| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn sinh thái Vườn quốc gia nổi tiếng Việt Nam

Cơn mưa rừng trong chốt kiểm lâm Cây Hồng

Thứ Ba 15/08/2023 , 06:00 (GMT+7)

Tây Nguyên mùa mưa, chôn chân nhìn những vạt nước xối xả đổ xuống mảng rừng khộp Yok Đôn mới thấm thía hoàn cảnh của những kiểm lâm viên đang ngày đêm bám rừng, bảo vệ và làm giàu thêm tài nguyên cho rừng.

Cơn mưa rừng xối xả giữa tháng 7 trong rừng Yok Đôn. Ảnh: Tùng Đinh.

Cơn mưa rừng xối xả giữa tháng 7 trong rừng Yok Đôn. Ảnh: Tùng Đinh.

Yok Đôn là vườn quốc gia duy nhất ở Việt Nam có hệ sinh thái rừng khộp hay còn gọi rừng thưa lá rộng. Đặc điểm của loại rừng này là vào mùa khô, thường kéo dài từ tháng 11 năm nay đến tháng 5 năm sau, cây cối sẽ chuyển màu lá từ xanh sang đỏ rồi rụng trơ trụi, chỉ còn những thân cây khẳng khiu, khô khát chĩa thẳng lên trời.

Bài liên quan

Mùa đó, đứng dưới nhìn lên, cả cánh rừng chẳng khác gì một chiếc bàn chải khổng lồ đang chực chờ để vuốt thẳng những đám mây trắng của trời Tây Nguyên.

Thế nhưng, chỉ cần cơn mưa đầu tiên rơi xuống, những cây họ dầu của rừng Yok Đôn sẽ hồi sinh, chẳng khác gì câu chuyện về loài phượng hoàng tung cánh bay lên từ tro tàn. Các thân cây khô cằn, khẳng khiu sẽ đâm chồi, nảy nở, bung ra những tán lá to, dày và xanh mướt.

Thảm thực vật bên dưới vốn chỉ một màu vàng cháy vào mùa khô thì mùa mưa tươi tốt, hoa lá đua nhau khoe sắc, tràn ngập địa liền, nghệ rừng, le... tạo ra một khung cảnh đối lập hoàn toàn giữa 2 mùa mưa - khô.

"Huyệt đạo" của sóng 4G

Tây Nguyên 2 mùa mưa - khô, mưa cũng lắm mà khô thì như rang. Vì thế, ở Vườn quốc gia Yok Đôn với diện tích hơn 110.000ha, công việc của các kiểm lâm viên cũng khó khăn hơn. Khó khăn không chỉ vì thời tiết cực đoan, diện tích rộng lớn mà còn đo địa hình bằng phẳng, di chuyển ở chỗ nào cũng dễ.

Trên đường vào buôn Đrang Phốk nơi có một cộng đồng nhỏ sống giữa vùng lõi Yok Đôn, cơn mưa rừng ập xuống bất chợt khiến lái xe phải rẽ vội vào chốt kiểm lâm Cây Hồng, thuộc Trạm Kiểm lâm số 6 của Vườn quốc gia Yok Đôn, nằm trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk). Dù lùi sát đuôi xe vào mép mái che nhưng cả đoàn chúng tôi ai cũng bị ướt khi bước vội từ ô tô vào khoảnh sân của chốt vì mưa quá to.

Vuốt vội những giọt mưa sẫm trên mặt, tôi bước vào chào mấy anh em kiểm lâm, cả chốt có 4 người, 2 người đi tuần, còn 2 người ở nhà. Pha ấm chè nóng, các anh mời chúng tôi ngồi vào bộ bàn ghế được chế từ thân cây rừng đã bạc phếch, kê giữa sân uống nước. Tính lôi điện thoại ra báo việc chưa thể vào ngay buôn Đrang Phốk được, nhưng dấu x to đùng hiện ở cột sóng làm tôi tiu ngỉu, nhét điện thoại vào túi rồi với lấy cốc nước chè.

Người xưa có câu "chớp bể, mưa nguồn", ví von về sự khắc nghiệt của thời tiết, nếu sấm chớp trên biển dữ dội, nổ đùng đoàng như tiếng pháo thì mưa rừng lại sầm sập, xối xả, không còn thấy được mặt người.

Đến khi ngồi nhấp ngụm nước chè giữa lõi rừng Yok Đôn nhìn ông trời đổ nước, tôi mới hiểu được thế nào là mưa rừng. Cả trời trắng xóa, lá cây bị nước mưa dội vào, nhảy nhót giữa không trung. Dưới mặt đất, bong bóng phập phồng, nước mưa bắn tung tóe, bùn đất như có ai đang đào lên, đục ngầu.

Cạnh chốt, có một hồ thủy lợi cũng tên là Cây Hồng, hay còn gọi là hồ chứa Đrang Phốk, có năng lực tưới cho khoảng 20ha lúa của bà con trong buôn theo phương pháp tự chảy. Từ chốt kiểm lâm nhìn ra, bên kia hồ là một ngọn đồi nhỏ, chiều cao chắc độ 40 - 50m, lấp ló sau màn mưa.

Giữa màu xanh thẫm của rừng, thi thoảng thiết bị bị thu sóng 4G lại phát ra ánh sáng màu đỏ lập lòe. Ảnh: Tùng Đinh.

Giữa màu xanh thẫm của rừng, thi thoảng thiết bị bị thu sóng 4G lại phát ra ánh sáng màu đỏ lập lòe. Ảnh: Tùng Đinh.

Bất chợt, trong lúc cơn mưa tạm ngớt đủ để mắt người nới thêm tầm nhìn, một chấm đỏ lập lòe trên sườn đồi thu hút sự chú ý của tôi. Để nhìn rõ hơn cái gì đang phát sáng, tôi nhanh tay lắp bộ máy ảnh với ống kính tiêu cự xa, ghé mắt vào ô ngắm rồi lấy nét, hóa ra là một chiếc đèn của thiết bị điện tử.

Sẵn tính tò mò, tôi quay sang hỏi Nguyễn Văn Phố, kiểm lâm viên hôm nay đang trong lịch trực tại chốt. "Ai vào đây cũng hỏi cái đó, cầu nối với thế giới bên ngoài của tụi tui đó anh", Phố nói, đoạn kéo tôi ra góc sân, chỉ vào một sợi dây điện màu đỏ nằm sát mép hồ, kéo dài ra phía chân đập rồi đi đâu nữa thì không thể nhìn rõ được.

Tiếp chuyện, kiểm lâm viên quê Bình Định chia sẻ, ở đây, giữa rừng, cách đường cái đến hơn 10km, sóng điện thoại gần như "tuyệt chủng". "Ngày trước, ở chốt coi như không thể liên lạc với bên ngoài, muốn có sóng phải chạy ra cỡ 5km mới dùng được điện thoại", anh kể tiếp.

Thế mà, trong một lần vô tình đi kiểm tra trên ngọn đồi kia, các anh vô tình phát hiện ra một điểm có sóng điện thoại, không những thế mà còn bắt được 4G, căng đét. Để cải thiện tình hình liên lạc, các anh làm một bộ thu sóng 4G trên đồi, truyền về chốt bằng bộ thu phát không dây vào năm 2021.

Thế là ngồi ở sân, điện thoại không liên lạc được nhưng có thể kết nối internet vô tư. Bằng chứng là nhập xong mật khẩu wifi, điện thoại của tôi nhận được thông báo, rung liên tục.

Đoạn dây điện màu đỏ mà Phố chỉ lúc nãy là nguồn cấp điện cho bộ thu 4G trên đồi, dài 400m, vắt ngang hồ qua lối thân đập. Nói thêm về bộ thu này, mấy anh kiểm lâm gọi vui là "huyệt đạo" của sóng 4G vì chỉ cần nhích đi độ chục cm thì tất cả lại "tịt".

"Nhìn thế thôi nhưng tìm ra khó lắm các anh ạ. Trên đỉnh đồi cũng không có sóng, dưới lại càng không, chỉ mỗi điểm lưng chừng đấy sóng mới căng. Ở nhiều chốt khác, có những "huyệt đạo" nằm dưới gốc cây, phải để điện thoại ở đó mới liên lạc được, nói chuyện phải mở loa ngoài, cầm lên là lại không nghe được gì", Phố kể thêm, như để thỏa mãn trí tò mò của tôi.

Anh Nguyễn Văn Phố, kiểm lâm tại chốt Cây Hồng thuộc Trạm Kiểm lâm số 6 của Vườn quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Tùng Đinh.

