| Hotline: 0983.970.780

Những vùng không nên sản xuất vụ mùa ở Bình Thuận

Thứ Tư 20/09/2023 , 06:19 (GMT+7)

Đức Linh và Tánh Linh là 2 huyện có các vùng thường xảy ra lũ quét, ngập sâu vào vụ mùa, vì vậy không nên sản xuất ở vụ này.

Mục tiêu đạt 250.000 tấn lương thực vụ mùa

Năm 2023, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu sản lượng lương thực đạt khoảng 800.000 tấn. Trong vụ đông xuân và hè thu vừa qua, tỉnh này thu hoạch ước đạt hơn 558.000 tấn. Số sản lượng gần 250.000 tấn lương thực còn lại, Bình Thuận trông chờ vào sản xuất vụ mùa, với tổng diện tích gieo trồng gần 41.000ha lúa và hơn 4.200ha bắp (ngô).

Năm 2023, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu sản lượng lương thực đạt khoảng 800.000 tấn. Ảnh: Kim Sơ.

Năm 2023, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu sản lượng lương thực đạt khoảng 800.000 tấn. Ảnh: Kim Sơ.

Để đạt mục tiêu này, ngành nông nghiệp Bình Thuận đưa ra khung thời vụ chung xuống giống gieo trồng vụ mùa trên địa bàn tỉnh kết thúc trước 30/9.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, vụ mùa có độ ẩm cao nên thường xuất hiện nhiều loại sâu bệnh hại so với các vụ sản xuất khác trong năm. Hơn nữa, thời tiết diễn biến phức tạp, thường xảy ra lũ lụt, lốc xoáy cuối vụ.

Vì vậy, ông lưu ý các địa phương cần nắm chắc dự báo khí tượng thủy văn để bố trí thời vụ hợp lý. Đồng thời những diện tích xuống giống phải đảm bảo đủ nước từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch, không gieo trồng tràn lan tránh gây thiệt hại cho người dân. Đồng thời, không kéo dài thời vụ gieo trồng làm ảnh hưởng đến quá trình điều tiết nước, lịch thời vụ chung, là điều kiện lây lan mầm bệnh cho các vụ sau.

Ngoài ra, do tình hình thời tiết, khí hậu được dự báo diễn biến phức tạp, sinh vật gây hại như rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, sâu keo mùa thu... vẫn tiềm ẩn nhiều khả năng bùng phát. Do đó, các địa phương cần chủ động phòng chống sinh vật gây hại trên cây trồng, nhất là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa; bệnh rụng lá trên cây cao su; bệnh đốm nâu, bệnh thán thư ở cây thanh long; sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp; bệnh khảm lá virus gây hại trên cây mì (sắn).

Những vùng không bố trí sản xuất vụ mùa

Tại 2 huyện Đức Linh và Tánh Linh có các vùng thường xảy ra lũ quét, vùng ngập sâu vào lũ chính vụ trong tháng 9, 10. Do đó, ông Phan Văn Tấn đề nghị các địa phương không bố trí sản xuất vụ mùa ở những vùng này mà chuyển sang sản xuất vụ đông xuân sớm để tránh lũ.

Những chân ruộng cao hoặc ruộng đã sản xuất 2 vụ lúa, ruộng có điều kiện thì nên chuyển sang sản xuất các cây trồng cạn như bắp, rau đậu các loại để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh. Sau khi thu hoạch lúa vụ hè thu, phải tập trung vệ sinh đồng ruộng, đồng thời tiến hành làm đất kỹ mới tổ chức gieo trồng vụ mùa. Việc gieo cấy lúa phải tập trung đồng loạt theo từng vùng, từng cánh đồng để phòng, chống và hạn chế tối thiểu rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

Nông dân Bình Thuận xuống giống lúa vụ mùa. Ảnh: Kim Sơ.

Nông dân Bình Thuận xuống giống lúa vụ mùa. Ảnh: Kim Sơ.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cũng khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa xác nhận để tăng sức chống chịu sâu bệnh. Bà con nên sử dụng các giống lúa ngắn ngày để hạn chế hạn hán cuối vụ và trễ vụ sản xuất đông xuân 2023 - 2024.

Lượng giống lúa gieo sạ phải đảm bảo mật độ khuyến cáo từ 120 - 150kg/ha để dễ quản lý sâu bệnh hại. Quá trình chăm sóc lúa, bà con nên bón phân cân đối (bón đạm vừa phải, tăng cường thêm kali, lân), áp dụng mô hình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”.

Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đồng ruộng, dự tính dự báo để chỉ đạo sản xuất. Đồng thời có phương án ứng phó, chủ động xử lý kịp thời, không để sâu bệnh hại phát sinh trên diện rộng, cũng như hướng dẫn nông dân tổ chức phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả. Việc tổ chức phun thuốc để phòng trừ sâu bệnh phải ra quân đồng loạt và tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.

Đối với cây lâu năm, ngành nông nghiệp Bình Thuận đề nghị các địa phương rà soát tình hình sản xuất trên địa bàn, từ đó đưa ra các giải pháp phát triển bền vững. Không khuyến khích phát triển thêm các cây trồng ngoài vùng quy hoạch đã được phê duyệt, ổn định diện tích các cây trồng chủ lực, tập trung vào đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm...

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.