| Hotline: 0983.970.780

Kiểm lâm Thành phố Móng Cái: Tiền hậu bất nhất!

Thứ Hai 07/09/2020 , 12:40 (GMT+7)

Từng khẳng định dự án khai thác mỏ đất xã Quảng Nghĩa là rừng sản xuất, nhưng sau một thời gian, Kiểm lâm Móng Cái lại xác định dự án có đất rừng tự nhiên.

Dự án mỏ khai thác đất phục vụ thi công dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) tại thôn 5 xã Quảng Nghĩa được UBND TP Móng Cái phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2144/QĐ-UBND ngày 8/5/2019. Ngày 10/7/2020 tại Biên bản làm việc “V/v kiểm tra, xác minh diện tích, loại rừng đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh” có xác nhận của UBND TP Móng Cái (ông Đỗ Xuân Điệp - Phó Chủ tịch UBND TP đã ký) thể hiện quy hoạch rừng sản xuất là rừng trồng.

Dự án đã được HĐND tỉnh Quảng Ninh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại Nghị quyết số 192/NQ-HĐND ngày 30/7/2019. Để triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, UBND TP Móng Cái đã ban hành Thông báo thu hồi đất số 284/TB-UBND ngày 19/8/2019, trong đó tổng diện tích đất thu hồi là 46,97 ha đất trồng rừng sản xuất của 25 hộ dân.

Văn bản của Hạt Kiểm lâm Móng Cái khẳng định dự án không có rừng tự nhiên. Ảnh: PV.

Văn bản của Hạt Kiểm lâm Móng Cái khẳng định dự án không có rừng tự nhiên. Ảnh: PV.

Cũng trong tháng 4/2020, Hạt Kiểm lâm Móng Cái, trong văn bản cung cấp thông tin về 25 phương án giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án khai thác mỏ đất thôn 5, xã Quảng Nghĩa, cũng khẳng định: Toàn bộ diện tích khu vực thực hiện dự án mỏ đất trên nằm trong quy hoạch là rừng sản xuất, hiện trạng là rừng trồng và đất trống. Văn bản do Hạt phó Hạt Kiểm lâm Móng Cái, ông Trần Đăng Duy ký.

Tuy nhiên, ngày 25/8/2020, UBND TP Móng Cái (Quảng Ninh) có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh, trong báo cáo này lại là rừng tự nhiên từ thời điểm được giao đất đến nay. Văn bản cũng do Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, ông Đỗ Xuân Điệp, ký.

Đối chiếu 2 văn bản của cùng 1 người ký, thấy rằng, nội dung mâu thuẫn với nhau. Văn bản thứ nhất khẳng định là rừng sản xuất, văn bản thứ 2 nói là có rừng tự nhiên. Như vậy, người dân và các cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh không biết tin vào văn bản nào.

Trong cuộc họp ngày 3/9/2020 của UBND TP Móng Cái do ông Đỗ Xuân Điệp chủ trì, đại diện một số sở tham dự cuộc họp cho biết, ông Lê Thanh Tâm, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Móng Cái, một mực khẳng định là diện tích mỏ đất có rừng tự nhiên. “Chúng tôi thực hiện điều tra độc lập và người dân tại đây đã ký vào biên bản là họ không chăm sóc và trồng thêm cây mới, chỉ phát quang. Chúng tôi cũng ghi âm đầy đủ”, ông Tâm nói trong cuộc họp.

Như vậy, rõ ràng có sự bất nhất, trong báo cáo của Hạt Kiểm lâm Móng Cái với UBND TP về nguồn gốc đất rừng trong dự án này.

Để tìm hiểu nguyên nhân, PV đã có những cuộc làm việc với người dân có rừng thuộc dự án trên. Trong tất cả các cuộc làm việc, người dân đều khẳng định, ngày 19/8/2020, ông Lê Thanh Tâm cùng 1 cán bộ kiểm lâm xuống tận nhà dân, vận động họ ký biên bản, không cho họ đọc, chỉ được phép ký. Họ cũng thông tin thêm, “ông Tâm cũng nói với người dân rằng cứ ký biên bản, sau đó lên kêu với thành phố sẽ được đền bù nhiều tiền hơn, quyền lợi được đảm bảo hơn”. Ngay sau đó, ngày 20/8, hàng chục hộ dân kéo lên trụ sở tiếp công dân của thành phố Móng Cái để đòi quyền lợi.

