| Hotline: 0983.970.780

Hành trình từ xứ sở thần tiên trở về Việt Nam thời chiến

Lời khuyên và con dao phay đặt trên bàn

Thứ Năm 10/03/2022 , 09:50 (GMT+7)

Con dao phay đặt trên bàn cùng với lời khuyên đanh thép mà vợ người bạn đưa ra khiến bố cô bé Trần Thị Dung phải thay đổi quyết định trước đó...

Bán dần tài sản

Trở lại với hồi ức từ Tân đảo về Việt Nam của cô bé Trần Thị Dung khi đó: “Đi 15 ngày thì về đến cảng Hải Phòng. Cái radio bị tịch thu vì người ta sợ nghe đài địch sau đó họ trả cho nhà tôi 1 bộ sách "Đông chu liệt quốc" coi như đền bù. Tôi lúc đó học lớp 2 mà đọc 2,5 lần bộ sách, nhờ nó mà học được nhiều điều để sau này có hành trang đi vào chốn quan trường.

Khi về Trạm đón tiếp 50, hiện vẫn còn, đó là khu nhà Pháp cổ dọc đường ra cảng ở TP Hải Phòng, họ tiếp đón đầy đủ, rất tốt. Mỗi gia đình được phân ở trong 1 gian nhà, chúng tôi ở đó chừng 1 tháng. Thời gian đó để họ làm thủ tục giấy tờ rồi vận động mọi người đi đâu, chủ yếu là đi tỉnh Tuyên Quang.

'Tiến sĩ nước mắm' Trần Thị Dung kể lại những hồi ức về Tân đảo. Ảnh: Dương Đình Tường. 

"Tiến sĩ nước mắm" Trần Thị Dung kể lại những hồi ức về Tân đảo. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Họ nói với bố mẹ tôi rằng: “Nhà bác đông người lên Tuyên Quang nhiều đất lắm tha hồ mà trồng cấy, không lo đói”. Nhưng cho đến hiện nay chứng minh rằng những ai đi Tuyên Quang đều khổ do bị đưa vào vùng núi, sâu. Cách đây mấy năm, chúng tôi lên đó họp hội Việt kiều có gia đình còn chưa có nhà vệ sinh nên nhiều người đã chia sẻ ít nhiều cho một số bà con ở đó.

Hơn thế, dân hồi hương lên đó còn bị nghiện. Thế nhưng trong số đó, những gia đình con cái có ý chí lại đi khắp nơi làm ăn, trở lên khá. Thực sự ba tôi khi đó đã đồng ý đi Tuyên Quang, nhưng vợ ông Dẻo - người bạn thân, về trước có đến thăm. Nghe ba tôi nói sắp đi Tuyên Quang bà mới cầm con dao phay để trên bàn và bảo: “Nếu bác muốn đưa vợ và con lên Tuyên Quang thì bác hãy giết hết lũ trẻ này đi, đừng đưa lên đó để đày ải chúng”. Vì câu nói đó mà ba tôi thay đổi quyết định và cả nhà cứ ơn bà mãi.

Các chú, cô ở quê (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) lên bảo: “Hai bác cứ về quê, việc đồng áng khó khăn đã có chúng em giúp” nhưng má tôi không chịu. Lý do thứ nhất là má tôi sinh ra ở Tân đảo không làm nông bao giờ, từ bé chỉ cơm nước nội trợ. Lý do thứ hai là ông bà ngoại, các bác, các cậu đã về được 1 năm và đều ở thị xã Hải Dương.

Một góc Tân đảo xưa. Ảnh: Tư liệu.

Một góc Tân đảo xưa. Ảnh: Tư liệu.

Cái xe Peugeot cũ của má mà ba tôi vứt bên bờ rào ở Tân đảo về bán được 1.000 đồng còn những cái xe đạp mới của bố mỗi cái bán chỉ chưa đầy 1.000 đồng vì dân Việt chuộng Peugeot hơn. Ba tôi mua mảnh đất ở ngay ngã ba phố chợ thị xã Hải Dương, rộng 116m2, máy nước ở ngay cửa bởi nghĩ nhà đông người không thể đi gánh nước xa được, rồi làm một nhà ba gian cộng thêm nhà ngang, bếp tất tật hết 4.500 đồng. Ngoài xe đạp có giá, bán cái máy khâu hay đồng hồ cũng được khoảng 1.000 đồng.

