| Hotline: 0983.970.780

Nhớ về một ngày tháng 2 năm 1979

Thứ Năm 17/02/2022 , 16:44 (GMT+7)

Trong cuộc đời quân ngũ của mình, tôi có mười năm tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ngày 17/2/1979 là ngày không thể nào quên của lịch sử dân tộc…

Với bao thế hệ người lính lên đường bảo vệ Tổ quốc, bây giờ mỗi người một nơi, kẻ mất người còn, nhưng cứ vào dịp này những gương mặt đồng đội lại ùa vào trong ký ức, làm sống dậy một thời oanh liệt.

Sư đoàn 345 lúc đó trực thuộc Quân khu II, cũng là đơn vị mới được thành lập vài năm. Trung đoàn pháo binh chúng tôi mãi đến tháng 8/1978 mới ra đời, lực lượng được điều động từ các đơn vị sư đoàn 316 và quân đoàn I. Vũ khí, khí tài chủ lực gồm có các loại pháo 85 li nòng dài, liệu pháo 105 li, 122 li, hỏa tiễn ĐKB… Sau này có bổ sung thêm súng cối 160 li. Trang bị lúc đó còn thiếu thốn, không đồng bộ, nhất là cơ số đạn, xe cũ, pháo cũ, phụ tùng thay thế không có, rất vất vả trong cơ động và tác chiến. Vì vậy khi cuộc chiến xảy ra, nhiều tình huống phải bó tay.

Sáng 17/2 chiến sự đã nổ ra trên toàn tuyến biên giới nhưng phải đến chiều tối chúng tôi mới cơ động được từ xã Tằng Loỏng (Bảo Thắng, Lào Cai) lên đến Nam Cường (thị xã Cam Đường) do dọc đường có nhiều chướng ngại vật, đường xấu và nhỏ, người và xe cộ sơ tán về xuôi đông nghìn nghịt…

Ngày 18 mới thiết bị xong trận địa và có mục tiêu để tác chiến. Nhưng mới chỉ loạt đạn đầu thì phải 8 khẩu pháo 105 li bất lực không có dầu hãm lùi (nòng pháo sau khi bắn không trở về vị trí cũ nữa). Lại phải cử người cấp tốc về tận Yên Bái mới lấy được vật tư, mà ngày ấy đi lại khó khăn biết nhường nào. Từ ngày 20 trở đi, cơ số đạn dược được quan tâm đầu tiên, vì rất thiếu nên mỗi ngày được bắn bao nhiêu phải có chỉ lệnh từ quân khu. Mà mặt trận thì mỗi ngày một nóng hơn. Phía Trung Quốc càng ngày càng lấn sâu với lực lượng yểm trợ của pháo binh bắn dọn đường hùng hậu.

Sau 4 ngày cầm cự ở các địa bàn Vĩ Kim, Đông Hà thuộc thị xã Cam Đường cũ, đơn vị chúng tôi lùi về thôn Bản Bay xã Gia Phú (Bảo Thắng). Bến Đền là một địa danh quen thuộc, nơi đó có cầu treo bắc qua Ngòi Bo nối liền trục đường từ thị xã Lào Cai đi Bảo Thắng và Văn Bàn. Đêm 22 rạng ngày 23 khi đã qua về cầu Bản Bay, chúng tôi được lệnh dùng ĐKB đánh sập cầu treo để cản đường tiến quân của địch. Đến gần nửa buổi sáng thì lực lượng bộ binh của địch đã có mặt phía đầu cầu bên kia. Mùa này nước cạn, có thể lội qua được nhưng giữa ban ngày lòng suối lại rộng, khoảng trống quá lớn nên địch cũng không dám liều lĩnh vượt sang. Phía bên này, lực lượng bộ binh của ta quá ít do thiếu vũ khí đạn dược nên phải rút dần về phía sau. Pháo binh của chúng tôi do quá gần nên một số loại pháo không thể tác chiến được. Cũng không thể lùi được vì nếu thế phải kéo pháo đi qua trước mặt địch đang ở bên kia cầu.

Có thể nói ngày 23 là một ngày cam go đối đầu giữa pháo binh chúng tôi với bộ binh địch. Tình huống khẩn cấp lúc đó buộc Ban chỉ huy tiểu đoàn (đơn vị gần suối Ngòi Bo) hội ý nhanh và đưa ra quyết định: Dùng các khẩu pháo 85 li nòng dài thiết bị trên các điểm cao bắn tà âm (chúc nòng xuống). Các chiến sĩ còn lại được trang bị súng bộ binh làm nhiệm vụ yểm trợ phía trước nếu địch tấn công sang. Trong trường hợp bị bao vây thì tháo khóa nòng các khẩu pháo còn lại rút về phía sau theo đường mòn dọc các chân đồi…

Tinh thần chiến đấu trong ngày 23 được quán triệt ngay xuống các đơn vị trong các công sự pháo. Có thể đây là trận một mất một còn vì quyết tâm không để vũ khí rơi vào tay địch. Quyết tâm đó được nêu cao hơn và ý chí vững vàng hơn bởi phần lớn cán bộ chiến sĩ trong đơn vị đã trải qua cuộc chiến đấu chống Mỹ giải phóng miền Nam có dày dặn kinh nghiệm.

Trận chiến diễn ra từ 10 giờ sáng đến tầm 5 giờ chiều khu vực hai đầu cầu Bến Đền mới kết thúc. Bên ta không có thương vong do xa tầm bắn với của súng bộ binh địch. Nhưng với hỏa lực uy hiếp của những quả đạn, pháo đã buộc địch phải co cụm ở phía bên kia cầu, không dám liều lĩnh tấn công. Có thể nói đây là cách sáng tạo trong lịch sử pháo binh mặt đất, tác chiến trong điều kiện hết sức ngặt nghèo vì mục tiêu gần.

Mãi đến tối, khi tình hình đã tạm yên, đơn vị chúng tôi mới kéo pháo ngược trở ra và lùi về thôn Làng Vàng (xã Gia Phú). Cuộc chiến kéo dài thêm hai tuần nữa nhưng ở hướng Cam Đường - Bảo Thắng địch phải dừng lại ở đầu cầu Bến Đền mà không tiến thêm được nữa.

Đến ngày 5/3/1979, quân đội Trung Quốc rút hết về bên kia biên giới, để lại sự đổ nát tan hoang toàn bộ thị xã Lào Cai, thị xã Cam Đường, một phần của huyện Bảo Thắng, nơi đơn vị chúng tôi tác chiến.

Mười năm sau đó là một cuộc đối đầu thù địch mà biết bao lớp lớp thanh niên lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Họ đã cùng với nhân dân các dân tộc Lào Cai xây dựng phòng tuyến biên giới, đoàn kết và đấu tranh để giữ vững nền độc lập và phát triển như ngày nay.

Chúng ta tôn trọng hòa bình và tích cực xây dựng tình hữu nghị, nhưng cũng không thể quên những sự kiện lịch sử, bởi nó là khí phách hào hùng của một dân tộc.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.