| Hotline: 0983.970.780

Nhà thơ bên đường

Chủ Nhật 25/03/2018 , 14:05 (GMT+7)

Một con hẻm đổ dốc. Hàn Quốc là đất nước không được thiên nhiên ưu đãi, nhà và đường luôn ở lưng chừng đồi núi. Kiến trúc không rập khuôn, nhìn bốn phía thấy chập chùng nhưng đi bộ sẽ là thử thách.

Một cánh cổng giản dị, chạm vào đã nghe mũi mình dậy hương. Hương gì? Hương của danh nhân, của ký ức được lan truyền, ở đây, danh nhân là một nhà thơ. Đã nghe rưng rưng, thềm cũ lâu đài bóng tịch dương. Không, nhà thơ vốn là nhà sư, chỗ của ông khiêm nhường, thanh tao. Khi đã làm thơ dấn thân ông tiết tháo kiểu “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm” của cụ Đồ Chiểu xứ ta.

Cây gì đấy bạn ơi? Không cần biết, cây bên trong sân, thâm mốc nhoài ra hỏi han người đi đường. Ngước nhìn, giống như cây đào, như cây thị, cổ kính và thiêng liêng. Trước mình đã có hàng triệu người lách vào cánh cổng hẹp này và dừng lại ngắm vuốt nó. Khu vườn nhỏ không thể nhỏ hơn, gợi cảm. Nếp nhà truyền thống, mái ngói, vách ván, nền cuốn cao hơn mặt đất để chống mưa ẩm và tuyết phủ. Vậy thôi. Nhón người nhìn vào trong, góc thư phòng, góc để sưởi và bộ ván ở giữa để đàm đạo. Khổ hạnh và thong dong. Ở góc kia là gian nhà khiêm tốn của người nhà, di sản này thuộc gia tộc nhà thơ nhưng niềm tự hào về ông là của tất cả người Hàn Quốc.

Ông tu tại gia trước khi đất nước bị đô hộ. Triều Tiên là đất nước của vó ngựa, người Trung Quốc xưa rất dè chừng quân Cao Ly thiện chiến. Đến mức Vạn lý trường thành ra đời để ngăn những quốc gia láng giềng khó ăn hiếp. Thời người Nhật nổi máu Đại Đông Á, Triều Tiên mới đành rên xiết dưới gót giày của đội quân sặc mùi phát xít lẫn với tinh thần samurai. Ở đâu có chiếm đóng nhất định sẽ có nổi dậy và kháng chiến. Khi này các nhà thơ với khả năng chữ nghĩa tinh lọc sẽ là những ngọn cờ có sức mạnh tập họp không thua những binh đoàn.

Nhà sư Han Yong Woon ngồi thiền và dấn thân bằng thơ vừa truyền khẩu vừa chuyền tay. Ông hiệu triệu người dân đứng lên, đã đến lúc phải đứng lên. Theo truyền thống Triều Tiên nhà phải hướng nam, nhưng nhà ông đã quay về hướng bắc vì khi ấy, hướng nam phải nhìn về Phủ toàn quyền của người Nhật. Nghĩa cử có cái gì đó rất giống cụ Đồ Chiểu, người đã từng không đi trên đường nhựa do bọn Tây làm, không xài xà bông của Tây sản xuất. (Và các bạn ạ, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu xuất sắc với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc chứ không chỉ truyện thơ Lục Vân Tiên, bạn thử đọc lại mà xem).

Nấn ná, chụp ảnh, hít thở khu vườn nhưng đã đến lúc phải rời đi. Lòng lưu luyến quá. Cái ngữ văn chương là vậy đó, chạm vào nơi ai đã văn hay hoặc thơ hay thì xem như sợi dây cảm xúc nó là dây đàn trong cõi xô bồ của tâm tư mình. Nhà thơ đã sống ở đây từ năm 1933 đến khi người Nhật đầu hàng. Hơn mười năm rực rỡ của đời sư, đời thơ và đời người. Nhờ gia đình lưu giữ mà mọi thứ vẫn nguyên như nhà thơ đang đi vắng chốc lát mà thôi. Nguyên vẹn hơi người, thư phòng, tiếng chim và tiếng lá. Chào nhé tiền nhân, có thể là không bao giờ gặp lại.

Đi bộ xuống chân dốc, lòng bỗng băn khoăn: chỉ vậy thôi sao? Bỗng vỡ òa khi “gặp” ông bên đường. Đường lớn, nơi rất nhiều người và xe cộ qua lại. Phải nhìn quanh quất, có lẽ đây là nơi ông từng tản bộ trong vắng vẻ, ưu tư bởi tiếng giày của ngoại bang và những vần thơ uất hận trong lòng. Ông đấy ư? Trên một băng ghế bê tông, ông ngồi, ngày đông lạnh. Ôi ông, phía sau ông là những phiến đá xếp rất nghệ thuật làm nên vách công viên mà cũng hàm ý tường thành, nhân dân và cả chúng sinh nữa. Dáng của tượng khiến ai cũng muốn ngồi lại, im lặng, nhìn và nghe ông. Bộ quần áo nhà sư, đôi giày của thiền sư và gương mặt hiền nhân, chao ơi, có thế chứ, thế là ai cũng mãn nguyện vì đã có thể mang theo hình ảnh ông ở trong lòng, rất cụ thể và rất xúc động.

Có biết bao nơi để Việt Nam mình làm du lịch bằng di sản danh nhân. Đã đến nơi người ta dành cho cụ Tiên Điền, ngoài quê hương của cụ ở Kỳ Anh. Chỗ này hoành tráng quá và tượng cao quá. Như đã thấy những bức tượng này ở bảo tàng, ở những địa danh chiến trận, cả những màu đỏ màu vàng màu gụ cũng na ná nhau. Sao vậy? Cũng đã đến nơi gia tộc cụ Đồ Chiểu lưu ông trong khu vườn ngày xưa của nhà thơ. Nhưng chừng như chỉ có vậy, cần phải làm gì đó để nối người xem với danh nhân cho sợi dây cảm xúc dài ra thêm kể cả khi người ta đã trở lại với cuộc sống thường nhật của họ.

Đặt nhà thơ Han Yong Woon ngồi bên đường là tuyệt phẩm. Cuộc sống vốn dĩ ồn ào, nhà thơ vốn dĩ trầm ngâm và ông ngồi đó, chứng nhân của bể dâu mà cũng như để khuyên giải về sự vô vi cho tất cả. Yêu ông vô hạn.

(Kiến thức gia đình số 12)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?