,8 triệu tấn/năm, trong đó chăn nuôi lợn chiếm 44,9%, bò thịt chiếm 26,7%, trâu chiếm 15,3%, gia cầm 8,1%, bò sữa 4,9% trong tổng lượng chất thải chăn nuôi.

Ngoài ra, chất thải lỏng phát sinh từ hoạt động chăn nuôi năm 2022 ước đạt 379 triệu mét khối. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50% chất thải rắn và 20% chất thải lỏng được xử lý trước khi thải ra môi trường.

Phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi bao gồm 2 nguồn chính: Khí metan từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí CH4, N2O từ phân động vật.

Theo kết quả điều tra năm 2016, lượng khí nhà kính phát thải từ dạ cỏ của động vật nhai lại chiếm tỷ trọng cao nhất, 444.000 tấn khí CH4 (tương đương 12,42 triệu tấn CO2e), tiếp đến là phát thải từ phân động vật bao gồm 11.000 tấn khí N2O (tương đương 2,97 triệu tấn CO2e) và 112.000 tấn khí CH4 (tương đương 3,13 triệu tấn CO2e).

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất