| Hotline: 0983.970.780

Sau bài 'Lời khẩn cầu của một giáo viên':

Mẹ con cô Huệ sắp có nhà ở

Chủ Nhật 07/10/2018 , 07:35 (GMT+7)

KTGĐ có đăng  bài “Lời khẩn cầu của một giáo viên”, phản ánh việc cô giáo Hồ Thị Huệ (SN 1981) ở xã Quỳnh Văn (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) có chồng bị tai nạn qua đời nhưng vì gia cảnh nghèo khó, cô cùng 2 người con thơ phải căng bạt làm chòi để lo tang ma và làm chỗ thờ chồng.

Sau khi báo đăng, cô giáo Huệ và các con đã nhận được rất nhiều yêu thương từ khắp mọi miền đất nước.

14-01-00_ktgd
Lễ động thổ

Năm 2005, cô Huệ lên xe hoa về làm dâu tại khối 2 thị trấn Cầu Giát. Nhà anh Tạ Đình Nam (chồng cô) có đến 8 anh chị em, tất cả đều tự lập. Hai vợ chồng phải thuê nhà tại xóm 8 xã Quỳnh Văn vừa ở, vừa làm ki-ốt nhôm kính. Sáng ngày 1/5, Nam chất cửa lên xe chở đi lắp nhà cho chủ. Cô Huệ rơi nước mắt khi thằng út níu tay bố phụng phịu: "Các bạn có ô tô, con mượn mà bạn không cho”. Anh Nam xót xa xoa đầu con hứa: “Con ngoan, tối về bố mua xe cho”. Đứa con đâu biết rằng, bố nó đi lắp cửa gạt nợ cho người ta.

Chiều tối cùng ngày, khi gia chủ có nhã ý đãi anh Nam bữa rượu “hồi công”, anh gãi đầu gãi tai rồi mạnh bạo xin miễn bữa cơm lấy tiền mặt. Gia chủ biếu anh 200.000 đồng, anh vội chạy ra tiệm đồ chơi gần nhất. Cái ô tô nhựa giá 250.000 đồng, anh đành gửi lại chứng minh thư nhân dân lấy cái ô tô reo lên: “Con ơi, có quà cho con đây rồi”.

19h30 phút, khi các gia đình quây quần bên bàn tiệc mừng ngày Quốc tế Lao động, anh chạy xe chỉ còn cách nhà 1 km thì bất ngờ bị một chiếc xe tải đi cùng chiều lao đến hất tung. Anh bị gẫy cổ, nát tay, vỡ xương quai hàm, tử vong tại chỗ. Chiếc xe máy bị nghiền nát nhưng kỳ lạ thay, món quà anh mua cho con lại vẫn còn nguyên vẹn.

Chủ nhà trọ không cho mang xác về, đưa đến nhà anh em nội ngoại cũng không thể. Bàn bạc đến 2 giờ sáng, người chị dâu cả (chồng cũng mất vì TNGT) quyết định đập tường, dỡ cái chuồng gà, mua thêm xe sỏi, san góc đất nhỏ để cô Huệ căng bạt lên dựng bàn thờ đưa chồng về rồi mới gục xuống ngất lịm trong tiếng gào khóc thảm thiết của 2 đứa con thơ

14-01-00_ngoi_nh_dng_xy
Ngôi nhà sắp hoàn thành

Sau khi báo đăng, rất nhiều độc giả đã ủng hộ cô Huệ để vượt qua khó khăn. Thầy Vũ Minh Ngọc, giáo viên trường THCS Tân Thắng đã tìm đến tận nhà thăm hỏi trao 400.000 đồng dù vợ chồng thầy cũng đang thuê nhà ở. Hai ngày sau vượt trời nắng như đổ lửa, đoàn giáo viên phụ huynh 9 người do Hiệu trưởng Trường THCS Kim Liên Nguyễn Vương Linh dẫn đầu đến thăm và trao 8.000.000 đồng. Đảng ủy, ủy ban, MTTQ thị trấn Cầu Giát kịp thời kêu gọi ủng hộ 5.000.000 đồng, Trường Tiểu học Quỳnh Thạch ủng hộ 17.150.000 đồng, Trường tiểu học Quỳnh Thanh A ủng hộ 3.500.000 đồng, 10 thầy cô ở huyện Diễn Châu do cô Trần Thị Hoài trưởng đoàn tặng 2.600.000 đồng...

Nhiều bạn đọc gửi qua số tài khoản của cô Huệ được hơn 20.000.000 đồng. Tổng số tiền ủng hộ lên đến trên 400.000.000 đồng.

14-01-00_nh_my_xi_mng
Nhà máy xi măng tài trợ toàn bộ xi măng
14-01-00_nhom_bn_doc
Một trong những tấm lòng vàng

Sau một thời gian, vừa qua, chúng tôi thay mặt bạn đọc khắp cả nước đã tổ chức lễ khởi công xây nhà cho mẹ con cô Huệ tại xóm 8 xã Quỳnh Văn, trên 100m2 đất do bố mẹ đẻ cô Huệ cho.

Tại buổi lễ này, Nhà máy xi măng Hoàng Mai tài trợ toàn bộ xi măng gồm 30 tấn. Nhà báo Hồ Lan tài trợ toàn bộ đá cát, Liên đoàn Lao động Quỳnh Lưu ủng hộ 21.000.000 đồng, anh Hoàng Việt Hùng cùng nhóm “Những người bạn” (quận 9. TP HCM) ủng hộ 70.000.000 đồng. Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An tặng 30.000.000 đồng. Nhóm bạn Hồ Văn Thường (Bình Dương) ủng hộ 80.000.000 đồng...

Dự kiến tổng kinh phí xây dựng là 291.680.000 đồng.

Thông qua KTGĐ, cô Huệ kính gửi lòng biết ơn sâu sắc nhất, lời cảm ơn chân thành nhất tới tất cả các ân nhân trong và ngoài nước. Vậy là trong một ngày không xa, ngôi nhà của tình người, của những tấm lòng nhân ái sẽ trở thành hiện thực với mẹ con cô Huệ.

(Kiến thức gia đình số 40)

Xem thêm
Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu

Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu là cách nhấn mạnh rằng gia đình chính là nguồn cội của mọi niềm vui và sự bình yên trong cuộc sống.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?