| Hotline: 0983.970.780

Người lao động vật lộn giữa dịch Covid-19: [Bài I] Những bữa ăn teo tóp

Thứ Ba 11/08/2020 , 13:37 (GMT+7)

Sau gần 7 tháng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp "ngấm đòn", hàng ngàn lao động bị giảm giờ làm thậm chí mất việc, đời sống đối diện muôn vàn khó khăn.

Công nhân sống nhờ vào số thực phẩm ở quê gửi cho. Ảnh: Trần Trung.

Công nhân sống nhờ vào số thực phẩm ở quê gửi cho. Ảnh: Trần Trung.

Phóng viên NNVN đã về Bình Dương, tỉnh phát triển công nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động, trong đó 80% là người ngoại tỉnh đang vật lộn với cuộc sống mưu sinh hàng ngày.

20.000 đồng cho 4 người ăn!

Tác động dễ dàng nhận thấy nhất của công nhân khi bị giảm giờ làm, mất việc, chính là bữa ăn hàng ngày bị teo tóp, người lao động chỉ quanh quẩn toàn rau, mì tôm, cá dạt và lạc.

Nằm gần khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần, Dĩ An, Bình Dương, chợ Khuyết Tâm là trung tâm mua sắm của công nhân. Những ngày này khung cảnh vắng lặng đến lạ thường. Nhiều người bán hàng ở đây cho biết, mặt hàng bán chạy nhất thời điểm này là trứng và các sản phẩm có giá rẻ khác như mì tôm, thịt gà công nghiệp đổ đống, cá biển dạt loại nhỏ…

Cầm trên tay bịch cá nục nhỏ xíu trị giá chưa tới 20.000 đồng vừa mua được, chị Nguyễn Thị Nhung, công nhân một công ty cơ khí trong KCN Sóng thần cho biết, “đây là khẩu phần ăn của 4 người trong gia đình”.

Trước đây với mức lương cơ bản 5,5 triệu đồng, nếu tăng ca có thể được gần 8 triệu đồng, ngoài ra, công ty hỗ trợ một bữa ăn nên chị chi tiêu khá thoải mái. Thế nhưng, hiện nay mọi thứ bắt đầu thay đổi, lương của chị bị cắt giảm xuống còn 50%, hơn phân nửa thời gian ở nhà, mỗi ngày ra chợ là chị phải suy đi tính lại, cân nhắc xem hôm nay ăn gì, nếu giá cao quá thì phải cân nhắc lại, đổi món khác.

 “Tiết kiệm tiền là việc đầu tiên tôi nghĩ mỗi ngày, có hôm phải đổi đi đổi lại 7 lần mới chọn được món ăn ưng ý, phù hợp túi tiền. Điều may mắn là tôi chưa phải mất việc như nhiều công nhân khác cùng công ty”, chị Nhung chia sẻ.

Không may mắn như chị Nhung, cả tuần nay, hai vợ chồng anh Cao Tiến Dũng công nhân công ty sản xuất gỗ phải sống dựa vào số lạc được đem từ ngoài quê Quảng Bình vào để cầm cự cho qua ngày.

Anh Dũng cho biết, ngoài quê chủ yếu làm nông nghiệp, đất chật người đông, hơn 10 năm trước, vợ chồng anh khăn gói vào Nam đi làm công nhân để mưu sinh. Mặc dù khó khăn, nhưng năm nào anh cũng dành dụm được đôi chút gửi về cho bố mẹ hai bên nội ngoại. Thế nhưng, do mất việc, hiện cả nhà anh phải sống nhờ vào số gạo, lạc từ ngoài quê gửi vào.

“Vợ chồng tôi là một trong số những công nhân phải tạm nghỉ việc suốt 2 tháng qua vì công ty không có hợp đồng xuất khẩu. Mong sắp tới, công ty sớm hồi phục để những công nhân như tôi làm việc trở lại”, anh Dũng rầu rĩ nói.

Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương vẫn chưa tuyển dụng lao động để tái sản xuất vì thị trường xuất khẩu chưa hồi phục. Số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho thấy, trong quý II/2020, chưa đầy 100 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động, vì vậy số lượng tuyển cũng rất hạn chế.

Xóm trọ tiêu điều…

Để hiểu rõ hơn đời sống người lao động, rời khu vực chợ, hơn 12h trưa chúng tôi tìm đến các xóm nhà trọ nơi công nhân sinh sống.

Trái với khung cảnh cửa chốt, then cài như thường lệ, hầu hết các phòng đều mở toang cửa, tiếng trẻ con khóc ầm ĩ, tiếng người lớn bàn tán lao xao. Ngoài câu chuyện về việc làm và tiền lương, hiện đang vào kỳ nghỉ hè, tất cả học sinh đều ở nhà, điều này cũng khiến không ít công nhân lao động phải đau đầu giải bài toán làm thế nào để vừa có thời gian trông con vừa bảo đảm công việc để có thu nhập. 

Công nhân lao động phải đau đầu giải bài toán làm thế nào để vừa có thời gian trông con vừa bảo đảm công việc để có thu nhập. Ảnh: Trần Trung.

Công nhân lao động phải đau đầu giải bài toán làm thế nào để vừa có thời gian trông con vừa bảo đảm công việc để có thu nhập. Ảnh: Trần Trung.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa vội vã về dọn dẹp nhà, lo cơm nước cho 2 con nhỏ, chị Lê Thị Hương, quê ở Bình Định, vào KCN Sóng Thần làm công nhân gần 5 năm.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Hương cho biết, chưa bao giờ chị rơi vào tình cảnh khó khăn như lúc này, chồng chị vừa bị mất việc tuần trước, hiện đang cầm hồ sơ đi tìm việc khắp nơi nhưng chưa có công ty nào tiếp nhận, bản thân chị vừa phải chăm con, vừa phải cố gắng đi làm để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt.

“Khó khăn là điều mà hầu hết công nhân chúng tôi gặp phải nhưng ngoài chấp nhận ra thì biết làm gì, chỉ mong dịch qua mau…”, chị Hương ngán ngẩm nói.

Những công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như chị Hương không phải ít. Có những công nhân ở trọ kể, họ vẫn phải trả 3.500 đồng cho một số điện, 13.000 đồng cho một khối nước. Mặc dù, người bị mất việc, người giảm lương nhưng mọi chi tiêu vẫn thế, thậm chí còn tăng lên vì ở nhà nhiều, nên càng đi càng thấy… ngõ cụt!

Trung tâm Dịch vụ việc làm quá tải

Những ngày này, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương số người đến nộp hồ sơ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tăng đột biến. Do quá tải, Trung tâm tận dụng cả các phòng trước đây dùng để tư vấn việc làm để giải quyết hồ sơ cho người lao động.

Có mặt tại đây vào lúc 8h sáng một ngày đầu tháng 8, chúng tôi chứng kiến hàng trăm người lao động chen chúc làm hồ sơ, số người ra vào đông như nêm. Tại các quầy giải quyết hồ sơ, bảng hiện thị số người đăng ký nhảy liên tục, nhiều quầy hiển thị lên đến 5 con số.

Xếp hàng nộp hồ sơ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giải quyết việc làm Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

Xếp hàng nộp hồ sơ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm giải quyết việc làm Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều người lao động cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên bỗng nhiên mất việc, cuộc sống chật vật. Bởi vậy, ngay khi có thông tin dịch bùng phát trở lại, họ cố gắng hoàn tất giấy tờ để đến Trung tâm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thậm chí, có những gia đình con nhỏ không ai trông nên bồng bế nhau đến Trung tâm.

Nhiều gia đình phải đèo bồng con cái tới để chờ giải quyết hồ sơ. Ảnh: Trần Trung.

Nhiều gia đình phải đèo bồng con cái tới để chờ giải quyết hồ sơ. Ảnh: Trần Trung.

Ngồi ở dãy ghế chờ đến lượt giải quyết hồ sơ, chị Nguyễn Thị Mỹ Loan làm công nhân cho một xưởng may gia công tại Thuận An cho biết, từ khi Đà Nẵng xuất hiện lại ca bệnh lây lan ra cộng đồng, đơn hàng của xưởng may bị sụt giảm nên xưởng buộc phải giảm giờ làm của công nhân, từ đó thu nhập của chị cũng giảm đáng kể. Chồng chị đang làm tại một công ty giày da gần đó phải nghỉ việc vì công ty không còn nguyên liệu để sản xuất.

“Đây là lần thứ ba vợ chồng tôi tới Trung tâm này vì hai lần trước rất đông người. Sáng nay, 7h vợ chồng tôi đã phải đánh thức con dậy chạy xe máy từ Thuận An xuống đây, hy vọng lần này sẽ giải quyết được để có chút tiền xoay xở”, chị Loan cho hay.

Do quá tải, Trung tâm phải tận dụng cả phòng tư vấn việc làm để giải quyết hồ sơ. Ảnh: Trần Trung.

Do quá tải, Trung tâm phải tận dụng cả phòng tư vấn việc làm để giải quyết hồ sơ. Ảnh: Trần Trung.

Không chỉ riêng gia đình chị Loan, trao đổi với chúng tôi, hầu hết những người đến đây làm hồ sơ đều rơi vào tình cảnh tương tự.

Theo ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, người nhận trợ cấp thất nghiệp những tháng qua tăng khoảng 40% so với cùng kỳ. Để hỗ trợ người lao động mất việc, Sở và Trung tâm Dịch vụ việc làm đã sớm triển khai các biện pháp tích cực, như xử lý hồ sơ online, nộp hồ sơ qua bưu điện. Trong thời gian giãn cách xã hội, việc nộp hồ sơ qua bưu điện đã phát huy hiệu quả tốt. Sau thời gian cách ly, Sở cũng đã khẩn trương triển khai công tác chi trả cho người lao động. 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.