| Hotline: 0983.970.780

Nhiều dấu hiệu khuất tất ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình

Thứ Năm 06/08/2020 , 13:11 (GMT+7)

Mua máy móc giá cao bất thường, hợp đồng với vợ Phó Giám đốc mở nhà thuốc là những chuyện lùm xùm ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình.

Nhiều dấu hiệu khuất tất tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. Ảnh: ĐT.

Nhiều dấu hiệu khuất tất tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. Ảnh: ĐT.

Bí ẩn “gói thầu” với vợ Phó Giám đốc Giang Hoài Nam

Theo những thông tin phản ánh đến Báo Nông nghiệp Việt Nam, từ nhiều năm nay, ông Giang Hoài Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình được giao phụ trách các mảng liên quan đến công tác dược, trang thiết bị y tế và nhiều phòng, khoa chuyên môn khác.

Có thể nhờ vị trí đó mà việc kinh doanh, quản lý cơ sở bán lẻ thuốc tại phòng A1 trong khuôn viên bệnh viện được giao cho vợ ông Giang Hoàng Nam là bà Nguyễn Thị Hải Anh.

Trước đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình có quy hoạch dành vị trí phòng A1, tầng 1 khu nhà 5 tầng của bệnh viện làm nhà thuốc. Theo Đề án thành lập nhà thuốc bệnh viện, tại vị trí phòng A1, tầng 1 nhà 5 tầng quy định rõ: Nhà thuốc phải chịu sự chỉ đạo tuyệt đối của Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình.

Tuy nhiên, từ năm 2013 - 2016, bệnh viện này đã ký hợp đồng lao động có thời hạn với bà Nguyễn Thị Hải Anh với chức danh Phụ trách kinh doanh Nhà thuốc bệnh viện và nhiệm vụ bán lẻ thuốc chữa bệnh. Các hợp đồng ghi rõ quyền lợi của bà Hải Anh như "được giao khoán kinh doanh nhà thuốc, người lao động tự trả lương".

Ngoài ra, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình còn ký với bà Nguyễn Thị Hải Anh Hợp đồng kinh tế số 111.A/HĐ-BV có thời hạn 3 năm từ 1/3/2017 đến hết ngày 28/2/2020 cho phép bà Hải Anh "được phép kinh doanh bán lẻ các mặt hàng thuốc thành phẩm, chịu sự giám sát chuyên môn của người phụ trách chuyên môn nhà thuốc và chịu trách trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động tại nhà thuốc Bệnh viện".

Từ những hợp đồng trên, bà vợ ông Giang Hoài Nam gần như phụ trách luôn mảng bán thuốc vốn của bệnh viện, đổi lại, mỗi tháng bà Nguyễn Thị Hải Anh sẽ nộp tiền thuê mặt bằng cho bệnh viện với mức giá 30 triệu đồng.

Nhà thuốc bệnh viện được giao cho vợ Phó giám đốc Giang Hoài Nam. Ảnh: ĐT.

Nhà thuốc bệnh viện được giao cho vợ Phó giám đốc Giang Hoài Nam. Ảnh: ĐT.

Theo thông tư 15/2011/TT-BYT, Bộ Y tế quy định về tổ chức và hoạt động cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện, đối với bệnh viện tuyến tỉnh (trừ các bệnh viện chuyên khoa tâm thần, điều dưỡng, phục hồi chức năng tuyến tỉnh): Giám đốc bệnh viện phải tự tổ chức cơ sở bán lẻ thuốc. Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm về hoạt động (bao gồm cả đảm bảo kinh phí) của cơ sở bán lẻ thuốc…

Đối chiếu với những quy định trên, thiết nghĩ cần phải thanh kiểm tra làm rõ các bản hợp đồng giữa Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình với bà Nguyễn Thị Hải Anh.

Trao đổi với phóng viên, một số người nhà bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình cho biết, khi nhận được đơn thuốc từ bệnh viện, họ được hướng dẫn xuống nhà thuốc của vợ Phó Giám đốc Giang Hoài Nam để mua. Giá các đơn thuốc thường dao động từ 2 - 5 triệu đồng, nhà thuốc cũng bán thêm nhiều mặt hàng khác liên quan đến vật tư y tế...

Bất thường vụ vay hàng trăm tỷ mua thiết bị

Không chỉ lùm xùm về việc hợp đồng nhà thuốc với vợ Phó Giám đốc Giang Hoài Nam, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình còn có những nghi vấn về việc thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị y tế.

Hàng loạt thiết bị y tế được Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình mua với giá cao bất thường. Ảnh: ĐT.

Hàng loạt thiết bị y tế được Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình mua với giá cao bất thường. Ảnh: ĐT.

Theo tài liệu của Nông nghiệp Việt Nam có được, Dự án mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình có tổng mức đầu tư hơn 309 tỷ đồng, được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt vào ngày 7/9/2016 tại Quyết định số 2399/QĐ-UBND với mục đích mua sắm đồng bộ trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị phòng mổ, hệ thống xạ trị…

Những tài liệu, chứng từ liên quan thể hiện đã có sự “nhảy múa” về giá thiết bị trong quá trình thực hiện dự án.

