Cần hỗ trợ, di dời dân khẩn cấp
Kiên Giang là tỉnh cực Nam của tổ quốc, nằm trải mình bên bờ biển Tây, với hơm 200 km đê biển. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động của con người, mất rừng phòng hộ, đê biển bằng đất không chịu nổi sóng to, gió lớn gây sạt lở nghiêm trọng, thậm chí vỡ đê.
Tại khu vực huyện An Minh, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và số 5, đê biển đã bị vỡ, đứt nhiều đoạn, nước biển tràn vào gây ảnh hưởng đến sản xuất, đe dọa an toàn tính mạng người dân. Trong đó, đoạn sạt lở nghiêm trọng nhất là Vàm Tiểu Dừa, thuộc xã Vân Khánh Tây. Theo lãnh đạo UBND xã Vân Khánh Tây, toàn bộ tuyến đê quốc phòng, chạy dài từ Kim Quy đến Tiểu Dừa, có chiều dài khoảng 4,3 km. Hiện tại, hiện tượng sạt lở bờ biển khu vực vàm Tiểu Dừa rất nghiêm trọng, có đến 16 điểm đê đã vỡ và có hiện tượng tiếp tục sạt lở thêm, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Theo thống kê của UBND xã Vân Khánh Tây, phía bờ Đông của đê quốc phòng có 42 hộ đang sinh sống và bờ Tây vẫn còn 7 hộ chưa chịu di dời, do không có nền nhà để tái định cư. Các hộ dân này chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và trồng màu trên bờ đê quốc phòng.
Lãnh đạo xã Vân Khánh Tây kiến nghị UBND tỉnh, huyện xem xét cấp nguồn quỹ đất để xã hỗ trợ cho 7 hộ sống trên đê quốc phòng di dời khẩn cấp đến nơi an toàn. Về giải pháp lâu dài, xã kiến nghị tỉnh xem xét cân đối nguồn kinh phí kè đá đối với các điểm sạt lở mới phát sinh có nguy cơ vỡ thuộc phía bờ Tây đê quốc phòng, đồng thời gia cố nạo nét, đắp đất nâng cao mặt đê phía bờ Đông đảm bảo nước không tràn qua đê.
Khẩn trương hàn đê, làm kè chắn sóng
Sau 2 đợt sự cố vỡ đê biển Tây do ảnh hưởng của mưa bão, cuối tháng 9 vừa qua, đoàn công tác của tỉnh Kiên Giang do Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thanh Bình làm trưởng đoàn đã đi khảo sát thực tế, chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục khẩn cấp cũng như lâu dài.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND huyện An Minh Lê Ngọc Tùng đã kiến nghị, Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình Nông nghiệp - PTNT tính toán lại với đơn vị thi công về giải pháp đẩy nhanh tiến độ công trình, sớm hoàn thành việc hàn lại các điểm đê vỡ. Sở NN-PTNT xem xét, hỗ trợ nguồn kinh phí thủy lợi phí cho huyện để nạo vét, nâng cao mặt đê để chống tràn, đảm bảo sản xuất của người dân.
Chiều dài bờ biển huyện An Minh 37 km, hiện tại có 3 tiểu dự án đầu tư làm kè chắn sóng từ nguồn vốn Trung ương và Ngân hàng Thế giới (WB). Tiểu dự án thứ 1, làm kè chắn sóng, gây bồi tạo bãi đoạn Tiểu Dừa - Chủ Vàng, dài 10 km, thuộc dự án WB 9, dự kiến xét thầu và tháng 12/2020 và triển khai thi công tháng 1/2021. Tiểu dự án thứ 2, đoạn Kênh 9 rưỡi (Xẻo Nhàu) đến xã Đông Hưng A, chiều dài 23 km. Tiểu dự án thứ 3 đoạn từ Xẻo Nhàu trở ngược về phía huyện An Biên, dài 4km, đang giao mặt bằng để nhà thầu sớm triển khai thi công.
Về xử lý cấp bách các đoạn đê sạt lở, những đoạn đê đứt luôn sẽ tiến hành đổ đá hộc, giải pháp này có thể làm ngay không bị cản trở bởi thời tiết, những đoạn bị xói lở xử lý bằng rọ đá.
“UBND huyện An Minh triển khai ngay phương án hỗ trợ di dời 7 hộ dân đang sống trên đê quốc phòng, từ nay đến cuối năm 2020. Tiếp tục rà soát những hộ còn lại, về lâu dài không để người dân sống trên đê. Thống nhất sử dụng nguồn vốn thủy lợi phí để thực hiện nạo vét, nâng cao bờ bao bảo vệ sản xuất. Các sở, ngành phối hợp với UBND huyện An Minh khảo sát kỹ lại hết tuyến đê, những điểm cần xử lý ngay, đánh giá mức độ mất rừng phòng hộ, khả năng chống chịu nếu không có phương án tốt.”, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình chỉ đạo.
(