| Hotline: 0983.970.780

Loạn khai thác tận thu cát ở Quảng Ninh: Ai chống lưng cho DN làm càn? - [Bài 2] Điệp khúc 'gia hạn' để tận thu

Thứ Sáu 20/12/2019 , 23:24 (GMT+7)

Với việc Cty Quan Minh và Cty Tân Lập liên tục được gia hạn dự án, dư luận đặt câu hỏi về việc các DN này được “bảo kê”?

3 dự án đều chậm, xin gia hạn

Cuối năm 2017, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh có văn bản báo cáo UBND tỉnh về tiến độ các dự án mà Cty Quan Minh và Cty Tân Lập thực hiện về việc nạo vét các luồng trên địa bàn huyện Vân Đồn.

Về dự án nạo vét luồng ra vào bến tàu Cồn Trụi, xã Minh Châu của Cty Tân Lập, dự án này được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận thiết kế cơ sở đầu năm 2010. Thời hạn hoạt động là 5 năm và được UBND tỉnh gia hạn thời gian hoạt động đến hết năm 2018.

Tàu hút cát quần thảo ven biển khu vực Quan Lạn.

Từ năm 2011 đến năm 2014, Cty Tân Lập tập trung thi công nạo vét vùng nước trước bến và một số đoạn tuyến trọng yếu để “đảm bảo tối thiểu” cho các phương tiện lưu thông an toàn, khắc phục tạm thời việc tàu thuyền ra vào bến Cồn Trụi phải phụ thuộc vào con nước thủy triều.

Từ năm 2015 đến đầu năm 2016, DN thi công một số đoạn tuyến để cung cấp cát trắng (không kinh doanh) phục vụ tôn tạo bãi tắm Bãi Cháy (TP Hạ Long) theo yêu cầu của tỉnh.

Tháng 7/2016, dự án tạm đình chỉ để kiểm tra, rà soát.

Một điều đáng lưu ý là, cho dù thời gian thực hiện trong vòng 5 năm, có gia hạn thêm vài năm nữa, song khối lượng thực hiện nạo vét của Cty Tân Lập chỉ vẻn vẹn khoảng 1,1 triệu m3 trong tổng trữ lượng hơn 8 triệu m3, đạt 14% khối lượng theo hồ sơ thiết kế.

Về dự án nạo vét luồng tàu thuộc huyện Vân Đồn, đoạn từ Chương Cây Khế đến giáp huyện Tiên Yên của Cty Quan Minh, được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án năm 2009, thời gian hoạt động là 5 năm và được UBND tỉnh gia hạn đến hết năm 2018.

Từ năm 2011 đến tháng 6/2016, Cty Quan Minh thi công nạo vét khơi thông luồng lạch tại một số tuyến đoạn chính để đảm bảo điều kiện cơ bản cho phương tiện thủy lưu thông an toàn. Tháng 6/2016 dự án bị tạm đình chỉ thi công để kiểm tra, rà soát theo yêu cầu của UBND huyện Vân Đồn.

Theo báo cáo, khối lượng đã thực hiện nạo vét là 560 nghìn m3, trong tổng khối lượng 4,1 triệu m3, đạt chưa đến 15% khối lượng theo hồ sơ thiết kế.

Về dự án nạo vét khu nước trước bến cập tàu Đồng Hồ, xã Quan Lạn của Cty Quan Minh, dự án này cũng được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt năm 2009, thời hạn 5 năm và được UBND tỉnh gia hạn đến hết năm 2018.

Từ năm 2011 đến năm 2014, Cty này thi công nạo vét một số đoạn trọng yếu để “đảm bảo tối thiểu” cho phương tiện thủy hoạt động an toàn. Từ năm 2015 đến đầu năm 2016, thi công một số đoạn tuyến để cung cấp cát trắng (không kinh doanh) phục vụ tôn tạo bãi tắm Bãi Cháy theo yêu cầu của UBND tỉnh. Dự án này cũng bị tạm dừng để kiểm tra trong tháng 7/2016 đến nay.

