| Hotline: 0983.970.780

Hành trình từ xứ sở thần tiên trở về Việt Nam thời chiến

Lên tàu hồi hương

Thứ Tư 09/03/2022 , 07:59 (GMT+7)

Khi ông Vũ Hoàng sang vận động kiều bào về nước, Bộ Ngoại giao đã làm việc với các nước xã hội chủ nghĩa để xin những chuyến tàu chở Việt kiều hồi hương.

Cái xe đạp Peugeot vứt ở hàng rào

Tất cả người Việt tôi biết ở Tân đảo đều không ai phải lo lắng về chuyện cơm, áo gạo tiền. Nhà nào cũng có vườn hoa, cũng hay đi du lịch, nhảy đầm. Ở Tân đảo chỉ có một nỗi sợ hãi duy nhất là động đất, mỗi đêm nằm có thể thấy 2-3 lần cửa rung rung vì những trận động đất nhẹ.

Mình ba tôi đi làm nhưng nuôi được cả nhà mà vẫn có tiền để dành. Hàng ngày ngoài đưa tiền cho má tôi chi tiêu, ông còn cất tiền vào một hộp bánh quy của Pháp để trên gác xép. Tiền dành dụm rất nhiều, lúc quyết định trở về Việt Nam mới mua sắm. Ông mua một lúc 10 cái xe đạp Ca giơ nát của Pháp, mua thêm 1 cái máy khâu. Ban ngày đi làm, tối về ba tôi tháo các đồ đạc ra, đóng thùng chuẩn bị về Việt Nam.

Ba chị Trần Thị Dung đứng hàng đầu, thứ ba từ trái sang trong đội bóng đá trung niên ở Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Ba chị Trần Thị Dung đứng hàng đầu, thứ ba từ trái sang trong đội bóng đá trung niên ở Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Cái xe đạp Peugeot không biết má tôi mua bao nhiêu, mới dùng được đôi ba năm mà lúc chuẩn bị về Việt Nam ba tôi còn định vứt đi. Tôi thấy má nhấc cái xe đạp từ hàng rào về do ba tôi vứt đi chỉ vì mỗi một việc là ông không vặn được cái ốc nối giữa cái chắn bùn sau và cái khung. Má tiếc của ở nhà kỳ cạch ngồi mở được con ốc đó ra và đóng về Việt Nam.  

Nhà tôi về chuyến thứ 9 và chuyến cuối cùng là thứ 11. Tàu rất lớn chở được hàng ngàn người nên tàu đỗ ngoài xa, mọi người đi bằng cầu tàu ra cano chở ra, leo lên bằng thang dây với hành lý xách tay. Má tôi lúc về bụng chửa 8 tháng sau đó sinh ra cậu em là thứ chín trong nhà, còn em út sinh năm 1963 khi đó mới 10 tháng tuổi, rất mũm mĩm. Tôi bế em đi chơi, các thủy thủ người Ba Lan rất thích bế đưa lên boong, cho bánh kẹo. Trẻ con sinh hoạt thiếu niên hay hát những bài “Thiếu nhi thế giới liên hoan”, “Reo vang bình minh”.

Trang phục của Việt kiều Tân đảo hồi đó. Ảnh: Tư liệu. 

Trang phục của Việt kiều Tân đảo hồi đó. Ảnh: Tư liệu. 

Chúng tôi đi tàu khi đó không biết say, có lẽ là do tiền đình của trẻ con ít ảnh hưởng bởi sóng nhưng người lớn thì say lử lả. Má tôi bụng mang dạ chửa cứ nằm cạnh cái xô, ăn xong lại nôn. Điều kiện sinh hoạt của tàu hồi hương rất tốt, mỗi người một giường nằm, mỗi gia đình có một cabin riêng, các bữa ăn cũng ngon…

Đó là trong trí óc của một cô bé con Trần Thị Dung, còn theo lời kể của Jean Van Son-tức Văn một Việt kiều Vanuatu thì chi tiết hơn: “Bà con Việt kiều từ Tân Thế giới – Tân đảo hồi hương về Việt Nam mang theo bao nhiêu ước mơ và hy vọng trên con tàu Eastern Queen (Hoàng hậu Phương Đông), tất phải đi qua Thái Bình Dương mênh mông trùng điệp. Phải vượt qua một chặng đường dài gần 6.000 hải lý, xấp xỉ trên vạn cây số.

