| Hotline: 0983.970.780

Ninh Bình và nỗi bức xúc cầu mới – cầu cũ

Thứ Tư 12/02/2020 , 09:19 (GMT+7)

Bức xúc trước sự thu phí phi lý, cả trăm hộ dân ven sông Hoàng Long bảo nhau góp tiền, tự đóng mới cầu phao bắc qua sông.

Cây cầu cũ năm cạnh cầu mới, đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Cây cầu cũ năm cạnh cầu mới, đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Lạ ở chỗ, cầu mới - cầu cũ nằm cách nhau chừng một sải tay. Sự việc nhùng nhằng gần hai năm qua, nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Thu phí trên trời

Sự việc lạ lùng kể trên đang diễn ra tại thôn 4, xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Ông Nguyễn Pháp Chế, Chi hội trưởng nông dân thôn 4 cho biết, sự việc bắt nguồn từ cây cầu phao cũ, bắc qua sông Hoàng Long từ năm 2008. Trước năm 2008, 4 thôn của xã Thượng Hòa nằm bên kia sông Hoàng Long, tách biệt với trung tâm. Để đi lại, sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đưa trẻ tới trường… phương tiện duy nhất của người dân nơi đây là thuyền, bè.

Thời điểm trên, một hộ dân tại đây đề xuất xây dựng cầu bắc qua sông để người dân tiện đi lại. Đề xuất được cả thôn cũng như chính quyền xã Thượng Hòa và huyện Nho Quan đồng ý.

Với hợp đồng sử dụng, quản lý thời hạn 30 năm, hộ này được HTX NN Hữu Thường chi trả số tiền tương đương 2,5 tấn thóc/năm. Ngoài ra, không được thu phí đi lại của người dân.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Thượng Hòa thông tin, chính quyền xã thanh lý hợp đồng quản lý 30 năm với chủ cầu phao cũ. Hộ dân này cam kết nhận 300 triệu đền bù từ dự án và trả lại mặt bằng giao thông.

Tuy nhiên, theo ông Chế cũng như nhiều người dân ở đây, chỉ sau một thời gian cầu đi vào hoạt động, việc thu phí đã diễn ra. Gia đình này tận thu từ xe máy, xe chở học sinh đến trường, thậm chí… cả trâu bò qua lại. Trong khi, nhiều năm, cây cầu không được sửa chữa nên xuống cấp, gây mất an toàn giao thông.

Tới năm 2018, hộ này nâng mức thu phí đối với xe máy lên 1,5 triệu đồng/phương tiện. Tính nhẩm, số tiền riêng thu phí phương tiện xe máy mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng.

Quá bức xúc, gần 200 hộ dân thôn 4 tổ chức hội nghị, đồng lòng góp tiền xây cầu phao mới. Người được nhân dân bầu ra làm trưởng nhóm vận động, xây cầu là ông Nguyễn Văn Hưng – trưởng thôn.

Sau đó, đại diện thôn 4 đã gửi đơn xin xây dựng cầu phao mới tại Km23 sông Hoàng Long lên cơ quan chức năng. Ngày 9/11/2018, UBND tỉnh Ninh Bình có công văn yêu cầu các Sở NN-PTNT, GTVT và UBND huyện Nho Quan xem xét, giải quyết, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.

Cuối tháng 11/2018, sau khi thẩm định, nhiều Sở, ban, ngành của tỉnh Ninh Bình trả lời, nhất trí với đề xuất của người dân thôn 4. Ông Lê Xuân Thịnh, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Ninh Bình khẳng định, đây là thôn đặc biệt khó khăn, người dân hằng năm phải sống chung lũ lụt. Việc xây dựng cầu phao mới để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh là cần thiết.

