| Hotline: 0983.970.780

Những người Cuba có Việt Nam trong tim

Thứ Tư 29/04/2020 , 06:10 (GMT+7)

Tôi đã gặp họ tại La Habana, Thủ đô của Cuba. Trong những câu chuyện của mình, hai tiếng Việt Nam luôn được họ nhắc đến với một sự ngưỡng mộ và trân trọng.

Tác giả (ngoài cùng bên trái) đang phỏng vấn bác sĩ Ariel Sobet Mun.

Tác giả (ngoài cùng bên trái) đang phỏng vấn bác sĩ Ariel Sobet Mun.

Điểm chung của họ là đã đến Việt Nam và cống hiến sức mình, chia sẻ những khó khăn với nhân dân Việt Nam từ những năm chiến tranh cho đến nay. Và khi trở về, Việt Nam đã trở thành một phần trong kí ức của họ nơi quê hương cách bên kia trái đất.

Với nhiều người Việt Nam thì bác sĩ Ariel Sobet Mun không phải là một cái tên xa lạ. Ông đã có 3 lần đến Việt Nam vào những năm khác nhau.

Năm 1967, khi đến Việt Nam làm chuyên gia y tế giúp đỡ các bệnh viện, Ariel Sobet Mun là một bác sĩ 37 tuổi (ông sinh năm 1930).

Năm nay dù đã 90 tuổi nhưng ông vẫn là một bác sĩ đang làm việc tại La Habana với một sức khỏe tốt và một trí tuệ mẫn tiệp. Chuyến đầu tiên ấy, ông được bố trí đi tàu từ Trung Quốc sang Việt Nam.

“Ấn tượng của tôi khi đó là đường tàu bị đánh bom hỏng. Đoàn tàu chúng tôi đi phải dừng lại. Sau vài tiếng khắc phục, chúng tôi vượt qua đoạn đường sắt hỏng để lên một đoàn tàu khác”, ông nhớ lại. Khi đến Viện 108, Ariel Sobet Mun được tiếp đón và giới thiệu làm việc với một bác sĩ gây mê. “Chúng tôi làm việc khá ăn ý trong khoảng một tuần đầu. Sau đó tôi thấy anh ấy trở nên rất buồn. Tôi hỏi vì sao, thì anh bảo do Hà Nội bị ném bom”.

Ngay sau đó máy bay oanh tạc Hà Nội. Khi có báo động, Ariel Sobet Mun được hướng dẫn xuống hầm trú ẩn, nhưng ông không chịu.

“Tôi sang đây để giúp Việt Nam chứ không phải để chui vào hầm trú ẩn”, ông nói và kiên quyết không xuống hầm. Mọi người dù rất lo lắng nhưng đành phải chiều ý vị bác sĩ chuyên gia.

Sau đó, Ariel Sobet Mun lại tiếp tục sang bệnh viện Xanh pôn đồng hành cùng các bác sĩ ở đây. Hơn một năm ở Xanh pôn Ariel đã tham gia chữa trị cho khoảng 460 bệnh nhân.

Việt Nam khi đó rất khó khăn, ông đã cùng chia sẻ với những đồng nghiệp. Có lần, một bác sĩ trong bệnh viện đã rủ ông ra phố xem hàng hóa trong ngày nghỉ, các cửa hàng khi đó vừa nhập về rất nhiều hàng hóa, không có tiền mua nên họ chỉ đi xem. Rồi đi qua hàng phở, nhưng cũng không có tiền để ăn, vị bác sĩ đã nói đùa ông rằng “hôm nay chúng ta sẽ đi ăn bằng mắt”.

Người đàn ông 90 tuổi vẫn vô cùng minh mẫn, ông nhắc về những kỷ niệm của một thời khốn khó những năm chiến tranh tại Hà Nội.

Lần thứ hai Ariel Sobet Mun sang Việt Nam là năm 1972, khi đó ông trong đoàn tháp tùng Chủ tịch Fidel Castro thăm vùng chiến sự.

“Chúng tôi đi vào chiến trường Quảng Trị, nơi nóng bỏng và ác liệt nhất khi đó. Lần này cũng có nhiều chuyện đáng nhớ. Khi chúng tôi đang di chuyển thì có một quả mìn phát nổ bên đường khiến một số người dân bị thương.

Một phụ nữ bất tỉnh, một người đàn ông bị mảnh đạn găm vào đầu gối, và nhiều người khác bị thương nhẹ. Fidel nói với tôi rằng, ông hãy ở lại chữa trị cho các bệnh nhân, đoàn sẽ quay lại đón ông sau”, ông Ariel nhớ lại.

