| Hotline: 0983.970.780

Nghĩa trang liệt sỹ ở Nghệ An xuống cấp: Những người hùng bị quên lãng

Thứ Ba 10/03/2020 , 08:29 (GMT+7)

Trái ngược với tiến độ khẩn trương tại dự án xây dựng tượng đài V.I.Lenin, việc nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ xã Thanh Khê vẫn im lìm hết năm này qua năm khác.

Hàng chục mộ phần liệt sỹ tại xã Thanh Khê dường như đang bị quên lãng. Ảnh: Việt Khánh.

Hàng chục mộ phần liệt sỹ tại xã Thanh Khê dường như đang bị quên lãng. Ảnh: Việt Khánh.

Sự hà khắc của thiên nhiên và vết tích thời gian khiến hàng chục mộ phần xuống cấp trầm trọng, một cảnh tượng thật xót xa.

60 năm cô quạnh

Những năm 50 của thế kỷ trước trên địa bàn xã Thanh Khê (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) có bệnh viện K43 của Quân khu IV. Bệnh viện có nhiệm vụ điều trị cho những người bị thương khi tham gia chiến đấu tại khắp các chiến trường, bao gồm mặt trận Lào.

Nhiều trường hợp bị thương nặng, nếu không qua khỏi sẽ được an táng ngay trong khuôn viên bệnh viện. Đến năm 1960, thực hiện chủ trương của Nhà nước một nghĩa trang liệt sỹ đã được xây dựng tại khu vực Cồn Triên, thuộc địa giới hành chính xóm Vĩnh Long, xã Thanh Khê nhằm tiến hành cất bốc các phần mộ về đây an táng.

Nghĩa trang đã xuống cấp nghiêm trọng theo thời gian. Ảnh: Việt Khánh.

Nghĩa trang đã xuống cấp nghiêm trọng theo thời gian. Ảnh: Việt Khánh.

Kế đó hàng loạt phần mộ liệt sỹ khác thời kỳ 1930 – 1931 cũng được quy tập về địa điểm này. Qua kiểm đếm, tổng cộng tại nghĩa trang Thanh Khê có đến 96 ngôi mộ.

Trải qua 60 năm dài đằng đẵng, vết tích thời gian và sự hà khắc của thiên nhiên đã biến nơi đây thành một chốn hoang tàn, cỏ dại rong rêu phủ kín mít. Không chống chọi nổi, hiện nhiều phần mộ bị sụt lún nặng nề, nứt nẻ toang hoác, trong khi phần tường bao quanh cũng chẳng khá khẩm hơn là bao.

Thật khó hình dung cảnh tượng trước mắt là nơi thờ viếng người đã không quản "mưa bom bão đạn", không tiếc thân mình anh dũng ngã xuống vì vận mệnh của tổ quốc thân yêu. Hơn nửa thế kỷ qua họ nằm trơ trọi, ngày ngày tháng tháng làm bạn với bão táp mưa sa.

Không giấu nổi bùi ngùi xót xa, Chủ tịch UBND xã Thanh Khê, ông Nguyễn Khắc Tân chia sẻ: “Có 16 liệt sỹ của xã Thanh Khê cũng được an táng tại nghĩa trang này. Hàng năm cấp ủy, chính quyền vẫn triển khai phương án bảo vệ, chăm sóc nhưng do thiếu hụt về kinh phí nên chỉ cáng đáng được một phần nhỏ.

Phần nhiều mộ phần đã xuống cấp thấy rõ. Ảnh: Việt Khánh.

Phần nhiều mộ phần đã xuống cấp thấy rõ. Ảnh: Việt Khánh.

Không đủ điều kiện duy tu nên các mộ phần đều xuống cấp nghiêm trọng, phần lớn các bia mộ đã phai mờ không còn đọc được thông tin, điều này không chỉ gây ra nhiều khó khăn cho công tác tìm kiếm mà trực tiếp ảnh hưởng đến mỹ quan, sự tôn nghiêm của nghĩa trang”.

Ông Tân cũng khẳng định khuôn viên nghĩa trang quá hẹp, phần đài tưởng niệm dù có nhưng lại nằm sát ngay cửa cổng ra vào, chưa kể nghĩa trang cũng chưa có bia ghi danh…

Cần biết rằng Thanh Khê là xã miền núi với 7/10 xóm đặc biệt khó khăn, bà con nơi đây chủ yếu làm nông, cuộc sống thường nhật vẫn đối diện với bộn bề lo toan. Miếng cơm manh áo còn tất tả loay hoay thì việc huy động, đóng góp rõ ràng là điều quá sức.