Nghe tên gọi “Thái Bình Dương”, người ta cứ nghĩ nó là một loại biển êm đềm hiền hoà, im sóng lặng gió. Nhưng trên thực tế, một khi đã là hành khách trên tàu, kể cả loại tàu biển cỡ lớn như Eastern Queen, thì lại là một chuyện khác. Lúc đầu người nào cũng thích thú khi mới được nghe cái tên tàu. Nghe tên hoàng hậu đã thấy "oai" lắm rồi, ai chả sướng? Người giầu trí tưởng tượng thì bảo: không biết thế nào chứ, chỉ có loại tàu du lịch loại sang nhất ở Anh thì mới đặt tên là queen tức hoàng hậu.

Tàu Hoàng hậu Phương Đông đã chở Việt kiều Tân đảo hồi hương. Ảnh: Tư liệu.

Tàu Hoàng hậu Phương Đông đã chở Việt kiều Tân đảo hồi hương. Ảnh: Tư liệu.

Còn ở đây, câu chuyện chẳng có gì đáng nói, nếu hàng ngày không phải nhìn thấy những người bị say sóng, nôn oẹ mật xanh mật vàng, nằm liệt trên giường, bỏ luôn ăn uống. Trông thật tội nghiệp! Rồi những thức ăn thừa nhà tàu quăng xuống biển mỗi bữa cả mấy trăm suất. Nhìn thấy tiếc.

Không biết trong ba chuyến tàu bà con Việt kiều Tân Thế giới hồi hương năm 1960 trên con tầu Hoàng hậu Phương đông này, có ai bị say sóng không nhỉ?...Rồi tiếp đó, sau hơn hai năm bị gián đoạn, ngày 28/07/1963 chính con tàu này lại tiếp tục thực hiên chuyến thứ tư và là chuyến đầu tiên của Việt kiều Tân đảo hồi hương về cảng Hải Phòng. Chỉ khác là con tàu đã được sơn lại mầu đen xỉn. Trước kia nó có mầu trắng đục, rất đẹp. Dĩ nhiên, dù trắng hay đen cũng vẫn là Hoàng hậu Phương Đông. Văn là một trong những hành khách trên chuyến tàu này.

Trước khi được Ba Lan giúp đỡ, khi việc hồi hương bị gián đoạn, người Việt ở Tân đảo còn biểu tình trước công sứ Pháp đòi về Việt Nam.

Mũi ma quỷ và những cơn sóng lừng

Tàu rời khỏi Vịnh Vila được một lát đã tới eo biển có tên là mũi đất "Ma quỷ". Con tàu bắt đầu bị lắc lư, chao đảo từ đây. Khu vực này quanh năm có sóng dữ, cho nên người ta mới đặt tên như vậy. Say sóng là điều không thể tránh khỏi. Vì Eastern Queen không phải là tàu du lịch, mà khách trên tàu lại càng không phải là khách du lịch. Bản thân nó là loại tàu vận tải hàng hoá được thuê để chuyên chở Việt kiều Tân đảo – Tân Thế giới hồi hương.

Nó đã được hoán cải, lắp đặt những tiện nghi sinh hoạt tối thiểu nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng không phải mua vé. Chí ít thì cũng có cái giường tầng cá nhân đã đệm trắng muốt. Nhưng nằm tầng trên thì cũng khá vất vả vì phải leo trèo, đặc biệt đối với những bà con bị say sóng…

Những chuyến tàu chở Việt kiều Tân đảo hồi hương. Ảnh: Tư liệu.

