| Hotline: 0983.970.780

Nguyện là đôi mắt cho anh

Thứ Tư 04/10/2017 , 14:30 (GMT+7)

Trong một buổi sáng mưa giăng đầy trời, có hai vợ chồng trẻ đang chụm đầu bên nhau, dưới bàn là quyển album ảnh kỷ niệm 10 năm ngày cưới. 

Nếu con thích chết, bố sẽ chở đi

Cô vợ cầm lấy tay chồng, di di ngón tay trỏ của anh vào từng hình rồi âu yếm: “Đây là ảnh gia đình mình gồm vợ mặc áo màu trắng chấm đen, quần đen. Đây là chồng mặc áo màu ghi quần nâu. Đây là con gái mặc váy đỏ, áo đỏ cầm lẵng hoa đứng trước bố. Đây là con trai được chú Hà bế trên tay, con mặc áo bò, quần xanh, ở đằng sau là đồng cỏ cũng màu xanh. Vợ cười tươi nhất, chồng cười cũng tươi, con gái cười hơi gượng còn con trai không cười mà mếu máo vì đang mải nghịch chiếc ô tô đồ chơi nên không thích chụp ảnh…”.

09-17-13_dsc_9575
Thúy mô tả ảnh gia đình cho chồng nghe

Sau giải phóng, ông Nguyễn Văn Dũng - xuất ngũ về quê (khu tập thể 1/5 phường Minh Khai, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) với di chứng chất độc màu da cam khiến đứa con đầu bị mất ngay từ nhỏ, đứa con thứ hai Nguyễn Văn Hùng bị hỏng một mắt, chỉ có người con út là bình thường. Gia cảnh khó khăn, mắt phải hỏng, mắt trái kém đến mức học không nhìn thấy chữ trên bảng nhưng Hùng vẫn chăm chú nghe giảng rồi tự suy đoán. Phần nào không đoán được thì em mượn vở của bạn mà chép.

Học hết cấp ba, đang hăm hở đăng ký thi vào đại học thì con mắt còn lại của Hùng bỗng dưng mù hẳn. Mẹ em suốt mất tháng liền khóc thương cho số phận của con trai còn em suy sụp mất tới mấy năm. Đời mình thế là hết! Nỗi buồn chán cứ gặm nhấm tâm can chàng trai trẻ. Em ngồi lì trong nhà như một chiếc chổi cùn bị lãng quên, đến giờ cơm mẹ mang cho ăn, đến giờ tắm mẹ dắt đi tắm, buồn đi vệ sinh cũng phải mẹ giúp.

Không đành lòng chứng kiến cảnh đứa con trai đang tuổi sức dài vai rộng mà suy nghĩ lại tiêu cực thế, một buổi ông Dũng dựng Hùng lên bảo: “Con có dám chết không? Nếu dám thì bố sẽ chở con ra đường để đâm đầu vào ô tô hay chở con ra cầu Yên Lệnh để nhảy xuống sông?”...

Mất hơn hai năm ngồi nhà như thế, nỗi đau trong lòng Hùng dần nguôi ngoai. Mẹ là người mô tả hình dáng, màu sắc, không gian của các đồ vật trong nhà để em có thể tập đi. Mẹ lại trở thành đôi mắt sáng cho em khi đạp xe đi đâu cũng chở theo cậu con trai để tả tỉ mỉ không gian bên ngoài nhất là những cái thay đổi so với 2 năm trước kia khi em chưa bị mù hẳn.

Nào là đoạn đường này mới xây quảng trường, đoạn đường kia mới dựng tượng đài, góc phố nọ mới khánh thành siêu thị. Dần dần trong đầu của Hùng đã có một tấm bản đồ 3D của cả thành phố Hưng Yên quen thuộc. Mẹ lại chở em đi đăng ký học một lớp tẩm quất, bấm huyệt dành cho người mù.
 

Thay mẹ làm đôi mắt cho chồng

Ngày ngày lớp học ấy có một người con gái vẫn thường qua lại để mang cơm thay cho chủ quán. Vũ Thị Thúy - tên cô gái rất khỏe mạnh lại duyên thầm. Thường thì cô đến rồi lại về ngay nhưng thỉnh thoảng cũng nể lời ở lại giao lưu văn nghệ cùng học viên vào các tối thứ 6 hàng tuần.

Dần dà thời gian nán lại của cô mỗi lúc một lâu hơn vì tình bạn giữa cô và Hùng mỗi lúc một thêm thân thiết. Cả hai cùng tuổi (sinh năm 1985) lại cùng chung nhiều sở thích, ước mơ. 3 tháng sau thì lớp học kết thúc.

09-17-13_dsc_9559
Trên chiếc xe đạp, Thúy chở Hùng đi khắp mọi nẻo đường

Lúc còn ở bên Hùng chỉ cảm thấy vui vẻ nhưng lúc xa nhau rồi mới chợt thấy xốn xang. Lo sợ đánh mất Thúy nhưng vì mặc cảm bệnh tật nên Hùng chỉ dám gọi điện thoại hoặc nhắn nhủ qua những bức thư dù nhà của cả hai chỉ cách nhau chừng 1 cây số.