Đau đáu và chạnh lòng nhưng lực bất tòng tâm, chính quyền xã Thanh Khê đành phải cậy nhờ đến cấp cao hơn.

Chi 20 triệu đồng… tôn tạo

Để làm trọn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và thực hiện tốt pháp lệnh ưu đãi người có công, tri ân xứng đáng đối với các anh hùng liệt sỹ, UBND xã Thanh Khê đã nhiều lần hội họp, làm tờ trình kính đề nghị các cấp liên quan xem xét phân bổ kinh phí để nâng cấp, tôn tạo và mở rộng khuân viên nghĩa trang nhằm đảm bảo tính tôn nghiêm cần có.

Thiếu kinh phí duy tu khiến tình hình ngày càng bi đát. Ảnh: Việt Khánh.

Thiếu kinh phí duy tu khiến tình hình ngày càng bi đát. Ảnh: Việt Khánh.

Những tưởng nội dung thiết thực này sẽ được các đơn vị có trách nhiệm sớm đốc thúc thực thi. Tuy nhiên diễn biến thực tế lại hoàn toàn trái ngược, tình hình đến lúc này gần như chẳng mảy may suy chuyển.

PV NNVN ghi nhận, đến tận lúc này mới chỉ 17 gia đình thuộc các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa… tìm đến cất bốc hài cốt thân thân về an táng nơi quê cha đất tổ. Thành thử trong nghĩa trang liệt sỹ Cồn Triên họa lắm chỉ 16 người con của xã Thanh Khê có thể ấm lòng hơn đôi chút, còn lại 63 mộ phần xa quê đành chịu kiếp đời cô quạnh.

Qua tìm hiểu, mặc dù vấn đề đã được đưa lên đặt xuống rất nhiều lần nhưng thực chất phía huyện Thanh Chương mới chỉ trích được một phần nhỏ từ quỹ đền ơn đáp nghĩa, tương ứng khoảng 20 triệu đồng. Tính toán chi ly, số tiền này họa lắm chỉ đủ nâng cấp phần sân trước bằng hình thức… đắp đất.

Trong khi đó qua quá trình khảo sát và thiết kế tổng hợp, UBND huyện Thanh Chương dự toán tổng nguồn tôn tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ Thanh Khê không thể dưới 1,4 tỷ đồng. Điều đáng nói, tổng kinh phí từ ngân sách huyện và nguồn vận động xã hội hóa mãi chưa đạt nổi phân nửa, thiếu tiền thành thử mọi thứ cũng im lìm theo.

Xung quanh vấn đề này, dư luận mong mỏi UBND tỉnh Nghệ An, Sở LĐ-TB&XH và Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cần một sự lưu tâm đúng mực.

Ở một diễn biến khác, lúc này đây Nghệ An đang tập trung xây dựng đài phun nước và đặt tượng đài Lãnh tụ V.I.Lenin. Đây được xem là hoạt động hữu nghị hợp tác lâu bền của quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tỉnh Ulyanovsk, quê hương của V.I.Lenin.

Quá trình tìm hiểu, trên cơ sở đề nghị của Chính quyền tỉnh Ulyanovsk và Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo triển khai các bước theo quy định và được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Trong khi đó việc xây dựng tượng đài V.I.Lenin đang được đẩy nhanh. Ảnh: Việt Khánh.

Trong khi đó việc xây dựng tượng đài V.I.Lenin đang được đẩy nhanh. Ảnh: Việt Khánh.

Địa điểm xây dựng là khu vực vườn hoa nằm ở điểm đầu Đại lộ V.I.Lenin, vị trí rất trang trọng, phù hợp với yêu cầu đặt ra.

Trước đó, việc tỉnh Ulyanovsk tặng tượng V.I.Lenin cho tỉnh Nghệ An được đánh giá là nghĩa cử cao đẹp nhằm thắt chặt quan hệ tốt đẹp giữa hai tỉnh, đồng thời góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Hiện các đơn vị thi công đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ, dự kiến công trình có thể hoàn thành ngay trong tháng 3/2020. Được biết, kinh phí thực hiện không dưới 10 tỷ đồng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm