| Hotline: 0983.970.780

GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp

Minh bạch thông tin là quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng

Thứ Tư 05/07/2023 , 06:36 (GMT+7)

GS.TS Lê Huy Hàm khẳng định minh bạch là quyền chính đáng của người tiêu dùng khi mua hàng nhưng thực tế không phải lúc nào cũng thực hiện được, nhất là sản phẩm GMO.

Theo ông tại sao có quy định về dán nhãn thực phẩm biến đổi gen (GMO) rồi nhưng khó thực hiện?

Theo quy định của Việt Nam, thực phẩm có bao bì đóng gói, có chứa từ 5% thành phần biến đổi gen trở lên thì phải được ghi nhãn để người tiêu dùng biết và có quyết định khi lựa chọn. Nhiều nước cũng có quy chế tương tự, Nhật Bản, EU còn quy định ngưỡng dán nhãn thấp hơn, chỉ 1%. Quy định này chỉ liên quan đến hàng hóa có đóng gói, còn hàng hóa không đóng gói ở chợ truyền thống thì không yêu cầu.

Việc thực hiện dán nhãn cho thực phẩm biến đổi gen không dễ bởi: Chi phí xây dựng và vận hành một hệ thống phòng thí nghiệm giám định sản phẩm biến đổi gen trên quy mô toàn quốc; Hệ thống thu thập mẫu từ thị trường; Hệ thống cưỡng chế, xử phạt gian lận. Các chuyên gia nước ngoài ước tính, nếu thực thi việc dán nhãn, chi phí của sản phẩm có thể tăng thêm 10 - 12%. Tất nhiên số tiền này người tiêu dùng phải chịu.

Trên thực tế, sản phẩm biến đổi gen ta nhập về chủ yếu là ngô và đậu tương để làm thức ăn chăn nuôi. Sản phẩm chế biến dạng đóng gói từ các loại nguyên liệu này trong các siêu thị hoặc các chợ cũng không có nhiều.

GS.TS Lê Huy Hàm: 'Minh bạch thông tin là phúc cho đời'.  Ảnh: Dương Đình Tường.

GS.TS Lê Huy Hàm: "Minh bạch thông tin là phúc cho đời".  Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhân loại bắt đầu sử dụng thực phẩm biến đổi gen từ năm 1996, khi có 1,5 triệu ha cây trồng biến đổi gen ở châu Mỹ. Đến nay gần 30 năm nhân loại sử dụng, cộng dồn lại đã có gần 3 tỷ ha cây trồng biến đổi gen và hàng chục tỷ tấn sản phẩm đã được làm ra và tiêu thụ. Tất cả những tin đồn về sản phẩm biến đổi gen gây dị ứng, gây ung thư, gây vô sinh đều không được khoa học khẳng định. Các nhà quản lý không được dựa trên tin đồn mà luôn phải dựa trên thông tin khoa học để hoạch định và thực thi chính sách.      

Mặt khác, các công ty liên tục tạo ra các sự kiện biến đổi gen mới. Theo số liệu tôi có được đến tháng 6/2021, trên thế giới đã có hơn 530 sự kiện biến đổi gen, thuộc gần 40 loại cây trồng được tạo ra, trong đó có 240 về ngô và 42 về đậu tương.

Thay vì dán nhãn lên sản phẩm cuối cùng như đậu phụ đóng gói, sữa đậu, tại sao không dán nhãn lên sản phẩm nguyên liệu đầu vào chứa GMO? Phải chăng doanh nghiệp nhập khẩu đang không trung thực giữa nguyên liệu GMO và không GMO thưa ông?

Theo nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học, quốc gia này khi muốn chuyển sản phẩm GMO sang quốc gia kia đều phải thông báo và được quốc gia đó chấp nhận. Tôi cho rằng những nhà sản xuất lớn ở các nước Âu, Mỹ người ta tuân thủ nghiêm quy định đó. Hiện nay có hai dòng sản phẩm đậu tương GMO và không GMO nhập vào Việt Nam. Ở đầu nhập, có thể dễ dàng có sự minh bạch thông qua khai báo và kiểm tra. Số lượng mẫu ở đó không quá nhiều và lấy mẫu kiểm tra phân tích là khả thi (mỗi lần phân tích hết khoảng 4 - 5 triệu đồng). Nhưng sau khi nhập vào thì sao? Chúng ta kiểm soát thế nào để đảm bảo việc minh bạch từ khâu chế biến đến ra sản phẩm đến tay người tiêu dùng?   

Bài toán không dễ giải: Một mặt người dân phải được biết sản phẩm nào là biến đổi gen sản phẩm nào không, một mặt phải quản lý sao cho an toàn và các nhu cầu sử dụng của xã hội đều được đáp ứng. Có nhiều quy chế, quy định cần làm nhưng thực hiện thì không dễ. Ví dụ như việc quy định không được giết thịt mèo có từ năm 1997. Thời kỳ đó chuột phá hoại mùa màng rất ghê nên Chính phủ đã ra quy định cấm giết mổ, ăn thịt mèo. Nhưng giờ quán tiểu hổ có ở khắp mọi nơi thì quản lý nó như thế nào?

Nhiều cơ sở dùng đậu tương có chữ GMO nhưng không biết là biến đổi gen vì bao bì không ghi chú bằng tiếng Việt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhiều cơ sở dùng đậu tương có chữ GMO nhưng không biết là biến đổi gen vì bao bì không ghi chú bằng tiếng Việt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi vẫn nhớ chuyện cách đây 7 - 8 năm ông có gửi cho bức ảnh chụp một người đang chở trên xe máy nhiều bao đậu có chữ GMO? Vừa rồi tôi có đi 3 làng nghề, làng có nghề gồm đậu Mơ, đậu làng chài Võng La ở Hà Nội và đậu gù ở Bắc Ninh thì thấy đều dùng đậu tương nhập khẩu Canada, Mỹ, nghi là biến đổi gen bởi căn cứ vào giá và chữ in trên bao bì?

Thực trạng đó là đúng đấy! Cách đây mấy năm tôi đang đi trên đường gần cầu Thăng Long ở Hà Nội thấy một người chở xe máy mấy bao đậu tương có chữ GMO nên đuổi theo bằng được để chụp ảnh bởi mình có liên quan đến lĩnh vực đó. Hiện nay đậu tương không biến đổi gen nhập khẩu giá 24.000 - 26.000 đồng/kg, đậu tương biến đổi gen nhập khẩu 16.000 - 18.000 đồng/kg, trong khi đậu tương truyền thống của Việt Nam phải từ 36.000 - 38.000 đồng/kg, lại còn khó mua lượng lớn. Khoảng 80% diện tích đậu tương trên thế giới là GMO, phần không GMO chủ yếu để tiêu thụ nội địa tại các quốc gia sản xuất.

Chênh lệch về giá cao như thế cho nên các nhà sản xuất, đặc biệt là các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi có thể sẽ thiên về chọn đậu tương biến đổi gen làm đầu vào cho mình. Người sản xuất đậu phụ cũng có thể ưu tiên chọn đậu tương biến đổi gen cho quy trình chế biến của mình vì hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Hiện nay vẫn có các sản phẩm đậu tương không biến đổi gen nhập từ nước ngoài về để sản xuất sữa đậu nành, hoặc có thể là đậu phụ với hình thức dán nhãn là “không chứa sản phẩm GMO”.

Bao bì chỉ ghi GMO nhưng không chú thích bằng tiếng Việt là biến đổi gen khiến người dân không biết. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bao bì chỉ ghi GMO nhưng không chú thích bằng tiếng Việt là biến đổi gen khiến người dân không biết. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhiều người không biết rằng chúng ta đã làm quen với sản phẩm GMO từ hàng chục năm nay mà vẫn nghĩ nó ở bên kia bán cầu?

Thực ra đậu tương và ngô nhập khẩu phần lớn là GMO bởi những nước có ngô, đậu tương xuất khẩu đều là những nước có sản phẩm GMO trên diện tích rất lớn. Nếu đặt hàng sản phẩm không GMO, vẫn có thể mua được nhưng giá cao hơn, như ta thấy ở trên. Cây trồng GMO có từ năm 1996, từ khi nước ta phát triển mạnh chăn nuôi, buộc phải nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, mốc thời gian từ khoảng năm 2000.

