| Hotline: 0983.970.780

Bị lấp đường nước, nông dân bất lực nhìn vườn cây chết dần

Thứ Năm 20/04/2023 , 13:50 (GMT+7)

HẬU GIANG Nhiều hộ dân ở xã Thạnh Xuân điêu đứng, bất lực nhìn vườn cây chết dần do thi công đường đã lấp mất kênh dẫn nước, nắng không nước tưới, mưa không chỗ thoát.

Trơ trọi những vườn cây héo úa

Đã 2 năm nay, nhiều hộ nông dân có đất sản xuất nằm cặp hai bên đường Nguyễn Việt Hồng rất chua xót khi chứng kiến những vườn cây chết khô, rau màu héo úa rồi chết dần chết mòn. Nguyên nhân là đường kênh dẫn nước đã bị đơn vị thi công mở rộng đường bơm cát san lấp.

Ông Lâm Hoàng Anh bất lực nhìn vườn cam đầu tư hàng trăm triệu đồng đang bị chết khô do không có nước tưới, cành lá khô héo, trái non rụng tơi tả. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lâm Hoàng Anh bất lực nhìn vườn cam đầu tư hàng trăm triệu đồng đang bị chết khô do không có nước tưới, cành lá khô héo, trái non rụng tơi tả. Ảnh: Trung Chánh.

Đường Nguyễn Việt Hồng nối từ Quốc lộ 61 chạy vào UBND xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Trước đây, cặp bên con đường này là kênh dẫn nước từ phía cầu Láng Hầm vào, vừa để cung cấp nước sinh hoạt, vừa tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, khi có chủ trương mở rộng đường, đơn vị thi công đã bơm cát, lấp con kênh này, triệt luôn đường nước tưới tiêu của bà con nông dân.

Ông Lâm Hoàng Anh, ở ấp Láng Hầm C, xã Thạnh Xuân, những ngày qua đứng ngồi không yên khi khu vườn trồng cam, bưởi bị khô nứt đất mà không có nước tưới, cành lá khô héo, trái non rụng tơi tả. Ông Anh ngậm ngùi cho biết: “Vườn cam, bưởi tôi đầu tư hàng trăm triệu đồng, đúng khi vườn cây bắt đầu cho trái thì đường nước bị lấp. Mùa mưa thì bị ngậm úng, dùng máy bơm ra cũng không có đường thoát. Còn mùa nắng thì nước cạn khô, xì phèn, không thể bơm tưới cho cây”.

Theo ông Hoàng Anh, vào tháng tháng 5/2021, UBND xã Thạnh Xuân có họp dân để xin ý kiến lấp con kênh cặp đường Nguyễn Việt Hồng. Người dân đồng tình nhưng kiến nghị phải đặt cống đường kính lớn để cấp nước tưới tiêu. Đề nghị của dân được chính quyền ghi nhận và có cam kết trong vòng 1 tháng sẽ hoàn thành cống để người dân có nguồn nước sử dụng.

Bức xúc trước việc không có nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu, làm ảnh hưởng đến đời sống và cây trồng nên người dân đã nhiều lần trình báo chính quyền xã, yêu cầu đơn vị thi công phải khơi thông nguồn nước, đồng thời tiến hành làm dứt điểm hệ thống cống. Thế nhưng mọi thứ vẫn trì trệ kéo dài, không được giải quyết rốt ráo. Hệ quả của việc thi công dở dang này đã gây ảnh hưởng về môi trường nghiêm trọng, mùa nắng thì không có nước tưới làm vườn cây chết khô, mùa mưa thì nước tràn ngập ruộng vườn, gây thiệt hại rất lớn về cây trồng.

Bà Dương Thị Quỳnh Đào cho biết do không có đường nước lưu thông nên nước mương khô cạn, cây khó phát triển vì bị phèn. Ảnh: Trung Chánh.

Bà Dương Thị Quỳnh Đào cho biết do không có đường nước lưu thông nên nước mương khô cạn, cây khó phát triển vì bị phèn. Ảnh: Trung Chánh.

Bà Dương Thị Quỳnh Đào, ở ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân cho biết, trước đây khi còn con kênh Nguyễn Việt Hồng, khu vực này vườn cây, làm rẫy đều rất tốt. Khi con kênh bị lấp, việc làm vườn, trồng rẫy gặp rất nhiều khó khăn do không có nước tưới. Bà Đào chua xót nhìn vườn cây chết khô, những cây dâu đang ra trái nhưng bị khô héo không thể phát triển.

“Tôi đã đầu tư trồng hơn 1.000 gốc bí đao, bí rợ, khổ qua, khi cây chuẩn bị cho trái thì đơn vị thi công bơm cát gây ngập úng chết hết. Khi tôi phản ánh thì họ bồi thường được 15 triệu đồng. Giờ trồng cây lại nhưng nước mương khô cạn, tôi ráng vét tưới nhưng cây khó phát triển vì bị phèn. Chắc rồi cũng thiệt hại nữa”, bà Đào bức xúc nói.    