Về khối lượng nạo vét, Cty Quan Minh mới chỉ thực hiện được hơn 2,6 triệu m3 trong tổng số 5,8 triệu m3, đạt 46% khối lượng theo hồ sơ thiết kế. Đấy là chưa tính đến khối lượng bồi lắng vì một số đoạn tuyến đã nạo vét nhưng lại bị bồi lắng.

Như vậy, rõ ràng việc thực hiện dự án được UBND tỉnh của các DN trên là quá chậm. Câu hỏi đặt ra là, có hay không việc nạo vét các luồng lạch trên nhưng không có cát, DN không tận thu được nên phải chuyển hướng khai thác khu vực lân cận?

Và một điều nghịch lý là, năng lực thực hiện dự án quá kém, mà 2 DN này lại tiếp tục được tỉnh Quảng Ninh gia hạn thực hiện dự án.

Dừng thi công nhưng vẫn hút cát

Trong năm 2017, trong chuyến kiểm tra thực địa các dự án của 2 DN trên, đoàn kiểm tra gồm Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế, UBND huyện Vân Đồn và một số đơn vị tư vấn, giám sát nhận định, các DN đã dừng thi công các dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh (dừng thi công từ tháng 6/2016 đến nay).

Về dự án nạo vét luồng ra vào bến cặp tàu Cồn Trụi, xã Minh Châu, kết quả kiểm tra cao độ thực tế cho thấy, về cơ bản các tuyến luồng còn khan cạn, chưa đạt cao độ thiết kế, ảnh hưởng đến việc lưu thông an toàn của các phương tiện thủy hoạt động trong khu vực. Tại thời điểm mực nước thủy triều nhỏ hơn +1,5, các phương tiện không lưu thông được do không đảm bảo độ sâu chạy tàu.

Những chiếc tàu này hoạt động cả ban ngày.

Dự án nạo vét luồng tàu thuộc huyện Vân Đồn đoạn từ Chương Cây Khế đến giáp huyện Tiên Yên và dự án nạo vét khu nước trước bến và luồng vào bến cập tàu Đông Hồ, xã Quan Lạn cũng trong tình trạng tương tự, tàu thuyền không thể lưu thông được vì độ sâu thấp.

Căn cứ trên cơ sở không hiệu quả của các dự án, Sở Giao thông đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh không thực hiện một số đoạn tuyến trong các dự án trên. Tuy vậy, cơ quan này cũng không quên “cài” trong văn bản một nội dung: “Chủ trương thực hiện các dự án nạo vét luồng để tận thu cát sỏi trên địa bàn huyện Vân Đồn xuất phát từ sự cần thiết nạo vét vùng nước trước bến và các tuyến luồng phục vụ cho việc kết nối, hoàn thiện hệ thống giao thông đường thủy, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách từ đất liền ra các xã đảo và ngược lại. Ngoài ra, tận thu tài nguyên để phục vụ san lấp mặt bằng các công trình xây dựng và chế biến sản phẩm cát…”.

Như vậy đã rõ, cho dù không hiệu quả, nhưng “vì nhu cầu cấp thiết” nên các cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Ninh vẫn một mực bảo vệ và hỗ trợ DN để tận thu cát từ các dự án nạo vét luồng lạch này, bằng cách đề xuất gia hạn dự án cũng như nhiều ưu ái khác mà báo NNVN sẽ phản ánh trong bài tiếp theo.

Quay trở lại câu chuyện UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định tạm đình chỉ thi công, tận thu cát từ tháng 6/2016 (có một vài lần gia hạn nhưng đến hết năm 2018) đối với Cty Quan Minh và Cty Tân Lập, mới đây, tìm hiểu của PV NNVN, được biết, các DN này vẫn tiếp tục khai thác cát một cách rầm rộ, nhất là khu vực trước bến và luồng vào bến cập tàu Đông Hồ, xã Quan Lạn. Tàu hút cát vẫn hoạt động liên tục, gây nhức nhối trong dư luận nhân dân.

Cách đây không lâu, những tàu hút cát này hoạt động chủ yếu vào ban đêm và sáng sớm. Nhưng nay, bất chấp dư luận, họ hút cát cả ban ngày.

NNVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.