Những người bị thương được đưa đến một bệnh viện dã chiến. Ông đã biết về kiểu bệnh viện này ở Việt Nam ở những vùng có chiến tranh nhưng khi được vào tận nơi vẫn ngạc nhiên đến bất ngờ vì thấy rằng, trong điều kiện bom đạn nhưng Việt Nam vẫn đảm bảo được về y tế ở mức tốt nhất có thể.

Đến chín giờ đêm thì Ariel đuổi kịp đoàn công tác. Khi đó Chủ tịch Fidel và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang làm việc trong một căn lều dã chiến.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã hỏi ông về tình hình các bệnh nhân, Ariel cũng giải thích những việc đã làm để cứu chữa cho những người gặp nạn, đặc biệt trong đó là cô gái bị 11 mảnh đạn găm vào ruột đã được cứu chữa ra sao.

Sau này, người dân ở Quảng Trị vẫn gọi cô gái được cứu sống có tên Nguyễn Thị Hương bằng cái tên thân mật là “cô gái của Fidel”.

Ariel Sobet Mun còn sang thăm Việt Nam một lần nữa vào năm 2012 theo lời mời của Bộ Quốc phòng Việt Nam, và cũng như nhiều người Cuba khác, ông vô cùng ngạc nhiên trước sự phát triển nhanh chóng và một hình ảnh Việt Nam năng động. Ông đã dùng từ “không thể tin được” để nói về Việt Nam hôm nay.

Khác lĩnh vực với bác sĩ Ariel Sobet Mun, người đàn ông chúng tôi gặp sau đó, Eouardo Morejon Estevez, dù tuổi cũng đã cao nhưng vẫn mang đậm phong cách lính chiến.

Ông đến Việt Nam năm 1966, với nhiệm vụ đặt nền móng đầu tiên cho nhóm sĩ quan Cuba đến Việt Nam. Công việc của ông là đưa các nhóm sĩ quan Cuba đến các đơn vị bộ đội Việt Nam.

“Chúng tôi đã được chứng kiến cuộc sống của bộ đội thời chiến và thấy cuộc chiến khốc liệt như thế nào”, ông nói.

Ngồi trước tôi, người cựu binh Cuba vẫn còn nguyên tinh thần chiến đấu và những đặc trưng của một sĩ quan tham mưu. Ông đến cùng 3 tập bản thảo dày cả nghìn trang và say sưa nói về nó. Đó là bản thảo 3 cuốn sách về chiến tranh Việt Nam mà ông đã dày công viết suốt những năm qua.

Cảm hứng từ cuộc chiến tranh vệ quốc ở bên kia bán cầu đã được Eouardo Morejon Estevez tái hiện công phu. Cảm giác như người cựu quân nhân này vẫn luôn sẵn sàng ra trận, sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến nào đó, ở Cuba hay ở Việt Nam.

“Tôi đã ghi lại những kinh nghiệm để làm tài liệu cho các thế hệ sau học hỏi”, ông giải thích ngắn gọn.

Cựu chiến binh Eouardo Morejon Estevez say sưa nói về những tập sách ông đã viết.

Cựu chiến binh Eouardo Morejon Estevez say sưa nói về những tập sách ông đã viết.

Để có thể hoàn thành chúng, Eouardo đã bắt đầu từ mười năm trước, còn trước đó nữa là nghiền ngẫm và thu thập tài liệu.

Cuốn thứ nhất có tên “Chim ưng và Rồng”, ông viết về cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ tại miền Bắc Việt Nam. Trong cuốn này ông đã kể lại những phương thức đánh Mỹ trên miền Bắc cũng như bộ đội đã bắn rơi B52 như thế nào.

Cuốn thứ hai của ông có tên “Sự gãy cánh của Chim ưng”. Cuốn này Eouardo viết về những gì Mỹ tiến hành tại miền Nam Việt Nam và những gì mà quân và dân miền Nam Việt Nam đã làm để chống lại.

Còn cuốn sách thứ ba có tên “Con đường của Rồng”, viết về đường Hồ Chí Minh và cuộc chiến bí mật diễn ra trên đất Lào, về quyết tâm của Việt Nam và âm mưu phá hủy con đường này của Mỹ.

“Vì sao tôi dùng hình ảnh Rồng để nói về Việt Nam? Đó là từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyền thuyết con Rồng cháu Tiên của Việt Nam”, Eouardo Morejon Estevez nói.

Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, từ vẻ sôi nổi khi nói về các cuốn sách của mình ông trở nên trầm lắng.

“Việt Nam trải qua những năm chiến tranh, nỗi đau rất lớn nhưng cũng rất đáng tự hào. Những gì tôi biết về Việt Nam là những kỷ niệm đậm nét nhất trong cuộc đời tôi, là những năm tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi”, người cựu chiến binh Cuba nói.

Ông José Ramón Balaguer Sánchez (thứ ba từ trái sang) cùng tác giả (thứ hai từ trái sang) và các sinh viên Việt Nam đang học tập tại Cuba.

Ông José Ramón Balaguer Sánchez (thứ ba từ trái sang) cùng tác giả (thứ hai từ trái sang) và các sinh viên Việt Nam đang học tập tại Cuba.

Trong số những người chúng tôi đã gặp tại La Habana để nghe họ kể về những kỷ niệm với Việt Nam thì Đại tá José Ramón Balaguer Sánchez – Vụ trưởng Vụ Dân quân Tự vệ và Cứu hộ (thuộc Bộ Các Lực lượng vũ trang cách mạng Cuba) là người có những kỷ niệm gần với hiện tại nhất. Ông nguyên là Tùy viên quân sự Cuba tại Việt Nam từ năm 2014 đến năm 2017.

Nói chuyện với ông tôi cảm giác như thể ông vừa mới đáp máy bay từ Việt Nam về Cuba thôi. Mọi thứ ông kể như vừa mới hôm qua vậy.

“Tôi có một kỉ niệm vui khi mới đến Việt Nam nhận nhiệm vụ. Khi ấy, Cục Đối ngoại của Bộ Quốc phòng Việt Nam mời tôi đi ăn trưa như một gặp gỡ, liên hoan nhỏ khi tôi bắt đầu nhiệm vụ Tùy viên quân sự.

Vì mới học các phong tục, thói quen sinh hoạt tại Việt Nam nên khi đến nhà hàng, dù có đủ cả thìa dĩa và đũa nhưng tôi đã cố gắng thực hành môn dùng đũa, vì tôi được biết người Việt có thói quen dùng đũa khi ăn.

Quả tình việc dùng đũa với chúng tôi không hề dễ dàng, dù đã tập rất nhiều nhưng tôi vẫn vô cùng lóng ngóng.

Tôi khá chật vật với đôi đũa của mình, và rồi bất chợt nhìn sang xung quanh, thì hỡi ôi, những người bạn mời tôi ăn trưa đang dùng thìa dĩa rất thành thạo và thoải mái”, José Ramón kể lại chuyện vui đó và cười vang khiến chúng tôi cũng cười theo, mọi khoảng cách bỗng chốc bị xóa nhòa.

Ông José Ramón nói rằng, vai trò của người tùy viên quân sự rất quan trọng, đại diện cho quan hệ giữa Bộ Quốc phòng hai nước, là cầu nối để 2 Bộ làm việc thuận lợi nhất. Đảm nhiệm vai trò này tại Việt Nam ông cảm thấy rất yên tâm.

“Tôi đã được hỗ trợ rất nhiều trong công việc. Suốt ba năm làm tùy viên, chưa hề có một sự cãi cọ to tiếng nào, tất cả đều được xử lí trên nền tảng quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, hai quân đội”, ông cho biết.

Bản thảo 3 cuốn sách Eouardo Morejon Estevez viết về Việt Nam.

Bản thảo 3 cuốn sách Eouardo Morejon Estevez viết về Việt Nam.

Nói về những năm tháng làm việc và gắn bó với Việt Nam, ông José Ramón tâm sự rằng, ông luôn trân trọng và cảm thấy những năm tháng được làm việc tại Việt Nam vô cùng đẹp đẽ.

“Gia đình tôi đã được sống một thời gian ở Hà Nội. Tôi rất thích đi dạo trên phố Lý Thường Kiệt, bờ hồ Hoàn Kiếm, ăn kem Tràng Tiền, đặc biệt là kem vị chanh, thứ mà cô cháu nội của tôi rất thích”.

Những hình ảnh bình dị về Hà Nội đã được người đàn ông mang theo về Cuba như một phần tài sản gom góp ở phía bên kia trái đất.

“Giờ đây nhắc lại tôi thấy nhớ những anh chị trong Cục Đối ngoại Việt Nam, tôi nhớ chị Nguyễn Thị Vân Anh, người thường phiên dịch cho tôi. Tôi nhớ cả những người ở Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba nữa”. Người đàn ông Cuba thoáng nét tư lự nhìn lên tán cây xanh thẳm vùng nhiệt đới, ánh mắt như muốn tìm về một Hà Nội, nơi ông từng gắn bó.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.