| Hotline: 0983.970.780

Những cây cầu xây bằng… hoa quả

Thứ Ba 16/04/2013 , 10:11 (GMT+7)

Bà con người Tày, người Nùng cho đến người Kinh ngàn đời sống ven đôi bờ sông Thương ở Chi Lăng đều đau đáu ước mơ có một cây cầu vắt qua chứ không bao giờ dám nghĩ lại có tới ba cây cầu như hiện tại.

Bà con người Tày, người Nùng cho đến người Kinh ngàn đời sống ven đôi bờ sông Thương ở Chi Lăng đều đau đáu ước mơ có một cây cầu vắt qua chứ không bao giờ dám nghĩ lại có tới ba cây cầu như hiện tại...

>> Đổi ruộng để đem... hiến

Thượng nguồn sông Thương bắt nguồn từ đèo Sài Hồ rồi chảy về xuôi, xẻ dọc các thôn xóm trong xã Chi Lăng (huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) thành một vách ngăn tự nhiên truyền kiếp. Không có cầu, mùa cạn dân lội bộ sang sông, mùa lũ muốn sang phải vòng lên tận Đồng Mỏ rồi ngược xuống mất cả chục cây số, người đi nương rẫy, học sinh đi học rất vất vả, hiểm nguy.

Mùa lũ, một phụ nữ đang mang thai ở thôn Quán Thanh băng qua sông bị nước nhấn chìm, bốn đứa trẻ ở thôn Đồng Đĩnh bị cuốn trôi trong đó hai bị chết, một thanh niên thôn Đồng Hóa cũng bỏ mạng vì chết đuối…

Bà con người Tày, người Nùng cho đến người Kinh ngàn đời sống ven đôi bờ sông Thương ở Chi Lăng đều đau đáu ước mơ có một cây cầu vắt qua chứ không bao giờ dám nghĩ lại có tới ba cây cầu như hiện tại.

Về Chi Lăng, được râm ran nghe kể về sự tích những cây cầu xây bằng… hoa quả, bằng bàn tay, công sức của đồng bào. Số là ông Dương Ngọc Đại, Bí thư Đảng ủy xã khi ấy cũng là một thôn dân của Quán Thanh thấm nỗi bức xúc vì bị chia cắt đôi bờ quá nên quyết định sử dụng những kiến thức về cầu phà hồi mình được đào tạo trong quân ngũ, tự thiết kế một cây cầu.



Những cây cầu dân xây trên sông Thương

Sau khi lân la hỏi thật kỹ các cụ già về những đỉnh lũ, những năm lụt lịch sử rồi ông Đại vạch ra một phương án tối ưu: xây cầu ngầm liền mố, nửa chìm, nửa nổi để nước không thể cuốn trôi: “Dưới một mét nước, dòng chảy còn hiền hòa chứ ngập trên một mét, lũ trên sông Thương kéo theo cả những bụi tre, những cây đại thụ”.

Bí thư xã đem bản thiết kế cho Bí thư thôn Lưu Văn Quý, Trưởng thôn Vi Ngọc Lưu xem, cả hai đều gật gù đồng tình rồi đồng thanh hô quyết. Chi bộ thôn ra nghị quyết làm cầu, họp toàn dân công khai chi phí dự tính 100 triệu đồng (một số tiền lớn vào năm 2007), huy động mỗi hộ đóng góp 400.000 đồng cùng 10 ngày công lao động.

Những con em Quán Thanh đi làm ăn xa cũng được người nhà vận động gây quỹ, làm cầu. Cầu xây hoàn toàn thủ công nên phải dựa vào thời điểm tháng giêng, tháng hai sông cạn nước nhưng đó cũng là những ngày tháng dân cạn tiền trong túi. Lượng tiền dân đóng góp lèo tèo, lãnh đạo thôn phát động chiến dịch ai có tiền đóng ngay, không có tiền thì chờ vào vụ na tới trả góp.

Vẫn thiếu tiền nghiêm trọng! Ông Phan Văn Lục, một người dân trong thôn, mang sổ đỏ của nhà đi cầm cố ngân hàng lấy 30 triệu đồng cho mượn (khi thôn làm đường điện một lần nữa ông Lục lại mang sổ đỏ đi cầm cố cho vay 10 triệu đồng). Lòng dân đồng thuận, khí thế lên hừng hực. Quán Thanh lập Ban chỉ đạo xây cầu do trưởng thôn làm trưởng ban để huy động toàn lực trong thôn thực hiện.

Người đi nhặt đá trên núi, kẻ lặn ngụp vớt cát dưới lòng sông. Họ đào hố bằng tay, quây bạt chắn nước rồi đổ xi măng làm mố. Họ cắt sắt buộc giằng trộn vữa đổ nhịp cầu. Người già không giúp được việc nặng cũng xăm xắn mang ra cho con cháu khi thì rổ khoai, buồng chuối, lúc ấm chè xanh, phong kẹo. Xây cầu thủ công gian nan tựa như người xưa xây thành bằng đất.

Người tính không bằng trời tính. Chưa bao giờ có mưa lũ vào tháng hai trên sông Thương nhưng vừa đổ bê tông mặt cầu được nhịp khô nhịp ướt thì lũ cuồn cuộc kéo về. Nhìn giàn giáo sập, mặt cầu võng, lắm người rưng rưng nước mắt. Họ tiếc rẻ bao công sức đã đổ ra nên ngần ngừ không định phá nhưng Bí thư thôn quyết liệt chỉ đạo phá hết chỉ lấy cốt thép rồi tiếp tục đổ lại.

Một dịp tình cờ khi thôn Quán Thanh đang làm cầu, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn lúc đó là ông Vũ Huy Hoàng (nay là Bộ trưởng Bộ Công thương) đi công tác qua. Nghe chuyện ông tò mò xuống hỏi xây cây cầu thế này nhà nước hỗ trợ gì? Dân đáp chẳng có, khiến ông Bí thư tức tốc huy động ngân sách trợ giúp thêm.

Ngày khánh thành, làng mở hội ăn mừng, cờ hoa giăng dọc cầu, hát then vui chật ngõ, lợn quay thơm lừng bản trên, xóm dưới. Cây cầu là tài sản chung mà trong thôn ai cũng coi như tài sản của chính nhà họ.

Mỗi bận mưa lũ, cả làng đổ ra vớt gỗ trôi, rều rác vì sợ chúng mắc vào mố kéo sập cầu đi. Mỗi bận mưa lũ, nhà nhà trong thôn đều chuẩn bị sẵn hai bao tải đất đắp tránh nước xối hai bên đầu cầu. Lũ tan, dân lại kéo ra xúc đất, hót phù sa đọng rồi múc nước rửa sạch mặt cầu, thành cầu sao cho như mới.

Cầu Quán Thanh hoàn thành, dân từ thôn Đồng Đĩnh, Đồng Hóa vòng sang đi rất đông. Phải xây cầu cho hai thôn ấy, Bí thư Đại quyết định. Khỏi phải nói niềm vui của dân thôn Đồng Đĩnh, Đồng Hóa khi ấy. Rút kinh nghiệm từ cây cầu đầu tiên, mặt cầu được mở rộng ra 2,2 m dễ dàng cho ô tô đi lại trong khi vẫn theo kết cấu liền mố như ở Quán Thanh.

Giá thành mỗi cây cầu khi xây xong chỉ 128 triệu đồng, rẻ chỉ bằng già nửa so với những cây cầu của nhà nước xây vì dân không có thói quen “ăn” xi măng, sắt thép, vật tư lại huy động được ngày công lao động tập thể.


Ban xây dựng cầu năm nào

Ông Đại bảo, làm cho cộng đồng, cho làng xã, chẳng ai dám tà tâm. Ngay như lễ động thổ cầu, Ban chỉ đạo làm một mâm cơm, con gà cúng cũng phải giải trình lên xuống trước các cụ trong làng một hai rằng đó là tiền túi của mình tự đóng góp. Năm 2008, một trận lũ lớn trên sông Thương, các ngầm do nhà nước thi công như Đồng Mỏ, Mai Sao xói lở, bật từng mảng nhưng ba cây cầu của dân Chi Lăng xây vẫn trụ vững, kiên cường.

Khi chưa có cầu, người Chi Lăng trồng na ở trên các dãy núi đá cheo leo, bón phân, thu hoạch, vận chuyển sản phẩm rất khổ. Đầm đẫm mồ hôi, công sức nhưng nông sản làm ra vẫn bị ách tắc đầu ra, vẫn phải bán với giá rẻ mạt. Giờ máy cày, máy kéo chạy bon bon vào tận chân núi, nương na. Trên đó, người ta xây cả những bể trữ nước chủ động tưới cho mùa khô. Trên đó, người ta ứng dụng kỹ thuật mới cắt tỉa cành, thụ phấn chủ động để trăm hoa là thành trăm quả.

Mùa thu hoạch, những sọt na chon von từ các sườn núi được chuyển xuống đất bằng hệ thống tời máy, từ đó xếp sang xe tỏa đi tiêu thụ khắp miền Bắc. Na Đồng Bành, Chi Lăng vốn nức tiếng về độ ngọt cao, vị thơm mát, từ hồi đường đi lại thuận tiện chẳng khác hổ được chắp thêm cánh, đem lại cho mỗi gia đình trong thôn, xã cả trăm triệu đồng.

Vị Bí thư xã thủa nào dẫn tôi đi một vòng tham quan ba cây cầu của Chi Lăng. Nước sông Thương trong vắt, đôi bờ tre xanh ngằn ngặt, cây cầu cong cong tạo dáng mềm mại như eo thon thiếu nữ mới vừa đôi tám. Tiếng xe cộ, tiếng người nói xôn xao. Cây cầu, bến nước trở thành điểm giặt giũ của các bà, các mẹ, thành chốn hẹn hò của nữ tú, nam thanh, thành chiếc cầu ô thước giữa cuộc đời thực.

Ông Đại kể với tôi năm khánh thành cầu, thôn Quán Thanh đã xác nhận kỷ lục khi có tới 20 đám cưới được tổ chức trong khi những năm trước chỉ có dăm ba đám là cùng. Những đoàn nhà trai, nhà gái sánh vai nhau trong xúng xính áo Tày, áo Nùng, soi bóng xuống dòng Thương như một bức tranh thủy mặc. (Hết)

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Để Ba Chẽ không chia cắt trong mùa mưa bão

Huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông, đảm bảo người dân không bị 'ngăn sông, cách suối' trong mùa mưa bão.