Tôm hùm đến thời kỳ thu hoạch không ai mua
Tại Vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), tôm hùm xanh được thương lái thu mua với mức giá ổn định trên 1 triệu đồng/kg (loại 3 con/kg), bà con phấn khởi.
Ngược lại, trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, nơi nuôi tôm hùm bông ảm đạm, vắng vẻ do thương lái dừng thu mua vài tháng nay, khiến người nuôi điêu đứng. Theo khảo sát của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, hiện ít nhất hàng trăm tấn tôm hùm đủ trọng lượng thu hoạch nhưng người nuôi vẫn phải neo lồng chờ thương lái.
Riêng tại Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong, thị trấn Vạn Giã, hiện đang tồn 70 tấn tôm thịt, trọng lượng trung bình từ 0,7-1 kg/con. Hằng ngày, các xã viên đỏ mắt ngóng chờ người mua giải quyết lứa tôm này để trang trải vụ nuôi và tái đầu tư.
Theo ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong, việc thương lái dừng thu mua tôm hùm bông diễn ra khoảng 3 tháng nay. Nếu tình trạng này kéo dài, bà con e rằng không cầm cự nổi bởi càng nuôi chi phí tăng cao, bán không được sẽ lỗ nặng. Hiện tại, người nuôi chỉ biết tiếp tục chăm sóc, đồng thời trông chờ cơ quan chức năng hỗ trợ tìm giải pháp tiêu thụ.
Hiện HTX Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong có 32 xã viên với gần 4.000 ô lồng tôm hùm. Ngoài lứa tôm đạt trọng lượng xuất bán, từ nay đến Tết Nguyên đán, HTX dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 200 tấn tôm thịt.
Theo người nuôi trên vịnh Vân Phong, cách đây 3 tháng, giá tôm hùm bông được thương lái thu mua từ 1,6 - 17 triệu đồng/kg (loại 2) và từ 1,9 - 2,1 triệu đồng/kg (loại 1). Mỗi ngày có hàng chục chiếc ghe ra bè thu mua tôm để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, chẳng hiểu lý do gì, thương lái đột ngột dừng thu mua khiến người nuôi rầu rĩ.
Thương lái cho biết, việc dừng mua tôm hùm bông là do thị trường Trung Quốc không nhập. Vì vậy, hiện nay, mỗi ngày trên vùng nuôi vịnh Vân Phong chỉ còn vài chiếc ghe ra mua tôm hùm xanh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hòa, người nuôi tôm hùm ở thị trấn Vạn Giã cho biết, hiện sản lượng tôm thịt trên địa bàn rất nhiều, riêng gia đình ông có 4 tấn. Do chưa xuất bán được nhưng mỗi ngày ông vẫn phải cho tôm ăn, dẫn đến tốn nhiều chi phí.
“Hiện tôm nuôi của gia đình đã đạt trọng lượng từ 0,8 kg/con trở lên, mỗi ngày cho ăn tốn từ 12-15 triệu. Tính đến nay, chi phí đầu tư mỗi lồng nuôi 70 con khoảng 70 triệu, trong khi gia đình có đến 80 ô lồng nên số tiền bỏ ra là rất lớn”, ông Hòa than vãn.
Tương tự, tổ hợp tác nuôi tôm hùm lồng thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh (Vạn Ninh) hiện cũng tồn hàng chục tấn tôm thịt chưa xuất bán được.
Ông Trần Minh Hiền, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi tôm hùm lồng thôn Khải Lương cho biết, đây là lứa tôm thả nuôi từ tháng 8-9 năm ngoái, đã đạt trọng lượng từ 0,6-0,7 kg/con trở lên. Dù nhiều bà con đã gọi thương lái thu mua tôm hùm để giải quyết khó khăn nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Do đó, hiện bà con đành “bấm bụng” tiếp tục nuôi với hi vọng thị trường sẽ tiêu thụ tôm hùm bông trở lại.
Được biết, trên vịnh Vân Phong có hơn 35.000 ô lồng, chủ yếu nuôi tôm hùm bông. Hiện chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, trong khi tôm đến kỳ thu hoạch không xuất bán, nên người nuôi rất lo lắng.
Gấp rút tìm giải pháp tiêu thụ tôm hùm
Ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, hiện tôm hùm bông đạt kích cỡ thu hoạch từ 0,7 kg/con trở lên tồn đọng khoảng 200 tấn, trong đó khoảng 70 tấn loại 1, tập trung chủ yếu ở huyện Vạn Ninh.
Theo ông Hoan, tôm hùm bông là loại hải sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ chủ yếu xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Hiện phía Trung Quốc đang hạn chế việc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch đối với các mặt hàng nông, lâm và thủy sản, trong đó có mặt hàng tôm hùm bông.
Qua nắm bắt thông tin, việc Trung Quốc hạn chế nhập tôm hùm bông chủ yếu yêu cầu doanh nghiệp cần chứng minh được truy xuất nguồn gốc. Do đó, trước mắt khuyến cáo người nuôi cần phải tuân thủ các quy định về truy xuất nguồn gốc, để sản phẩm đủ điều kiện xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Về lâu dài, để giúp đầu ra cho tôm hùm được ổn định, không phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, các doanh nghiệp và các hộ nuôi cần phải thực hiện tốt công tác nuôi tôm hùm đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý, đồng thời áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng mô hình liên kết và sản xuất tôm hùm trên cơ sở triển khai dự án "Xây dựng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ tôm hùm" do Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Bộ NN-PTNT) chủ trì.
Vừa qua, Viện này đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với các tác nhân tham gia mô hình. Trong thời gian tới, khi mô hình được triển khai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và xuất khẩu tôm hùm trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, toàn tỉnh có gần 100.000 ô lồng nuôi tôm hùm. Tuy nhiên những năm gần đây, bà con chủ yếu nuôi tôm hùm xanh, còn tôm hùm bông thả nuôi rất ít, chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng. Dự kiến, từ nay đến Tết Nguyên đán, sản lượng tôm sẽ thu hoạch khoảng 600 tấn, trong đó 60 tấn tôm hùm bông.
Trước tình hình tôm hùm bông không có thương lái thu mua, Sở NN-PTNT khuyến cáo bà con nếu tôm kích cỡ nhỏ thì cố gắng tập trung chăm sóc, bảo vệ tài sản trong mùa mưa bão. Còn tôm đến thời kỳ thu hoạch, bên cạnh việc chăm sóc thì tiếp tục tìm kiếm các thị trường tiêu thụ. Về phía chính quyền và cơ quan quản lý sẽ kiến nghị Trung ương và Bộ NN-PTNT tìm biện pháp can thiệp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho tôm hùm bông xuất khẩu bình thường trở lại.