| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang

Sống bất an sau hơn 20 năm khai hoang

Thứ Hai 20/07/2020 , 13:10 (GMT+7)

Nhiều người dân đi khai hoang theo chủ trương của tỉnh, hơn 20 năm rồi cuộc sống chưa yên vì đất có giá xảy ra tranh chấp, bị đánh đập và bắn trọng thương.

Các hộ dân ấp T4 bên tấm vải viết chữ kêu cứu trước nhà anh Giàu. Ảnh: N.D.

Các hộ dân ấp T4 bên tấm vải viết chữ kêu cứu trước nhà anh Giàu. Ảnh: N.D.

Buổi sáng kinh hoàng

Dưới mái hiên nhà nghèo lụp xụp, anh Nguyễn Văn Giàu ôm vết thương băng bó ở bụng, máu vẫn rỉ ra, run run kể: “Hôm đó, một nhóm khoảng 50 người băng qua kênh, xông vào khu đất nhà tôi ném đá. Ban đầu anh em chúng tôi sợ hãi, núp trong nhà không dám bước ra. Mãi sau thấy họ ném đá dữ quá, 4 anh em tôi chạy ra đã bị họ hành hung, còn dùng súng bắn trọng thương”.

Anh Giàu đang kể lại buổi sáng ngày 14/5/2020, cả gia đình anh ở ấp T4, xã Vĩnh Phú (Giang Thành, Kiên Giang) phút chốc rơi vào cảnh tang thương.

Trên đất ruộng cạnh nhà, anh Giàu và 3 người trong gia đình là anh Nguyễn Văn Hoài, Nguyễn Hoài Thanh và Mai Út Nhỏ người trúng đạn, người bị đánh quằn quại đau đớn.

Đám côn đồ rút đi, anh em Giàu được đưa vào bệnh viện huyện chữa trị. Ba người bị thương nhẹ, được băng bó và xuất viện sau đó, còn anh Giàu vết thương nặng nên chuyển lên bệnh viện tỉnh. Đến nay, đã hơn 2 tháng nhưng vết thương thủng bụng của anh Giàu vẫn phải băng bó, đi lại khó khăn, thân hình gầy rạc.

Nhà anh Giàu nằm trên con đường nhỏ ven cánh đồng, muốn tới phải đi thuyền qua kênh. Sau ngày kinh hoàng, gia đình anh Giàu làm đơn kiến nghị, tố cáo gửi nhiều cơ quan nhưng chưa được giải quyết.

Gia đình anh lo sợ nên giăng tấm vải màu trắng trước nhà, ghi những dòng chữ kêu cứu: “Xã hội đen hiếp dân, chánh quyền đâu?”. Nhiều người dân kế cận nhà anh Giàu cũng bức xúc nên khi phóng viên chụp tấm vải, đã đứng vào cùng gia đình anh Giàu.

Bà con ở đây cho rằng, nhóm côn đồ hàng hung gia đình anh Giàu có liên quan đến việc tranh chấp đất. Nhất là khi rời đi, nhóm côn đồ để lại 4 bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện đã cấp cho 4 người vào năm 2003, mỗi người 29.400 m2. Trong đó có 3 người ở TP Rạch Giá mà theo người dân thì họ là cán bộ.

Anh Nguyễn Văn Giàu với vết thương thủng bụng phải băng bó. Ảnh: N.D

Anh Nguyễn Văn Giàu với vết thương thủng bụng phải băng bó. Ảnh: N.D

Nhiều năm bất ổn

Hôm phóng viên đến, anh Danh Nam sinh năm 1978, ngụ ấp T 4, xã Vĩnh Phú cũng bức xúc kể, vì tranh chấp đất mà anh từng bị một nhóm truy sát. Đó là ngày 23/11/2008, anh Nam bị nhóm côn đồ dùng súng bắn vào mắt phải, gây thương tật 51%.

Tài liệu ở địa phương cho biết, trước đây khu vực này xa xôi hẻo lánh, đất hoang hóa. Ngày 4/10/1999, UBND tỉnh Kiên Giang có Quyết định số 1997-1999/QĐ-UB quy định chính sách khuyến khích khai thác, sử dụng đất hoang hoá vùng này.

Thực hiện chủ trương trên, địa phương xây dựng hệ thống thuỷ lợi và vận động các hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia khai hoang, sử dụng vùng đất nhiều tiềm năng. Trong có xã Vĩnh Phú và Vĩnh Điều (trước thuộc huyện Kiên Lương, nay là huyện Giang Thành).

Gia đình các anh Nguyễn Văn Giàu, Danh Nam cùng 8 hộ dân khác khai hoang mở đất ở ấp T4, xã Vĩnh Phú vào năm 2000.

Theo người dân ấp T4, đột ngột năm 2003, UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số cán bộ tỉnh. Trong đó, có các giấy mang số thửa 265, 266, 267, 268 chồng lên đất của 10 hộ dân ấp T4 đã khai phá, mà nhóm côn đồ mỗi lần đến hành hung người dân lại photo để lại.

Tình hình tranh chấp đất thêm phức tạp khi một số cán bộ được cấp đất nhưng không sử dụng, lại bán cho người khác. Các hộ dân ấp T4 kể, cuối tháng 11/2007, họ bất ngờ thấy một bà và một ông ở tỉnh An Giang vào tranh chấp đất, cho rằng họ đã mua đất của cán bộ tỉnh Kiên Giang.

Việc giải quyết tranh chấp đất, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, ngày 22/8/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã có Thông báo kết luận số 10/KL-UBND, chỉ đạo cụ thể.

Đó là, với cá nhân kể cả cán bộ, công chức nhận đất mà không đầu tư cải tạo đưa vào sử dụng đã chuyển nhượng thì phải thu hồi kể cả số đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các hộ dân bị tranh chấp đất tại xã Vĩnh Phú và Vĩnh Điều còn gửi đơn khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ. Đơn do ông Huỳnh Văn Đỡ ở tổ 8, ấp Mẹt Lung, xã Vĩnh Phú làm đại diện. Thanh tra Chính phủ làm việc và có Kết luận thanh tra số 2734/LK TTCP ngày 25/12/2007. Kết luận này được Chính phủ đồng ý, chỉ đạo tỉnh Kiên Giang thực hiện.

Cụ thể, Thông báo số 701 ngày 29/01/2008 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) ký, nêu rõ: “Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng có ý kiến chỉ đạo như sau: Đồng ý cơ bản với Kết luận thanh tra số 2734/LK TTCP ngày 25/12/2007 của Thanh tra Chính phủ (riêng đối với những trường hợp giao đất sai đối tượng phải xử lý theo Luật Đất đai).

Giao UBND tỉnh Kiên Giang khẩn trương thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo giải quyết dứt điểm những khiếu tố (trong đó có khiếu tố của ông Huỳnh Văn Đỡ) tại huyện Kiên Lương. Báo cáo Thủ tưởng Chính phủ kết quả thực hiện trong Quý II năm 2008”. Thế nhưng, việc thi hành không triệt để, kéo dài tranh chấp đến nay.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất