Theo đó, các tổ chức, cá nhân có sử dụng các công trình nổi trên vịnh không được sử dụng phao xốp làm bệ nổi cho công trình, chỉ được sử dụng phao nhựa, phao composite hoặc vật liệu bền vững khác không gây ô nhiễm.
Đối với công trình nổi đóng, lắp dựng, xây mới cần phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, phê duyệt trước khi thi công. Trong quá trình thi công, phải tuân thủ thiết kế và sử dụng đúng các vật liệu, đảm bảo cảnh quan, môi trường.
Đặc biệt, với các công trình nổi hiện đang sử dụng phao xốp làm bệ nổi, UBND TP Hạ Long đề nghị thay thế phao xốp bằng phao nhựa, phao composite hoặc vật liệu bền vững khác. Thời gian thay thế trước ngày 30/9/2016.
Được biết vừa qua chỉ sau một buổi chiều “làm sạch biển” tại một số đảo, hơn 100 tình nguyện viên của cá tổ chức quốc tế đã thu gom được hàng chục bao tải rác thải các loại với trọng lượng hơn 700kg, trong đó 2/3 lượng rác là phao xốp.
Lý giải, đại diện Ban quản lý Vịnh Hạ Long, cho rằng rác thải trên vịnh xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể xuất phát từ các làng chài, lồng bè, nhà nổi ở trên biển trước đây, trong quá trình phá dỡ, một số rác đã bị sóng biển đánh dạt vào.
Ngoài ra, Vịnh Hạ Long còn giáp với khu vực biển Cát Bà - vùng đang có rất nhiều nhà hàng nổi, lồng bè, họ sử dụng rất nhiều phao nổi (phao xốp) nên khi thủy triều lên xuống, rác đã dạt sang…khiến lượng rác lớn, đặc biệt là phao xốp nhiều như thế.
Cùng một hệ sinh thái ven biển và có sự tương tác chặt chẽ với nhau, nên mọi hoạt động phát triển (nhà nổi, nuôi cá lồng bè…) từ phía Cát Bà sẽ gây tác động trực tiếp đến vịnh Hạ Long và ngược lại. Vì thế, sự phối hợp cả hai địa phương để bảo tồn các hệ sinh thái ven biển là cần thiết.