| Hotline: 0983.970.780

Làm giàu cùng chăn nuôi: [Bài 4] - Bắt tay liên kết không lo rủi ro

Thứ Sáu 08/04/2022 , 19:48 (GMT+7)

Gần chục năm nay, bình quân mỗi năm anh Cường lãi từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng nhờ bắt tay liên kết nuôi heo gia công...

Từ gần chục năm nay, chàng trai Nguyễn Đức Cường (SN 1990, ở xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước) vẫn đều đặn “đút túi” mỗi năm từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng nhờ nuôi heo gia công.

Tốt nghiệp ngành quản trị nhân sự tại một trường đại học ở TP.HCM, nhưng Nguyễn Đức Cường chọn về quê lập nghiệp và lập gia đình. Bởi theo Cường: “Mấy năm ở thành phố, thấy người ta làm ăn rất sôi động, nhưng chỉ những người có cơ sở, có vốn, làm giỏi mới mong giàu. Em thấy nhiều người bỏ quê ra thành phố, vạ vật mãi cũng chẳng khá lên được. Tìm hiểu kỹ thì biết, ở quê họ chẳng có gì, ra thành phố cũng chỉ có 2 bàn tay trắng, nên muốn khá lên là rất khó. Nếu mình ở lại thành phố, chắc gì đã cạnh tranh nổi?”.

Nguyễn Đức Cường (phải) không chỉ chịu khó làm ăn, mà còn có cách làm đa dạng, nên từ gần chục năm nay, Cường cứ đều đều mỗi năm đút túi từ vài trăm triệu trở lên. Ảnh: Minh Sáng.

Nguyễn Đức Cường (phải) không chỉ chịu khó làm ăn, mà còn có cách làm đa dạng, nên từ gần chục năm nay, Cường cứ đều đều mỗi năm đút túi từ vài trăm triệu trở lên. Ảnh: Minh Sáng.

Về quê, Cường không làm nông kiểu cũ như cha mẹ, vì tốn nhiều công sức mà thu nhập bấp bênh, mà làm mô hình VAC, chăn nuôi heo, gà, cá, và trồng các loại cây ăn trái như bưởi, điều, trong vườn cao su. Nhờ nuôi trồng đa dạng mà nguồn thu cũng… đa dạng và ổn định, dù chưa cao. “Làm mô hình này, dù không “trúng đậm” nhưng bù lại ít rủi ro về giá cả, bệnh tật, đầu ra”. Năm 2014, Cường lập gia đình, được ba mẹ chia một ít đất vườn cao su, cậu cất căn nhà nhỏ ra riêng và vẫn tiếp tục làm kinh tế với mô hình kinh tế cũ.

Sau 1 thời gian suy nghĩ cách làm giàu, Cường tìm hiểu nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững, thì thấy nhiều gia đình nuôi heo gia công cho Công ty C.P. Việt Nam theo hình thức ký hợp đồng, thu nhập có thể không cao bằng tự nuôi, nhưng ổn định và an toàn, phù hợp với người ít vốn. Điều thuận lợi là gia đình Cường có quỹ đất tương đối rộng trong vườn cao su, cách xa khu dân cư, đạt tiêu chuẩn của C.P. Sau đó, Cường quyết định tìm đến Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam chi nhánh tại Bình Phước đặt vấn đề liên kết nuôi heo. Theo nội dung hợp đồng, bên C.P có trách nhiệm giao con giống, thuốc, thức ăn và kỹ thuật, quy trình chăm sóc.

