| Hotline: 0983.970.780

Sung túc nhờ nuôi cá lồng bè trên lòng hồ thủy điện

Thứ Tư 26/10/2022 , 14:27 (GMT+7)

Trên lòng hồ thủy điện An Khê – Kanak, rất nhiều giống cá như diêu hồng, rô phi, trắm, trê… được người dân nuôi trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế ngoài mong đợi.

Làng nghề nuôi cá lồng bè ở lồng hồ thủy điện An Khê - Kanak được hình thành được khoảng 10 năm trở lại đây. Ảnh: TA.

Làng nghề nuôi cá lồng bè ở lồng hồ thủy điện An Khê - Kanak được hình thành được khoảng 10 năm trở lại đây. Ảnh: TA.

Làng nghề triệu phú nuôi cá lồng bè

Sau nhiều năm, chúng tôi có dịp trở lại lòng hồ thủy điện An Khê – Kanak thuộc xã Xuân An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), cuộc sống của người dân nơi đây đã ngày càng sung túc. Không còn là vùng đất hoang sơ, bốn bề sông nước, nơi đây đã trở thành “thủ phủ” của nghề nuôi cá lồng bè của thị xã An Khê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.

Còn nhớ, khoảng hơn 10 năm trước, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai bắt đầu triển khai mô hình cá lồng bè nơi đây, khi đó chỉ lác đác vài hộ dân tham gia. Còn hiện tại, đã có hàng trăm lồng cá của các hộ dân được nuôi thả với hàng nghìn tấn cá tiêu thụ mỗi năm.

Mô hình nuôi cá lồng bè nơi đây đang thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng cải thiện nguồn thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.​

Anh Nguyễn Văn Thơm (thôn 3, xã Xuân An, thị xã An Khê) là một trong số ít hộ dân từng được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai hỗ trợ mô hình nuôi cá lồng bè từ năm 2012. Ngày đó, sau khi được hỗ trợ 5 lồng cá diêu hồng, thấy hiệu quả, anh Thơm đã mạnh dạn vay mượn thêm để nhân rộng lên thành 10 lồng.

Anh Thơm cho biết, ngày trước kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào các ruộng lúa, thu nhập rất bấp bênh. Ngay khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ đầu vốn, anh đã không ngần ngại để chuyển đổi sang nuôi cá lồng bè.

Anh Thơm thu về mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ nuôi cá lồng bè. Ảnh: TA.

Anh Thơm thu về mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ nuôi cá lồng bè. Ảnh: TA.

Nuôi cá khác rất nhiều so với trồng lúa, nên khi bắt đầu triển khai thực hiện đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí tưởng chừng không vực dậy nổi. Toàn bộ cá nuôi trong lồng bè đều bị nấm rồi chết dần.

Không nản chí, anh quyết tâm tìm tòi, học hỏi mô hình nuôi cá lồng bè trên các phương tiện truyền thông đại chúng, internet, cũng như tham quan các mô hình nuôi cá lân cận. Từ đó, mỗi khi cá bị bệnh nấm, anh Thơm đều chữa trị hiệu quả.  

“Thông thường, mỗi khi cá bị bệnh, tôi điều trị bằng vôi và muối để sát trùng. Bên cạnh đó, tôi đầu tư thiết bị thở oxy để cho luôn khỏe mạnh, giảm thiểu được dịch bệnh. Ngoài ra, để hạn chế dịch bệnh, tôi xây dựng diện tích mỗi lồng bè 50 m2, nước sâu 4m, được phủ nhiều lớp lưới và tạo không gian rộng để cá bơi lội thoải mái, khỏe mạnh”, anh Thơm chia sẻ.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, anh Thơm cũng đã gặt hái được quả ngọt. Sau 8 tháng, lứa cá đầu tiên chính thức cho thu hoạch giúp anh thu về hàng trăm triệu đồng.

Theo tính toán của anh Thơm,  nếu nuôi tốt mỗi năm sẽ thu được từ 3-5 tấn cá thương phẩm/lồng. Với giá bán 35.000-50.000 đồng/kg cá diêu hồng, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu về 500 triệu đồng/năm.