Những chuyến tàu chở Việt kiều Tân đảo hồi hương. Ảnh: Tư liệu.

Văn là một thanh niên ưa thích môn săn bắn và câu cá ngoài biển khơi, vốn dĩ đã quen với các loại sóng lớn ven bờ như ở Ba-ngò, Ren-ta-bao hoặc Bô-li-giáp. Thế mà lúc ở trên tàu giữa đại dương mênh mông, đôi lúc cũng có cảm giác lao đao khó chịu. Đặc biệt nhất là khi bụng còn đang đói mà lại phải ngửi cái mùi vị nồng nặc, vừa chua vừa tanh ở trong phòng hành khách tuôn ra, thì chỉ có nước  chạy mau ra ngoài lan-can tàu để hóng gió thì may mới thoát được tai hoạ.

Sóng đại dương kể ra cũng kinh khủng thực, nhất là không may mà gặp cơn bão áp thấp nhiệt đới thì thôi rồi. Mà ở cái vùng biển gần xích đạo đâu có thiếu. Con tàu to như thế mà nhiều lúc cũng phải chúi mũi chui vào các đợt sóng lớn, cao hàng hơn chục mét. Làm cho con tàu chao lên, đảo xuống cứ như ngựa phải vía.

Có một điều hơi lạ, khi tàu gặp loại sóng lớn thế này tuy bị chao đảo nhưng còn dễ chịu hơn khi mà nó gặp phải những cơn “sóng lừng”. Không có gió to, không có sóng lớn, nhưng con tàu cứ ngả nghiêng như đu võng. Nằm trong ca-bin nhìn ra cửa sổ mỗi khi tàu nghiêng ngả mới biết con tàu mặc dù to lớn như vậy cũng chỉ như một chiếc lá trôi trên sóng nước mà thôi…

Những chuyến tàu chở Việt kiều Tân đảo hồi hương. Ảnh: Tư liệu.

Những chuyến tàu chở Việt kiều Tân đảo hồi hương. Ảnh: Tư liệu.

Chính những cơn sóng lừng ấy đã làm cho hầu hết hành khách bị say sóng. Văn cũng nằm trong số đó. Một số thuỷ thủ của tàu cũng cảm thấy khó chịu. Đấy là chưa kể hết về cái khổ khác mà hành khách trên tàu phải chịu đựng. Đó là tiếng ồn và độ rung của các cỗ máy khổng lồ trên tàu chạy hết công suất.

Vì không phải là tàu du lịch, cho nên các vách tường ngăn bằng kim loại không có cách âm. Nó càng tăng tiếng ồn, làm cho hầu hết bà con hành khách lúc nào cũng có cảm giác mỏi mệt vì ngủ không được đẫy giấc. Cộng với say sóng nên ăn không được, ngủ cũng không yên.

Suốt mấy ngày gặp sóng lừng, rất nhiều người bỏ ăn uống, nằm liệt giường. Đồ ăn thì quá là phong phú, thực đơn cũng luôn thay đổi. Một ngày ăn tới 5 bữa, mỗi bữa hàng chục món và món nào cũng ngon. Nhưng chẳng thấy bàn nào ăn hết suất. Ngày nào cũng 3 bữa ăn chính và 2 bữa ăn điểm tâm, lót dạ.

Đường kính trắng thì thả phanh. Vừa thơm vừa ngọt lịm, cứ mỗi dẫy bàn một cái xô đầy ắp, cả chục kí không ít. Nhiều người tranh thủ mang túi ni-lông đựng đường cát trắng bỏ vào va-li để mang về Việt. Nhà Văn cũng chỉ lấy được một ít, vì không có túi ni-lông để đựng. Cũng vừa may, vì ở Việt Nam đường trắng lúc bấy giờ hơi bị hiếm.

Trung chuyển người từ tàu lớn xuống tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Tư liệu.

Trung chuyển người từ tàu lớn xuống tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Tư liệu.