Dưới sự giám sát của Sở GTVT, từ tháng 4/2019, người dân thôn 4 đã đứng lên thuê thiết kế, đóng mới cầu phao, chi phí 680 triệu đồng. Cầu được thiết kế gồm 3 phao, 2 cầu dẫn và 2 cầu nối. Tổng kích thước cầu: dài 14 mét, rộng 4 mét, cao 1 mét (cầu cũ rộng hơn 1 mét – được hoán cải từ thuyền bê tông). Sản phẩm do một doanh nghiệp tại tỉnh Nam Định đảm nhận, đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam chứng nhận thẩm định thiết kế vào tháng 6/2019.

Cây cầu mới chính thức được bắc qua sông từ tháng 8/2019 đến nay, nằm sát cây cầu cũ. Nhưng cho tới nay, kiến nghị tỉnh Ninh Bình giải phóng 2 mấu cầu cũ cũng như chấp thuận để người dân chính thức sử dụng cầu mới chưa được giải quyết.

Sẽ đẩy nhanh tiến độ

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Bích, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Hòa cho biết, cầu phao bắc qua sông Hoàng Long có ý nghĩa quan trọng về dân sinh, kinh tế xã hội. Bên kia sông là cánh đồng lúa rộng gần 100ha, cũng là kế sinh nhai của cả trăm hộ dân nơi đây.

Người dân vui mừng vì được đi trên cây cầu mới. 

Người dân vui mừng vì được đi trên cây cầu mới. 

Thời điểm cây cầu cũ đi vào hoạt động, ông Bích khẳng định, xã không hề cho phép hộ dân này đứng ra thu phí của người dân. Mọi chi phí, HTX NN xã đứng ra hỗ trợ. Tuy nhiên, sau đó, hộ này đứng ra thu tiền, tính lượt xe máy, gây nhiều bức xức ở địa phương. Việc này là do sự tự thỏa thuận của người dân, chính quyền xã không cấp phép.

Cũng theo ông Bích, thời điểm này, UBND huyện Nho Quan đã quyết định đầu tư xây dựng và giải phóng mặt bằng theo công trình cầu phao mới. Tổng mức đầu tư cho dự án là 1,8 tỷ đồng. Ban quản lý dự án huyện đang lựa chọn nhà thầu để tổ chức thực hiện. Về mặt pháp lý, cầu phao do người dân tự bắc qua sông nhưng chưa được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép.

Ông Bích khẳng định, quan điểm của chính quyền là đầu tư, hoàn thiện dự án dựa trên cầu phao mới của người dân. Nếu như từ vị trí, kỹ thuật đều đảm bảo, cây cầu mới sẽ được bổ sung xây dựng các hạng mục phụ trợ như còi đèn, biển báo. Sau đó, huyện sẽ giao cho xã quản lý như một công trình Nhà nước đầu tư thông thường. Số tiền người dân đóng góp cũng sẽ được trả lại theo quy định.

Người dân mong mỏi từng ngày cầu mới được cấp phép, hoàn thiện phụ trợ để sử dụng. 

Người dân mong mỏi từng ngày cầu mới được cấp phép, hoàn thiện phụ trợ để sử dụng. 

Chiều 10/2, trao đổi với PV, bà Bùi Bích Thu, Chánh văn phòng UBND huyện Nho Quan xác nhận sự việc kể trên. Bà Thu cho biết, lãnh đạo huyện rất thấu hiểu sự bức xúc của người dân. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ dự án, các trình tự cũng cần theo các bước, tuân thủ quy định của pháp luật.

Hiện nay, địa phương đã giao cho Ban quản lý dự án huyện chủ trì thực hiện toàn bộ dự án. Huyện Nho Quan cam kết, sẽ lắng nghe nguyện vọng của người dân, đẩy nhanh tiến độ dự án. Theo kế hoạch, dự án cầu phao thôn 4 sẽ hoàn thành cuối tháng 5/2020 – trước khi lũ tiểu mãn xuất hiện trên sông Hoàng Long.

Để làm cây cầu mới, người dân tự nguyện đóng góp 700 nghìn đồng/khẩu. Tới nay, tổng số tiền người dân thôn 4 đầu tư làm cầu phao mới khoảng 980 triệu đồng.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.