| Hotline: 0983.970.780

Lãnh đạo Trung Quốc làm gì khi nghỉ hưu?

Thứ Ba 12/04/2016 , 06:35 (GMT+7)

Không như các Tổng thống Mỹ, cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có lẽ không bao giờ viết sách kể về thời gian của ông ở Trung Nam Hải. Và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo chắc cũng chẳng bao giờ có chuyện đi diễn thuyết kiếm tiền. Bởi ở Trung Quốc, có luật bất thành văn...

Lãnh đạo cấp cao nhiều nước khác thường tham gia công tác từ thiện hoặc ngoại giao sau khi hết nhiệm kỳ, về hưu. Nhưng ở Trung Quốc, có luật bất thành văn là lãnh đạo cấp cao phải rút về ở ẩn khi không còn nắm quyền lực, tránh xuất hiện nhiều nơi công cộng. Điều này có vẻ trái với những tuyên thệ là “cống hiến cho cách mạng đến hơi thở và giọt máu cuối cùng”.

Đằng sau cánh gà

Theo hãng tin BBC, năm 2002, Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là Giang Trạch Dân đã cố gắng “phân định thang bậc” trong đội ngũ lãnh đạo cao nhất bằng cách điều chỉnh tuổi về hưu: 68 đối với các lãnh đạo tối cao và 65 đối với lãnh đạo cấp cao.

Quy định này đã mang lại thành công ở những cấp độ khác nhau. Ông Giang thành công trong việc trì hoãn ngày “về vườn” của mình. Chủ tịch Giang tiếp tục ngồi ghế Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm 2 năm cho đến 2004, sau khi đã chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Năm 2013, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên được cho phép tiếp tục giữ vị trí cho dù qua tuổi 65. Có người cho rằng các lãnh đạo Trung Quốc muốn ông Chu tiếp tục duy trì những thành công trong cải cách kinh tế nên đã “điều chỉnh” các quy định để ông này tại vị thêm một thời gian nữa.

09-56-34_chu-tieu-xuyen
Dù 68 tuổi, ông Chu Tiểu Xuyên vẫn tiếp tục nắm giữ ghế Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (Ảnh: wikipedia)

Nhưng những ý tưởng này không được cư dân mạng Trung Quốc chào mừng. “Chu không phải là cứu tinh, và ông ta cũng không phải ông thánh”, có người viết trên mạng xã hội Weibo. “Các tài năng mới thế hệ nào cũng có và quy luật tự nhiên là phải thay người cũ bằng người mới”.

Nhiều người dân Trung Quốc muốn các cán bộ “thời cũ” nay nên nhường đường cho lớp trẻ, không nên tiếp tục tham quyền cố vị.

“Điều chúng tôi không muốn là thấy các lãnh đạo đã nghỉ hưu sử dụng sức mạnh chính trị phục vụ mưu đồ riêng của họ sau hậu trường, can thiệp vào việc đổi mới và tiến bộ xã hội”, blogger nổi tiếng Wu Zuolai, học giả đến từ Viện Quốc gia nghệ thuật Trung Quốc, nói.

Những người muốn có ranh giới rõ ràng giữa đương quyền và khi đã "về vườn" tập trung sự bực tức vào cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.

Theo báo chí Trung Quốc, ông Giang đã tuyên thệ không làm gì ngoài vai trò giảng viên đại học sau khi rời chức vụ. Tuy nhiên, có rất nhiều lời đồn đại xung quanh chuyện ông can dự từ sau cánh gà vào chính trường Trung Quốc. Theo BBC, 2012 là năm đặc biệt bận rộn với ông già 86 tuổi khi ngài cựu chủ tịch chạy đôn chạy đáo vận động cho những nhân vật mà ông đỡ đầu trước thềm cuộc chuyển giao quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Và chỉ đến cuối năm 2012, văn phòng của ông Giang trong khu Trung Nam Hải, nơi các lãnh đạo cấp cao nhất sống và làm việc, mới bị đóng cửa sau khi lãnh đạo mới của Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức.

Nhưng cũng có người nói các lãnh đạo đã nghỉ hưu không có lựa chọn nào khác là phải tiếp tục can dự vào chính trường bởi họ muốn đảm bảo “các đồng chí” đương quyền không mang họ ra xử vì những lỗi lầm trong quá khứ.

Tuy nhiên, có rất ít khả năng điều này sẽ xảy ra, theo nhận định của Steve Tsang, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Trung Quốc đương đại thuộc Đại học Tổng hợp Nottingham, Anh. Nếu có thể, các lãnh đạo đương quyền Trung Quốc sẽ tránh đụng độ không cần thiết với các lãnh đạo đã “về vườn”.

Kiểm soát lịch sử

Tất nhiên cũng có những lãnh đạo cao tuổi muốn thực sự cáo lão về quê, vui thú điền viên, nhưng họ buộc phải tham gia chính trường vì có những người vẫn hưởng lợi từ ảnh hưởng của họ.

09-56-34_xjp-jzm-hjt
Chủ tịch Tập Cận Bình, phía sau là hai cựu chủ tịch, ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào (Ảnh: scmp.com)

Ngay cả khi cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào muốn tận hưởng một cuộc sống yên bình sau khi nghỉ hưu, theo lý giải của Steve Tsang, các “đàn em” từng theo ông trong tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, một trong những cái nôi đào tạo lãnh đạo, sẽ thúc đẩy ông can dự vào cuộc chuyển giao quyền lực kế tiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 2017.

“Những người này có nhiều lợi ích trong việc đảm bảo ông Hồ Cẩm Đào không hoàn toàn “về nghỉ” và không chìm vào cuộc sống hưu trí hoàn toàn”, tiến sỹ Tsang nói. “Họ muốn đảm bảo Đoàn thanh niên vẫn là một cánh chính trị mạnh”.

Trong hậu trường, các lãnh đạo đã nghỉ hưu rất bận rộn nhưng có một quy tắc rất rõ ràng ở Trung Quốc: Họ được trông đợi tránh xa các cuốn sách lịch sử của đất nước.

Một số chính trị gia có thể nỗ lực viết hồi ký về thời gian họ nắm quyền, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tìm cách hạn chế, tránh đưa ra công chúng. “Anh không thể xuất bản hồi ký trừ khi được cấp phép xuất bản”, tiến sỹ Tsang nói.

Ông Lý Bằng, Thủ tướng Trung Quốc từ năm 1987 tới 1998, được cho là đã viết về mối liên quan của ông tới sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Tuy nhiên, cuốn sách này bị cấm xuất bản.

Một cựu Thủ tướng khác là Triệu Tử Dương buộc phải bí mật đưa hồi ký qua xuất bản tại Hong Kong. “Lịch sử quan trọng đến mức không thể để các cựu chủ tịch hay cựu thủ tướng muốn viết sao thì viết”, ông Tsang luận giải. “Lịch sử cũng là thứ mà chính quyền muốn kiểm soát cẩn trọng”.

5 trong số 7 thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ về nghỉ vào năm 2017. “Chắc lúc đó, ông thống đốc chăm chỉ Chu Tiểu Xuyên, sinh năm 1948, đã sẵn sàng chào đón họ”, tờ BBC bình luận.

Xem thêm
Phát hiện cơ sở chuyên xử lý lợn ốm chết ở Vĩnh Phúc

Chủ cơ sở ở Vĩnh Phúc cho biết, lợn thu mua của dân đó đều là các con bị ốm do xuất huyết hoặc yếu do nắng nóng hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.