Thi công ì ạch đoạn đường "xã hội hóa"

Qua tìm hiểu được biết, năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa ký công văn thống nhất chủ trương cho UBND huyện Châu Thành A đầu tư mở rộng đường Nguyễn Việt Hồng, đoạn từ Quốc lộ 61 đến cầu Láng Hầm, từ nguồn vốn 100% xã hội hóa. Trên cơ sở cam kết vận động người dân hiến đất, vật kiến trúc và hoa màu… Đơn vị bỏ tiền ra thực hiện là Công ty CP Thương mại Dịch vụ Xây dựng Hải Khang (ở TP Cần Thơ).

Ông Lâm Hoàng Anh lúc nào cũng phải đặt sẵn may trong vườn, khi mưa xuống là phải bơm ra cứu vườn cây khỏi bị ngâm úng. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lâm Hoàng Anh lúc nào cũng phải đặt sẵn may trong vườn, khi mưa xuống là phải bơm ra cứu vườn cây khỏi bị ngâm úng. Ảnh: Trung Chánh.

Thực tế đoạn đường mở rộng này không dài, chỉ khoảng gần 1 km. Tuy nhiên, đơn vị thi công cũng không mở rộng hết đoạn đường, phía Quốc lộ 61 làm vừa đụng đến hàng rào nghĩa trang Tầm Vu, phía cầu Láng Hầm vẫn còn một đoạn cả trăm mét mới ra tới bờ sông. Chính việc thi công dở dang này nên dù đã đặt cống nhưng nước vẫn không thể lưu thông, dẫn đến tù đọng, gây ô nhiễm.

Ông Bùi Quốc Hòa, ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân cũng không hiểu sao mà đoạn đường mở rộng vừa giáp tới ranh đất của nhà mình thì dừng lại. Để thi công, đặt cống, họ đã đắp con đê tạm chặn ngang đường kênh. Còn phía trổ ra sông thì bị bơm cát bồi lấp, dẫn đến nước tù đọng ngay trước cửa nhà, gây bốc mùi hôi thúi, muỗi phát sinh.

“Trước đây con kênh này có nước lưu thông lên, xuống sáng chiều, rất sạch sẽ. Nhưng giờ bị chặn dòng, nước tù đọng đen ngòm, hôi thúi, muỗi phát sinh rất nhiều. Nhà tôi có nhiều trẻ nhỏ, cứ chiều tối là bị muỗi bu vào chích, không dám cho ra ngoài. Mong nhà nước chỉ đạo đơn vị thì công tập trung làm cho xong, trả lại môi trường trong sạch cho bà con nhờ”, ông Hòa nêu bức xúc.

Hiện trạng con kênh Nguyễn Việt Hồng đã bị bít hoàn toàn, phần cống chỉ lắp đặt được một đoạn, còn lại chưa lắp đặt cống, lại bị đơn vị thi công đắp đập chắn ngang nên nước không thể lưu thông. Ảnh: Trung Chánh.

Hiện trạng con kênh Nguyễn Việt Hồng đã bị bít hoàn toàn, phần cống chỉ lắp đặt được một đoạn, còn lại chưa lắp đặt cống, lại bị đơn vị thi công đắp đập chắn ngang nên nước không thể lưu thông. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Lê Hoàng Nhân - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A cho biết, đoạn đường Nguyễn Việt Hồng được mở rộng theo chủ trương của tỉnh bằng hình thức xã hội hóa. Đơn vị thực hiện là Công ty CP Thương mại Dịch vụ Xây dựng Hải Khang.

Tuy nhiên, thời gian qua đơn vị này làm rất chậm, một phần do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và thiếu cát san lấp mặt bằng. Việc thi công dở dang đã làm tắc đường tiêu, thoát nước, gây ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân.

Qua phản ánh của bà con nông dân, UBND huyện Châu Thành A đã chỉ đạo phòng Kinh tế Hạ tầng, UBND xã Thạnh Xuân mời chủ đầu tư, đơn vị thi công làm việc. Theo đó, đơn vị này cam kết là trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 6/4, sẽ khắc phục, khơi thông dòng chảy, để người dân có nước sản xuất.

Ông Hòa cho biết, “đã yêu cầu các đơn vị chức năng của huyện phải giám sát việc thực hiện cam kết này của Công ty Hải Khang, buộc phải khơi thông đường nước để phục vụ sản xuất của bà con nông dân, không để gây thiệt hại đến cây trồng”.

“Sở dĩ Công ty CP Thương mại Dịch vụ Xây dựng Hải Khang “tự nguyện” bỏ tiền ra đầu tư, mở rộng đoạn đường Nguyễn Việt Hồng này vì họ có đất ở đây. Khi con kênh được lấp, đất của họ sẽ liền ra mặt tiền đường, giá trị đất sẽ được tăng lên”, ông Lê Hoàng Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A cho biết.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.