Cũng theo anh Thơm, để phục vụ cho việc tiêu thụ đi các tỉnh Đà nẵng, Bình Định, Kon Tum, anh cùng nhiều hộ dân trong xã liên kết phát triển nghề nuôi cá hơn 200 lồng. Theo đó, các loại cá nuôi đa dạng từ diêu hồng, trắm, trê, rô phi…

Nếu nuôi tốt, mỗi năm thu về từ 3-5 tấn cá thương phẩm/lồng. Ảnh: TA.

Nếu nuôi tốt, mỗi năm thu về từ 3-5 tấn cá thương phẩm/lồng. Ảnh: TA.

Cũng từng nghèo khổ, gia đình ông Nguyễn Văn Tèo (thôn 3, xã Xuân An) đã có cuộc sống “lột xác” kể từ khi nuôi cá lồng bè tại lòng hồ thủy điện An Khê – Kank. “Cơ ngơi” của ông Tèo hiện có hơn 60 lồng cá trê, diêu hồng… mỗi năm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng.

Để có được thành quả như hôm nay, ông Tào cũng từng trải qua thời gian rất khó khăn do chưa có kinh nghiệm chăm sóc khiến cá chết hàng loạt. Sau đó, ông Tèo phải đi “tầm sư học đạo” nhiều nơi mới đúc kết được các quy trình về chăm sóc cá.  “Nói chung, người nuôi cần vệ sinh lồng cá bằng cách cọ sạch bên trong và ngoài lưới. Đồng thời, thường xuyên theo dõi sức khỏe của đàn cá, thấy có dấu hiệu lạ thì ngay lập từng có biệp pháp khắc phục”, ông Tèo chia sẻ.

Hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng bè

Được biết, trong nhiều năm qua, UBND xã Xuân An và các phòng chuyên môn của thị xã An Khê đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để giúp cho bà con ở các vùng ven hồ phát triển nuôi cá lồng bè.

Nhờ việc đẩy mạnh áp dụng phương pháp tiên tiến, nghề nuôi cá lồng của địa phương đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, các hộ nuôi sau khi trừ chi phí, đều cho thu nhập khá.

Nhờ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhiều người dân đã biết cách chăm sóc cá cho năng suất cao. Ảnh: TA. 

Nhờ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhiều người dân đã biết cách chăm sóc cá cho năng suất cao. Ảnh: TA. 

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế thị xã An Khê, hiện có khoảng 13 hộ dân đang nuôi trên lòng hồ Thủy điện An Khê – Kanak với 369 lồng. Theo đó, các loại cá được thả như cá điêu hồng, cá rô phi, cá trê… mỗi năm đạt sản lượng hơn 1.800 tấn cá thương phẩm.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của mô hình nuôi cá lồng bè, ông Phan Vĩnh Tấn, Phó Phòng Kinh tế thị xã An Khê cho biết, để hỗ trợ các hộ dân, thời gia qua, thị xã An Khê thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ một số chính sách thực hiện mô hình trình diễn cho bà con nông dân. Xa hơn, thị xã cũng đã xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển nuôi cá lồng.

“Chúng tôi cũng khuyến khích người dân nuôi cá theo hướng an toàn sinh học nhằm hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế nhân rộng mô hình để đảm bảo an toàn môi trường nước”, ông Tấn cho biết.

Ông Trịnh Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai cho biết, trước đây, nhận thấy lòng hồ thủy điện An khê – Kanak rất phù hợp nuôi cá lồng bè nên Trung tâm đã hỗ trợ một số mô hình, cũng như chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng. Sau đó, từ mô hình này, người dân đã phát triển nhân rộng thành làng nghề nuôi cá lồng bè rất hiệu quả.

Được biết, ngoài cá loại cá truyền thống như cá trê, diêu hồng, rô phi… một số hộ dân cũng đã bắt đầu nuôi thử nghiệm các loại cá đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao như cá lăng, thát lát…

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.