Hùng đọc cho em trai viết hộ thư. Thư gửi đi, ngày mong ngóng, đêm trở trăn chờ tin đến. Mỗi một lần hồi âm Hùng đều nhờ đọc 10 - 15 lần cho đến khi thuộc từng dấu chấm, dấu phảy, thuộc từng ý tứ sâu xa ở bên trong.

Cứ mỗi khi vì công việc mà Thúy thưa thư đi một chút là Hùng lại lo sợ vì ngỡ lòng người đổi thay. Thư qua, thư lại chừng trên 50 lá Hùng mới dám mời người trong mộng đi chơi. Trong một buổi cả hai ngồi bên bờ hồ bán nguyệt, Hùng run run ngỏ lời nhưng lại không dám hướng thẳng vào mặt người yêu mà nói (do không nhìn được nên chỉ đoán biết mặt người yêu qua hơi thở).

Thúy chỉ lặng im rồi ngả nhẹ đầu vào bờ vai của Hùng. Tình yêu đến với họ cũng lắm ngập ghềnh, gian truân bởi Hùng luôn e ngại mình là bệnh nhân chất độc màu da cam, sợ sau này sinh con ra sẽ bị khuyết tật. Thúy an ủi rằng: “Không bao giờ ông trời lại lấy đi hết tất cả mọi thứ của một người tốt như anh đâu mà”.

Bữa cô gái dẫn Hùng về ra mắt, mẹ chỉ thở dài héo hắt tâm can: “Yêu ai sướng khổ cũng là do con, sau này đừng có trách”. Còn 5 người anh thì phản đối quyết liệt: “Em đang khỏe mạnh bình thường lại có nhiều người theo đuổi sao phải lấy chồng mù để rồi cái gì cũng đến tay? Hơn nữa, các anh sợ nhà người ta bếp gas lại chê nhà ta bếp củi, sợ em mang tiếng tham giàu nên mới cưới người tàn tật”.

Thúy lại phải dẫn mẹ và các anh đến tận nhà Hùng chỉ để xem gia cảnh cũng khó khăn không kém nhà mình là mấy thì mọi người mới đồng ý.

Còn buổi ra mắt bên nhà Hùng, gặp Thúy, bố chỉ nói có một câu: “Cháu đã đến với Hùng thì phải suy nghĩ cho kỹ bởi cháu sẽ thay đôi mắt cho nó”. Không ngập ngừng Thúy đáp: “Cháu tình nguyện sẽ là đôi mắt cho anh!”.

09-17-13_dsc_9571
Gia đình hạnh phúc của Hùng

Kể từ đó Thúy thay mẹ chồng trở thành đôi mắt sáng cho Hùng. Họ đạp xe chở nhau đi khắp chốn. Lắm buổi về Ân Thi quê nội hay về Khoái Châu quê ngoại, đạp ròng rã 3 - 4 tiếng đồng hồ mà Thúy cũng không hề bật một lời kêu ca.

Hùng cảm nhận được nỗi vất vả của vợ qua những cái ổ gà làm chao đảo tay lái, qua lưng áo mỏng ướt đầm mồ hôi, qua hơi thở mỗi lúc một gấp gáp nên tế nhị xin được bỏ dép ra, chụm chân lại đạp đôi cho tình cảm.

Dọc đường đi Thúy tả: “Vợ chồng mình đang đi trên đường 39, chùa Táo ở bên trái, ngã tư bệnh viện ở bên phải, tí nữa là đến dốc Suối nơi có một làng làm hương phơi đầy ngoài đê”.

Rồi Thúy có mang. Sờ vào bụng vợ mỗi ngày một lớn nỗi lo trong lòng Hùng mỗi lúc một to. Liên tiếp hai đứa con khỏe mạnh chào đời, Thúy đều lấy tay Hùng đặt vào các bộ phận nhỏ xíu của con và tả: “Con gái có đôi mắt giống em, cái mồm hơi giống anh, nước da hơi ngăm ngăm…” . “Con trai có trán và mồm giống hệt anh, có lông mày giống mẹ, có mũi hơi giống ông nội, tai rất to và nước da cũng ngăm ngăm giống chị”.

Đến khi con gái lớn đủ để biết dắt bố đi chơi thì nó tả: “Bố đi sang phải để tránh viên gạch vỡ, trước mặt có xe máy bố đi từ từ”. Còn thằng út luôn khanh khách cười mỗi lần cầm lái xe cút kít có bố đẩy ở đằng sau: “Bố ơi con bò đang gặm cỏ kìa”, “Bố ơi trời đang mưa kìa”…

Cuộc sống dẫu vẫn còn nhiều vất vả khi ngày ngày Thúy phải tất bật đi chợ, nấu ăn thuê ở hai chỗ từ tờ mờ sáng đến 9 - 10h đêm, Hùng phải đều đặn lần mò đến văn phòng Hội Người mù TP Hưng Yên làm việc nhưng ngôi nhà nhỏ của họ luôn chật tiếng cười.  Ở đó tôi thấy có rất nhiều đôi mắt sáng...

Dịp đi biển đầu tiên của cả hai vợ chồng thì Thúy tả rằng: “Sóng to bạc trắng đầu người, nước trong xanh tận tới đáy, đứng trên bờ này nhìn mãi không thấy bờ kia, khác hẳn với con sông Hồng quê mình anh ạ!”.

 

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.