Ba tôi khi về nếu làm công nhân lương tháng chỉ 40 - 50 đồng mà nhà tôi đông người như thế thì không sống nổi. Gia đình bác rể tôi khi về cũng đông người như vậy nên rủ bố tôi đi đánh xe bò. Thực sự đó là một sai lầm bởi không đúng với khả năng của mình. Gia đình bác tuy đông người nhưng lại toàn con trai lớn còn nhà tôi khi ấy có 7 con gái đầu, 2 em trai út lít nhít, biết bao giờ có thể kham nổi những việc nặng nhọc ấy?

Ban đầu ba tôi đi chung với bác để lấy kinh nghiệm. Làm công nhân chỉ 40 - 50 đồng/tháng nhưng đánh xe bò lại thu được 250 đồng/tháng nên đi chung được vài tháng thì bác tôi đã nhượng lại cả xe và bò cho ba tôi. Đó là một con bò tốt nhưng số không may, được vài tháng một hôm ba tôi đi làm buổi sớm, ghé vào quán mua thuốc hút, để con bò và cái xe ở vệ đường.

Không ngờ, giờ đó còn sớm, có một cái ô tô đi ngược chiều vẫn bật đèn. Ánh đèn pha chói vào con bò khiến nó hoảng lên, bỏ chạy đâm luôn vào ô tô. Ô tô bị hỏng két nước còn con bò thì bị thương khiến ba tôi bị 2 lần tổn thất. Thứ nhất là phải đền cái ô tô, thứ hai là con bò bị thương phải chạy chữa mấy tháng. Ba tháng nhà tôi không có việc làm mà phải bỏ tiền ra chăm sóc, mời thú y đến tiêm nhưng cuối cùng nó cũng không sống được. Đến lúc mổ con bò ra mới biết nó bị gãy ngầm xương sườn.

Chỗ vừa là nơi học của trẻ con vừa là nơi hội họp của người lớn ở Tân đảo năm xưa. Ảnh: Tư liệu.

Chỗ vừa là nơi học của trẻ con vừa là nơi hội họp của người lớn ở Tân đảo năm xưa. Ảnh: Tư liệu.

Lúc bị thương mà được mổ ngay thì nó còn béo nhưng nuôi ba tháng sau, toàn tiêm kháng sinh thì chỉ có bộ xương chứ còn gì đâu nhưng hồi ấy phải có phép của thú y mới được mổ thịt. Không may sau đó, ba tôi mua con bò khác về, to, béo nhưng lại chuyên phá bĩnh. Một chuyến ba tôi đi chở thóc, từ dốc dưới sông đi lên nó phá, cả xe thóc bị tuột xuống sông lại phải đền. Với những thiệt hại đó toàn bộ tài sản còn lại của nhà đều phải bán đi, từ xe đạp đến máy khâu.

Ở Tân đảo không có mùa đông lại vải vóc rất sẵn. Trước lúc hồi hương mẹ tôi mua mấy súc vải lanh xanh đậm về may cho mọi người trong đó có tôi mặc đến tận lớp 5. Về Việt Nam nghèo, lại đang chiến tranh, chỉ bán vật dụng đi mà ăn nên mẹ tôi không có tiền nhuộm. Cứ hôm nào tôi mặc quần xanh đi học là bị trẻ con trêu, ném đá: “Ê con gái mặc quần con trai”. Con gái thời đó thường mặc quần đen. Mẹ tôi khéo tay may nhiều cái váy rất đẹp cho chị em tôi, khi mặc, có những đứa trẻ còn hất cả váy lên để xem bên dưới có mặc cái gì khác nữa không.

Trẻ con thời đó hay trêu chúng tôi: “Học sinh mới về mặc áo sơ mi ca rô với lại cái quần ống tuýp trông như ma cô”. Rồi thì: “Tân đảo vác xảo đi ăn xin” là nói về cuộc sống của dân Tân đảo khi đi sơ tán. Một đặc điểm chung của dân Tân đảo là rất thật thà nên bị lừa nhiều. Có lần mẹ tôi đi lĩnh lương cho ba, lúc đó cái xe bò đã vào hợp tác xã, không lĩnh được nhưng về sau người ta bảo lĩnh rồi mà không biết cãi lại.