Anh Nguyễn Văn Phố, kiểm lâm tại chốt Cây Hồng thuộc Trạm Kiểm lâm số 6 của Vườn quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Tùng Đinh.

Sống với đại ngàn

Chốt Cây Hồng ngoài 4 kiểm lâm viên còn có thêm vài thành viên đặc biệt khác là 4 chú chó làm bạn. Ngoài lúc đi tuần, anh em kiểm lâm đóng một cái chuồng 2 tầng để tăng gia.

Giữa cơn mưa lớn, nhìn vào tầng 1 thấy đàn gà con lít nhít đang nép vào đôi cánh của gà mẹ, trên tầng 2, ổ trứng độ chục quả nằm ngay ngắn trong chiếc ổ rơm.

Nói chuyện với Phố mới biết, anh đã gắn bó với ngành lâm nghiệp được 14 năm, xuất phát từ vị trí bảo vệ vườn năm 2010, đến 2012 thì trở thành kiểm lâm, thuộc biên chế Đội Kiểm lâm cơ động số 2, gần cổng vườn. Sau đó, anh tiếp tục được luân chuyển sang Trạm Kiểm lâm số 10 vào năm 2013, đến ngày 30/11/2017 thì về Trạm Kiểm lâm số 6.

Kiểm lâm viên sinh năm 1986 nói, hơn chục năm gắn bó với nghề, mãi rồi cũng quen, quen đi rừng, quen xa nhà, quen cả cái nắng, cái mưa của đại ngàn Tây Nguyên. "Vợ mình giờ ở nhà nội trợ, chăm sóc 2 cháu. Cháu lớn sinh ngày 1/6/2013, còn cháu nhỏ sinh ngày 9/12/2017", Phố nói.

Công việc kiểm lâm ở Vườn quốc gia Yok Đôn có nhiều đặc thù, thứ nhất là địa bàn rất rộng, ở chốt có 4 người thì địa bàn phụ trách là 3 tiểu khu, tương đương 3.000ha. Thêm vào đó, khác với những cánh rừng nhiệt đới rậm rạp, đồi núi hiểm trở ở các nơi, rừng khộp ở Yok Đôn rất thưa và phẳng.

"Thợ săn hay lâm tặc ở đây có thể đi bất cứ đâu chứ không cần phải bám vào đường mòn như các nơi khác. Thế nên anh em đi tuần cũng phải rải ra để bao quát được toàn bộ diện tích mình phụ trách", ông bố 2 con chia sẻ. Chưa kể vào mùa mưa thì việc tuần tra sẽ khó khăn hơn nhiều.

Với đặc trưng rừng khộp, mùa khô lá trút tạo nên lớp thực bì rất dày và dễ bắt lửa nên ngoài việc tuần tra, bảo vệ, kiểm lâm ở Yok Đôn còn có một nhiệm vụ nữa là xử lý vật liệu cháy có kiểm soát. Nôm na có thể hiểu đó là đốt cháy một cách chủ động, không để lửa tự nhiên phát sinh gây cháy quy mô lớn, ví dụ như nguồn lửa do sét đánh.

Chú chó giống Nhật là người bạn của những kiểm lâm trong lõi rừng Yok Đôn. Ảnh: Tùng Đinh.

Chú chó giống Nhật là người bạn của những kiểm lâm trong lõi rừng Yok Đôn. Ảnh: Tùng Đinh.

Dẫu biết còn không ít khó khăn nhưng những kiểm lâm viên ở đây, như Phố, vẫn ngày đêm bám rừng, bám dân để giữ được giá trị sinh thái cho đại ngàn Tây Nguyên.

Phố kể: "Vào chốt Cây Hồng được chục ngày thì vợ sinh, anh em tạo điều kiện cho về với vợ được vài hôm. Quay vào chốt được mấy ngày thì bố lại ốm nặng, qua đời, các anh em lại thu xếp cho về lo hậu sự ở tận Bình Định".

Thế mới thấy, để sống được với rừng, ngoài cố gắng bản thân, còn cần đến sự đoàn kết, chia sẻ trong lực lượng, nếu không, với chế độ tháng nghỉ 2 lần, mỗi lần 2 ngày, những người có gia đình cách vườn hơn 100km như Phố thì đi và về đã mất non nửa kỳ nghỉ.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.