Đơn cử như máy chụp mạch DSA 1 bình diện của hãng Philips đã được mua theo dự án với giá 30,7 tỷ đồng vào năm 2017, tuy nhiên, cũng một chiếc máy tương tự, vào năm 2019, theo Dự án Hỗ trợ Y tế các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và Đồng bằng Sông Hồng đã được mua chỉ với 13,1 tỷ đồng.

Tương tự, hệ thống máy chụp CT 16 lát của hãng Siemens - Somato Scope, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình mua theo dự án với giá 14,4 tỷ đồng, tuy nhiên, theo thông tin cung cấp của một số cán bộ, nhân viên thì một chiếc máy tương tự tại Bệnh viện đa khoa huyện Hưng Hà chỉ có giá khoảng 7,1 tỷ đồng.

Hệ thống máy xạ trị hãng sản xuất Elekta - Thụy Điển và Máy chụp CT 32 được mua từ tháng 6/2018 nhưng phải đến tháng 4/2019 mới đưa vào sử dụng. Ảnh: ĐT.

Hệ thống máy xạ trị hãng sản xuất Elekta - Thụy Điển và Máy chụp CT 32 được mua từ tháng 6/2018 nhưng phải đến tháng 4/2019 mới đưa vào sử dụng. Ảnh: ĐT.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình cũng đã bỏ ra khoảng 100 tỷ đồng để mua hệ thống máy xạ trị hãng sản xuất Elekta - Thụy Điển và Máy chụp CT 32 lát trong xạ trị. Từ những ý kiến phản ánh, chúng tôi đã tìm hiểu thông tin và được biết, có những địa phương mua chỉ với giá khoảng 65 tỷ đồng…

Điều đáng lưu ý, để thực hiện dự án này, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình chỉ tự chủ được 46 tỷ đồng, còn lại 263 tỷ đồng phải đi vay của Ngân hàng Viettinbank. Ngạc nhiên ở chỗ, mặc dù vay khoản tiền khổng lồ để mua trang thiết bị nhưng sau khi thực hiện dự án, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, hoặc là “đắp chiếu” các thiết bị, thậm chí có những loại máy sớm hư hỏng, để khắc phục, bệnh viện cũng có các văn bản xin cấp trên bỏ tiền tỷ để khắc phục.

Bằng chứng là với hệ thống máy xạ trị hãng sản xuất Elekta - Thụy Điển và Máy chụp CT 32  lát trong xạ trị, sau khi mua sắm xong xuôi, bệnh viện mới phát hiện thiếu một loại máy chức năng là máy laser mô phỏng nên đã làm tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở Y tế và Sở Tài chính tỉnh Thái Bình xin được mua thêm với giá 1,8 tỷ đồng. Mới đây nhất, ngày 9/6/2020, bệnh viện có tờ trình gửi Sở Y tế tỉnh Thái Bình xin phép sử dụng kinh phí từ nguồn Quỹ phát triển sự nghiệp để mua sắm linh kiện thay thế và sửa chữa máy chụp đáy mắt Visucam 524 (mua với giá 1,8 tỷ đồng) với kinh phí dự toán 190 triệu đồng…

Theo tìm hiểu của Nông nghiệp Việt Nam, để trang trải khoản tiền vay thực hiện dự án trên, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình đã tăng giá một số dịch vụ y tế.

Tháng 4/2019, bệnh viện này có Tờ trình số 228/TT-BV gửi Sở Y tế Thái Bình đề nghị được tăng giá một số dịch vụ y tế thực hiện trên những trang thiết bị có giá trị lớn như hệ thống xạ trị, máy CT mô phỏng, hệ thống chụp mạch số hoá xoá nền… Trong đó có những dịch vụ bị đội lên tới 2,5 triệu đồng/lần chụp so với giá quy định của Nhà nước chỉ khoảng từ 500 đến 600 nghìn đồng/lần. Có những dịch vụ đội giá lên 5 triệu đồng/lần chụp…

Thiết nghĩ, các cơ quan liên quan ở Thái Bình cần sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề phản ánh, những dấu hiệu khuất tất tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Thanh Hiển, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, cần phải có sự vào cuộc tích cực từ phía cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình để làm rõ các thông tin phản ánh, nếu có sai phạm cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Theo luật sư Hiển, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng về y tế đang quá tải, ngân sách chi cho y tế còn rất hạn chế, người bệnh đang rất khổ sở thì việc đầu tư, mua sắm không hiệu quả, đặc biệt nếu để xảy ra tình trạng là tham nhũng, lãng phí thông qua trong mua sắm trang thiết bị y tế là không thể chấp nhận được. Cũng theo bà Hiển, việc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình ký hợp đồng giao nhà thuốc cho bà Nguyễn Thị Hải Anh kinh doanh quản lý là có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật phòng chống tham nhũng, đồng thời trái với quy định hướng dẫn của Bộ Y tế.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.