Đói thì thực sự gia đình tôi không đến nỗi vì có sổ gạo nhưng khổ vì phải đi sơ tán. Tuổi thơ của chúng tôi còn khổ hơn trẻ con ở nông thôn bởi đến mùa thì chúng cấy, làm cỏ xong rồi thì chơi còn chúng tôi quanh năm ngày tháng đi kiếm ăn.

Có những ngày mưa dầm gió bấc trẻ con ở bên bếp lửa nhưng chúng tôi phải đi đánh dậm. Nước ngập đến ngực về nhà được chừng 1 cái bát ăn cơm vừa tép, vừa tôm. Khi nào chị em tôi bắt được nhiều cua, cáy thì mẹ tôi lại tự làm mắm. Nghề mắm đã thấm vào tôi từ đó.

Sinh hoạt thiếu niên của Việt kiều khi còn ở Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Sinh hoạt thiếu niên của Việt kiều khi còn ở Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Mất ba và ra nước ngoài học

Về nước khổ thế nên chúng tôi cứ than vãn sao ngày đó sao không ở lại Tân đảo nhưng không dám nói trực tiếp với ba má. Còn ba má tôi không phải là những người hay kêu ca. Ba tôi mất năm 1973 vì bệnh ung thư, má tôi lúc đó chưa đến 40 tuổi, tôi mới đỗ vào đại học.

Thế mà má phải nuôi từ tôi trở xuống là 8 đứa con, lại chưa bao giờ phải ra ngoài để đi kiếm ăn, trước đó chỉ đi làm thêm kiểu may vá. Đưa đám, tôi khóc vì mất ba một phần, còn bởi sợ vì khi nhìn lại 8 chị em với người mẹ trẻ không nghề nghiệp, không biết sống bằng cái gì.

Tôi lúc đó đã xác định thế thì không cơ hội gì nữa nên thi xong đi làm ngay cho một tổ hợp tác cơ khí. May là có bác rể đến chơi, thấy vậy mới nói với mẹ tôi rằng: “Dì nghĩ xem nó năm nay đã 18 tuổi, giờ cho nó nghỉ học thì sang năm nó sẽ lấy chồng… Trong khi đó nó là đứa đầu tiên đỗ đại học trong dòng họ, dì nên cho nó đi, đã có Nhà nước nuôi, khó khăn gì thì khắc phục”.

Đội bóng nữ của người Việt ở Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Đội bóng nữ của người Việt ở Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Rồi ông chỉ vào đứa em gái sát tôi, còn to cao hơn cả tôi. Năm đó tôi đỗ Đại học Thủy sản. Bạn bè ngày đó trách sao tôi học giỏi như thế lại đi thi thủy sản nhưng số phận có cho tôi lựa chọn đâu. Khi tôi làm hồ sơ ghi Đại học Y và Sư phạm, thi vào còn thừa mấy điểm. Có lẽ do là dân Tân đảo họ không xếp cho tôi theo nguyện vọng 1 và 2. Ngày đi thi tôi mới biết là vào thủy sản bởi mấy bạn cùng thi nói cho biết, nhưng đành tặc lưỡi.

Trời thương, lúc ba tôi mất, má tôi đeo khăn trắng đến nhà bà ngoại tôi chơi. Có bác hàng xóm thấy một cô đeo khăn trắng cứ đi ra, đi vào mà vẫn còn quá trẻ mới hỏi bà ngoại tôi rằng: “Cụ ơi, cô kia thế nào với cụ?”. Bà ngoại tôi trả lời: “Đó là con gái tôi” và kể hoàn cảnh.  

Bác hàng xóm là vợ ông giám đốc công ty may xuất khẩu tự nhiên động lòng bảo: “Cụ bảo cô ấy sang nhà con, con có việc đây, nếu mà cô ấy làm được thì dành cho mà làm”. Thế là má tôi sang. Bác hàng xóm hướng dẫn mẹ tôi may chăn ga gối xuất khẩu đi Liên Xô, chỉ một hồi là làm được. Vậy là má tôi nhận hàng về làm ở nhà, ngồi từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, từ tối đến nửa đêm. Má tôi cứ thấy con đói thì lo làm.