Đặc biệt, một số anh chị em thanh niên không bị say sóng đã xung phong giúp nhân viên nhà tàu để rửa bát đĩa, dọn dẹp, làm vệ sinh boong tầu. Nhà tàu rất khâm phục tinh thần phục vụ của bà con Việt kiều trên tầu, nhất là anh chị em thanh niên. Khi nói chuyện, họ bảo: “Các ông bà thật dũng cảm và có tinh thần yêu nước cao độ”.

Tàu chạy được mấy ngày thì một sự kiện đáng ghi nhớ trên chuyến đi lịch sử này đã xẩy ra. Số là một hôm đang sóng to gió lớn, loa phát thanh trên tàu đột nhiên thông báo: Ngày mai tầu Eastern Queen sẽ đi vào vùng biển xích đạo. Văn cũng có tên trong danh sách những đại biểu được mời dự lễ “vượt xích đạo” theo phong tục truyền thống của các nhà hàng hải.

Quả thật, lúc nửa đêm còn đang chao đảo trên sóng dữ, mà sáng hôm sau tự nhiên con tàu lặng lẽ  rẽ nước  như đang đi trong vịnh Vila vậy. Nhà tàu thông báo mời các đại diện hành khách tập trung lên trên phòng khách để dự lễ. Thuyền trưởng người Anh nói tóm tắt về ý nghĩa của mỗi lần con tàu vượt qua đường xích đạo. Rồi mời mỗi người uống một ngụm nước mặn múc từ dưới biển lên. Sau đó uống sâm-banh và rượu mạnh, chụp ảnh lưu niệm...

Anh chị em thanh thiếu niên thì rất vô tư, vui như "Tết". Họ tranh thủ lúc yên sóng lặng gió để tổ chức nhẩy đầm. Ban nhạc trẻ phô diễn tài nghệ bằng đủ các điệu tango, valse, nhẩy sạp, nhẩy rock, twist, cả điệu pi-lu pi-lu và cả ta-mu-rê nữa ngay trên sàn tàu. Các bạn thuỷ thủ Hồng Kông cũng tham gia nhẩy cùng với hành khách trên tàu. Vui lắm! 

Trang phục của dân Tân đảo hồi ấy. Ảnh: Tư liệu.

Trang phục của dân Tân đảo hồi ấy. Ảnh: Tư liệu.

Hôm sau, con tàu lại tiếp tục chao đảo trên sóng dữ cho đến tận ngày cập vịnh Hạ Long. Sau 13 ngày đêm lênh đênh trên biển cả, sáng sớm ngày 09/08/1963 tàu đã vào hải phận Việt Nam. Khi con tàu bắt đầu vào tới phao số không thì neo đậu lại.

Thuyền trưởng ra lệnh kéo cờ đỏ sao vàng trên cột cờ cao nhất. Thấy vậy các cụ già bảo: “Đấy các con, các cháu thấy hãnh diện chưa? Người nước ngoài họ tôn trọng nước mình như thế đấy!”. Các cụ lúc đó không hiểu rằng luật quốc tế quy định, khi tàu vào hải phận nước nào thì phải kéo cờ nước ấy…

Khi được biết là đã tới nơi rồi thì hầu hết mọi người đều hết sức vui mừng. Trước hết là mừng vì đã về tới đất nước Việt Nam an toàn. Nhưng cái mừng khác không kém phần quan trọng là chuyện không còn bị các cơn say sóng hành hạ nữa. Mọi người tranh nhau lên boong tàu, vịn lan can nhìn tứ phía…

Một điều hết sức lạ lùng là từ xa, giữa rừng người đông đúc như thế mà nhiều người cũng đã nhận ngay ra gia đình, người thân của mình ra đón sau mấy chục năm xa cách. Các cụ già thì rưng rưng nước mắt, miệng thều thào: “Trời ơi, sung sướng quá! Không ngờ lại có ngày được trở lại quê nhà!”…  

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).