Các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa |
Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã chọn xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp để triển khai dự án “Cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam, năm 2019”.
Dự án nhằm góp phần thay đổi tập quán sạ dày và tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận áp dụng KHKT. Đặc biệt là đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa từ khâu làm đất, gieo cấy, bón phân, phun thuốc và thu hoạch.
Đây là mô hình thuộc dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa”, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì. Tại Kiên Giang, mô hình được thực hiện tại Hợp tác xã Kênh 7B Kênh 8B.
Nông dân tham gia hội thảo đánh giá cao hiệu quả của dự án, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. |
Dự án được triển khai thực hiện trong vụ Thu Đông 2019, với 3 hợp phần: Xây dựng cánh đồng lớn 72ha/36 hộ tham gia (kinh phí hỗ trợ gần 3,4 triệu đồng/ha), Cơ giới hóa hỗ trợ 1 máy cấy hiệu DUO 60 (giá trị 170 triệu đồng/máy, mức hỗ trợ 60 triệu đồng/máy), 10 bình phun động cơ HONDA GX35 (giá trị 5 triệu đồng/bình, mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/bình), Mô hình liên kết với 36 hộ nông dân tham gia.
Trước khi thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa SRI cho bà con nông dân, để thực hiện chăm sóc và bón phân theo đúng quy trình lúa cấy.
Nhằm đnáh giá hiệu quả của dự ná, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã tổ chức hội thảo đầu bờ với sự tham dự của hơn 100 nông dân. Kết quả năng suất ước tính đạt 6,7 tấn/ha và không bị đổ ngả so với sạ lan trong khu vực. Về tình hình sử dụng thuốc BVTV, ruộng cấy có số phun thuốc trừ sâu giảm 33%; trừ bệnh 25% so với ruộng đại trà. Do lúa cấy thân cứng hơn, sức đề kháng tốt hơn, nhờ tiếp nhận đầy đủ ánh sáng để quang hợp, giảm ẩm độ đồng ruộng nên ít bị bệnh hại.
Về hiệu quả kinh tế, giá bán trong mô hình cao hơn 800 đồng/kg so với lúa sản xuất đại trà, thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm của nhóm liên kết với doanh nghiệp. Do đó, lợi nhuận trong mô hình cao hơn ngoài mô hình khoảng 7 triệu đồng/ha, tương đương tăng hơn 40%.