Đấu giá của Việt kiều Tân đảo để ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1955. Ảnh: Tư liệu.

Đấu giá của Việt kiều Tân đảo để ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1955. Ảnh: Tư liệu.

Tôi đi học mà tháng đầu cứ khóc vì thương mẹ nhưng sau tự nhủ, chẳng lẽ mình cứ thế này mãi sao nên quyết chí học, không nghĩ nữa. Năm thứ nhất tôi là sinh viên xuất sắc, được nhà trường thưởng 3 ngày nghỉ mát ở Đồ Sơn mà không dám đi bởi tính toán: Đi thì mất 3,2 đồng tiền vé sau đó thì 3 ngày chơi, không làm gì được giúp má. Trong khi đó nếu ở nhà với má thì còn may đồ thêm giúp.

Cuộc sống khó khăn, trong đầu tôi lóe lên quyết tâm phải đi nước ngoài học. Hồi ấy những người được đi học nước ngoài chủ yếu là con gia đình cán bộ hay miền Nam tập kết còn con thứ dân, lại Tân đảo trở về thì rất khó. Ngay đến năm 1987 tôi thi đỗ nghiên cứu sinh ở Bungari, khi cơ quan đem hồ hồ sơ về địa phương xin xác nhận lý lịch để đi thì bị giữ hồ sơ 2 tháng không giải quyết.

May mắn là tuy là gái góa ở nhà nhưng má tôi khi biết chuyện đã nhờ người quen đến gặp ông Phó Giám đốc công an tỉnh, trình bày thì ông kia mới bảo: “Làm sao mà thế được? Hồi đó gia đình bà đi Tân đảo cũng chỉ đi lao động chứ có phản động gì đâu?”. Vậy là mai ông ký luôn giấy tờ. May là hồi ấy Bungari gọi học chậm, các nước tháng 10 đã gọi còn nước này đến tháng 12 mới gọi nên mới được đi… 

Hiện cộng đồng Việt kiều Tân đảo có các hội ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Tuyên Quang…, hàng năm vẫn tổ chức gặp và mời những người ở nơi khác về. Tôi vẫn thường chở mẹ đi những dịp như vậy.

Việt kiều Tân đảo chụp ảnh cùng dân bản xứ da đen. Ảnh: Tư liệu.

Việt kiều Tân đảo chụp ảnh cùng dân bản xứ da đen. Ảnh: Tư liệu.

Đứa em cậu tôi mới đây đã quay trở lại Tân đảo, mở cửa hàng bánh. Có vài gia đình người Việt ở Vanuatu, hồi năm 2009 tôi sang có ông Thân là nghị sĩ quốc hội kiêm chủ đồn điền lớn. Khi trở lại Tân đảo tôi vẫn còn tìm ra được những địa điểm cũ, chứ em tôi khi trở lại đã quên vì khi rời đi nó vẫn còn quá nhỏ. Tôm cá vẫn còn nhiều đến mức một Việt kiều tên Cường chỉ với tấm lưới vây, khi thấy đàn cá nục trên biển ông đã huy động mấy người da đen lùa một lúc và kéo hất lên bờ thành đống.

Lúc mọi người tắm biển ở chỗ bãi của con Việt kiều thế hệ thứ 3, vì là dân thủy sản nên tôi thấy có nhiều hải sâm đen, to, dài cỡ 20 - 25cm, liền bắt lên, mổ bỏ ruột rồi nướng lên để mang về Việt Nam. Khi nói chuyện với mọi người, tôi bảo còn có loại hải sâm cát màu trắng nữa, quý hiếm hơn thì ông Đại nói: “Thế thì ở đằng kia nhiều lắm!”.

Ở một bãi của gia đình khác, hải sâm nằm nhiều như những quả dưa hấu trên ruộng. Ông bà Đại mang 2 cái thùng 200 lít chỉ khoảng 2 tiếng vừa bắt vừa chơi đã đầy. Hải sâm trắng khô lúc đó ở đảo Phú Quốc ta đang bán 2,5 triệu/kg, còn hải sâm đen cỡ 1 triệu/kg”.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).