Sau khi nắm rõ quy trình liên kết, Cường về vay hơn 600 triệu đồng đầu tư hệ thống chuồng trại trên diện tích đất rẫy biệt lập với khu dân cư. Trang trại chia thành 2 dãy khép kín có diện tích gần 800m2. Quy mô 600 con heo thương phẩm. Trại heo được xây dựng đúng tiêu chuẩn với khu ăn uống, khu nhà kho, nhà sát trùng, bể nước, hầm biogas, hệ thống quạt mát điều chỉnh độ gió theo tháng tuổi của heo… “Công ty rất nghiêm khắc trong khâu kỹ thuật, họ cho người đi kiểm tra chuồng trại, nguồn nước... sau đó mới ký hợp đồng. Ngoài việc họ cung cấp giống, thức ăn và các loại thuốc tiêm phòng cho đàn heo, còn hướng dẫn kỹ thuật rất kỹ. Mình chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, nên đây là cơ hội rất tốt để tiếp cận cách nuôi heo hiện đại. Đặc biệt, không phải lo đầu ra”, Cường nói.

Năm nào Cường cũng được công ty C.P thưởng vì chăn nuôi giỏi, ít hao hụt. Ảnh: Minh Sáng.

Năm nào Cường cũng được công ty C.P thưởng vì chăn nuôi giỏi, ít hao hụt. Ảnh: Minh Sáng.

Hiện nay, trại heo của Cường đã tăng từ 600 con ban đầu lên 1.400 con. “Hồi mới nuôi, mỗi ký heo thương phẩm xuất chuồng bên C.P họ trả từ 2.500 – 3.000 đồng, còn bây giờ tăng mỗi ký mấy trăm đồng rồi, lên từ 3 – 3 ngàn 500 đồng. Mỗi năm xuất chuồng 2 lứa, mỗi lứa thu lời từ 400 đến gần 500 triệu đồng”, Cường cho biết.

Theo ông chủ trại heo trẻ Nguyễn Đức Cường, để theo dõi sát tình hình phát triển của heo, sau khi giao con giống, định lượng thức ăn, thuốc thú y, công ty còn cử kỹ sư chăn nuôi hướng dẫn kỹ thuật cho người nhận nuôi. Khi heo kém phát triển hoặc bị bệnh, nhân viên thú y của công ty sẽ tới tận nơi kiểm tra và điều trị cho heo. Sau 5 tháng heo đạt khoảng 100kg trở lên, công ty sẽ thu sản phẩm. “Mặc dù công ty đã có hướng dẫn kỹ thuật, mình chỉ việc áp dụng, nhưng áp dụng tốt hay không còn tuỳ thuộc mỗi người”, Cường cho biết.

Sau 8 năm nuôi gia công cho C.P, từ 600 con ban đầu, trại heo của Cường đã tăng lên 1.400 con. Ảnh: Minh Sáng.

Sau 8 năm nuôi gia công cho C.P, từ 600 con ban đầu, trại heo của Cường đã tăng lên 1.400 con. Ảnh: Minh Sáng.

Sau 8 năm liên kết chăn nuôi, Cường ngày càng “lên tay” kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật, quy trình chăm sóc nên đàn heo của Cường luôn được công ty đánh giá đạt chất lượng cao. “Theo hợp đồng, nếu tỷ lệ heo chết dưới 2% thì công ty sẽ thưởng 300 đồng/kg heo xuất chuồng. Từ lúc nuôi đến giờ, lứa nào em cũng được thưởng. Việc hợp tác với công ty hai bên cùng có lợi, người nông dân vừa có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, vừa yên tâm sản xuất không phải lo giá thị trường biến động”, Cường nói.

“Nguyễn Đức Cường là thanh niên có trình độ, lại chăm chỉ làm ăn nên ngày càng khá lên, trở thành tấm gương nổi bật của xã. Điều mà nhiều người trẻ nên học hỏi trước khi khởi nghiệp, là cần chọn cách làm an toàn trước, nếu chưa chắc chắn, nguồn vốn hạn hẹp thì nên liên kết như Cường. Dù lợi nhuận không cao bằng tự làm, nhưng đảm bảo an toàn”, ông Lê Duy Hiền, Hội Nông dân xã Thuận Lợi.

 

Xem thêm
Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.