Dù chưa nhận được đền bù, nhưng mỏ đất đã được khai thác phục vụ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh: PV.

Dù chưa nhận được đền bù, nhưng mỏ đất đã được khai thác phục vụ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh: PV.

Ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, khẳng định, việc cán bộ kiểm lâm “đi điều tra độc lập”, không thành lập đoàn công tác, không phối hợp với chính quyền địa phương… là sai nguyên tắc. Và kết quả các biên bản trên không có giá trị pháp lý.

Việc cán bộ đảng viên tự ý vận động người dân đòi quyền lợi, tụ tập khiếu kiện đông người trước cơ quan công quyền là vi phạm vào điều 5 của quy định 19 điều đảng viên không được làm. Điều 5 quy định rõ, đảng viên không được tổ chức, tham gia kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, mục 4 quy định đảng viên không được đề xuất, chủ trì, tổ chức, tham gia, ủng hộ vật chất hoặc kích động, xúi giục, mua chuộc, lôi kéo, cưỡng ép tổ chức, cá nhân tố cáo, khiếu nại dưới mọi hình thức.

Tại Hồ sơ kết quả kiểm kê rừng trồng dự án KFW xã Quảng Nghĩa - thị xã Móng Cái - tỉnh Quảng Ninh; Tại Bảng tổng hợp kết quả kiểm kê rừng trồng từ năm 2000-3/2005 xã Quảng Nghĩa cột số 03 - công thức trồng thể hiện năm 2003 (khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung) thể hiện: công thức trồng cây bản địa. Biểu l – Bảng kê kết quả kiểm kê rừng trồng năm 2003 thể hiện biện pháp kỹ thuật: Khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung (cây trồng bổ sung là cây sấu); không thể hiện chủng loại loài cây, số lượng, kích thước cụ thể của từng loại cây. Không có kết quả kiểm kê rừng tự nhiên.

Trong hồ sơ lưu trữ không có biên bản thể hiện tại thời điểm trước khi giao đất cho các hộ dân, cơ quan Nhà nước không xác định hiện trạng, trữ lượng, chủng loại cây rừng trước khi bàn giao

Theo phiếu ý kiến khu dân cư và Bản chứng nhận nhà đất của UBND xã Quảng Nghĩa, thành phố Móng cái xác định 20/25 hộ dân trong khu vực dự án sử dụng ổn định, liên tục vào mục đích trồng rừng sản xuất từ năm 2003 đến thời điểm có Thông báo thu hồi đất không tranh chấp.

Khi chưa có Thông báo thu hồi đất thực hiện dự án, toàn bộ tài sản là cây trồng trên đất do các hộ dân sử dụng ổn định, liên tục, khai thác và hưởng lợi. Không có diện tích rừng tự nhiên, không có loài cây có tên trong Sách đỏ Việt Nam thuộc danh mục cấm khai thác

UBND xã Quảng Nghĩa, thành phố Móng Cái xác nhận rõ nguồn gốc tại Bản chứng nhận nhà đất và tài sản trên đất ngày 24/9/2019 (loại cây trồng trước thời điểm thông báo thu hồi đất của từng hộ dân).

Như vậy, đối chiếu với các tài liệu, thì có thể khẳng định hoàn toàn không có rừng tự nhiên trong diện tích dự án mỏ đất phục vụ thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Ngoài ra, báo cáo của UBND TP Móng Cái ghi “Qua kiểm tra hiện trạng và làm việc trực tiếp với các hộ dân thì toàn bộ diện tích rừng vẫn giữ nguyên hiện trạng như thời điểm được giao ban đầu người dân không tác động vào rừng”.

Trong hồ sơ lưu trữ không có biên bản thể hiện tại thời điểm trước khi giao đất cho các hộ dân, cơ quan Nhà nước không xác định hiện trạng, trữ lượng, chủng loại cây rừng trước khi bàn giao dựa vào đâu mà thành phố khẳng định số lượng, loài cây, thành phần chủng loại, đường kính, chiều cao... không thay đổi từ trước năm 2003 đến thời điểm hiện tại (khoảng thời gian cách nhau gần 20 năm).

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.