Châu Á thiếu nguồn nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là nguồn nguyên liệu giàu protein như bột cá, đậu tương. Nhiều chuyên gia dự báo các nước châu Á sẽ phải cạnh tranh nhau để nhập khẩu nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi bởi châu Á đang giàu lên và chuyển mạnh từ ăn ngũ cốc sang thịt, cá thì rất cần nhập khẩu nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi mà chủ yếu là ngô và đậu tương. Đã nhập ngô và đậu tương là phần lớn nhập GMO.

Thực tế sản phẩm GMO nhập về chủ yếu là dùng cho thức ăn chăn nuôi, còn các sản phẩm chế biến đã được bao gói có sử dụng ngô và đậu tương cũng còn chưa nhiều, hầu hết là đậu phụ, sữa đậu, sữa ngô, các loại sữa bột, các loại hạt ngô và đậu tương sấy. Việc ghi nhãn hàng hóa mới chỉ được thực hiện đối với các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu sang các nước khi họ yêu cầu và một số sản phẩm thực phẩm hữu cơ trong nước tự công bố.

Làm đậu phụ ở Trà Lâm, Bắc Ninh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Làm đậu phụ ở Trà Lâm, Bắc Ninh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhưng người tiêu dùng phải được biết rằng họ đang ăn cái gì, GMO hay không GMO, thưa ông?

Hoàn toàn chính xác, đó là quyền lợi chính đáng. Minh bạch là phúc cho đời, quyền đó là chính đáng nhưng thực tế không phải lúc nào cũng thực hiện được. Có những vấn đề hiện nay theo tôi còn quan trọng hơn GMO như các nông sản bán trong siêu thị có sử dụng thuốc BVTV không, loại nào, lần cuối sử dụng là bao nhiêu ngày, sản xuất trong nước hay nhập từ đâu…

Trong các ngành khác như y tế, GMO quá phổ biến như vacxin Covid-19 vừa rồi chúng ta tiêm chính là sản phẩm GMO?

Đúng như thế, nhiều sản phẩm thuốc chữa bệnh là từ công nghệ tái tổ hợp ADN tức là GMO. Đó là GMO do con người tạo ra còn thực tế biến đổi gen trong tự nhiên vẫn xảy ra thường xuyên. Ví dụ như các giống khoai lang ở châu Á, châu Phi tất cả đều mang gen ngoại lai cả, đã được biến đổi gen nhiều đời.

Người ta thận trọng GMO bởi đó là biến đổi gen do con người tạo ra. Sắp tới chỉnh sửa gen để tăng cường biểu hiện một gen hay làm câm một gen không biểu hiện nữa. Công nghệ này đã được giải Nobel và sắp tới sẽ bùng nổ bởi vì nhiều nước không coi là GMO và bỏ qua các bước đánh giá an toàn.

Các giống đậu tương nổi tiếng của Viện Di truyền Nông nghiệp bắt đầu bằng tên DT nay thế nào thưa ông?

Diện tích đậu tương của ta những năm 1990 từ hơn 200.000ha, giờ còn 35.000 - 40.000ha. Viện Di truyền Nông nghiệp tạo ra giống siêu ngắn ngày DT84, thích ứng rộng, có thể trồng vụ đông, giữa 2 vụ lúa, hiện còn ở những tỉnh miền núi. Chúng là nguồn protein tương đối tốt cho người dân, nhất là khi được trồng hữu cơ, có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm GMO.

Chúng ta không có lợi thế về sản xuất đậu tương, năng suất trung bình chỉ dưới 2 tấn/ha và ít đất. Đó cũng là thực trạng chung của châu Á. Điển hình là Trung Quốc nhập khẩu mỗi năm tới 100 triệu tấn đậu tương. Xu hướng của châu Á nhập khẩu đậu, ngô là không cưỡng được, thậm chí những quốc gia thông minh phải nghĩ đến ngoại giao đậu tương, ngô để đảm bảo nuôi nguồn nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khỉ hoang dã xuất hiện nhiều nơi ở Hải Phòng

HẢI PHÒNG Ít nhất tại 3 quận trên địa bàn thành phố Hải Phòng, chính quyền địa phương đã ghi nhận có khỉ hoang xuất hiện, lục lọi đồ đạc và phá hoại cây cối, hoa màu.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.