Nước mắt cựu binh
Đứng bên ngôi nhà được Nhà nước hỗ trợ xây cho người nghèo ở khu kinh tế mới Đồng Đò, Sóc Sơn (Hà Nội), ông Nguyễn Đình Trang bần thần nhìn về móng nhà dang dở, bị thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn xuống chụp ảnh, yêu cầu dừng thi công. “Tôi thuộc diện hộ nghèo, con trai cũng thuộc diện đó. Nay vay mượn tích cóp được chút ít, xây nhà cho cháu ra ở riêng thì bị đình chỉ”, ông Trang kể.
Cựu binh Nguyễn Đình Trang bên căn nhà dột nát |
Người cựu binh mất chân trái ở chiến trường Lào Cai năm 1979, nói ông “không thể hiểu tại sao” mảnh đất được hai ông bà khai hoang từ năm 1985 đến nay lại không được phép xây nhà. Con trai ông Trang sinh ra đã không có bàn tay phải. Người cha phỏng đoán con mình bị dị tật do những năm chiến tranh, ông nhiễm chất độc hóa học. “Đoán thế thôi chứ cũng chẳng có tiền đi khám. Mà có khám chữa cũng không làm con tôi mọc bàn tay ra được”, ông Trang nói, mắt đỏ hoe.
Đứng tựa bên căn nhà đã nứt toác nhiều chỗ, con dâu ông Trang, bụng lùm lùm đứa thứ hai, lặng lẽ không nói gì, cúi xuống bế con trai lên. May mắn, đứa cháu đích tôn của ông Trang sinh ra không bị dị tật.
Cách nhà ông Trang khoảng 2km, gia đình ông Nguyễn Quang Trì, tụ tập bên căn nhà xây dang dở, bàn tán về văn bản yêu cầu đình chỉ xây dựng của thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn. Ông Trì kể, năm 1985, khi khoảng 100 hộ dân đi khai hoang ở Đồng Đò theo chủ trương của Nhà nước, mỗi hộ được cấp 18 kg/khẩu với lao động chính, lao động phụ được 15kg mỗi tháng. Trợ cấp như thế chỉ được nửa năm, nhiều nhà bí quá bán cả 600 viên ngói hỗ trợ dựng nhà để kiếm bữa qua ngày. Dần dà, rừng mọc lên sau bao công sức của người trồng, dân Đồng Đò bắt đầu không lo đói, dù nhiều nhà vẫn vách đất, lợp cỏ.
Ngoài gia đình ông Trang, ông Trì, hàng chục hộ dân khác của thôn Minh Tân vẫn không thể xây mới, sửa chữa nhà cửa, cho dù mảnh đất này có công khai phá của họ hơn 1/3 thế kỷ.
Thanh tra Hà Nội nói gì?
Trong văn bản trả lời Báo NNVN, Thanh tra TP Hà Nội cho biết: “Giai đoạn năm 1998 - 2008, việc lập, triển khai thực hiện Quy hoạch rừng năm 1998 còn nhiều bất cập: Khi lập quy hoạch rừng đã đưa các diện tích đất ở đã có trong bản đồ địa chính từ năm 1993, 1994 vào quy hoạch đất rừng; Các đơn vị chưa cắm mốc các lô, khoảnh, ranh giới rừng và đất lâm nghiệp; các xã không được bàn giao Bản đồ quy hoạch rừng tỷ lệ 1/500”. Thanh tra TP Hà Nội cũng dẫn các quyết định thanh tra trước đó, khẳng định có 955,75ha đất ở bị trùng lấn vào quy hoạch rừng năm 1998 (của 9 xã, trong đó có thôn Minh Tân, xã Minh Trí).
Một góc căn nhà dột nát của ông Trang, đến nay đã không thể ở tiếp |
Cơ quan thanh tra cho biết UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 1308/UBND-ĐT chỉ đạo xử lý, thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 10 xã và thị trấn Sóc Sơn. Trong đó giao Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn: Phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở NN-PTNT, Sở TN-MT, kiểm tra, rà soát việc chồng lấn quy hoạch đất rừng phòng hộ với đất ở của các hộ dân, đề xuất phương án xử lý, khắc phục hậu quả.
Điều này phù hợp với các phản ánh của Báo NNVN từ năm 2018. Ông Nguyễn Bá Chiêm, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng huyện Sóc Sơn, cho biết: “Tháng 11/2015, TP Hà Nội ra quyết định điều chỉnh rừng phòng hộ Sóc Sơn, xác định được 974ha rừng “trùm” lên khu dân cư. Sau khi xác định giấy tờ gốc, đo đạc, thì hiện còn xã Minh Trí với 158ha đất gặp tình trạng này”. Ông Chiêm nói từ năm 1999 đến nay, đơn vị này đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm phân tách diện tích đất rừng và diện tích đất ở, ao vườn liền kề cho dân, song chưa nhận được kết quả cụ thể.
Ông Nguyễn Thái Giang, cựu Bí thư xã Minh Trí từ thời đơn vị hành chính này mới thành lập, nói: “Hồi ấy lãnh đạo huyện nói với chúng tôi là mỗi hộ được 3 sào đất ở, còn khai hoang được bao nhiêu cứ làm, trồng càng nhiều rừng càng tốt”.
Ông Giang nói bản thân rất bức xúc khi chính quyền huyện Sóc Sơn cho rằng các hoạt động xây dựng nhà cửa của dân thôn Minh Tân là “vi phạm quy hoạch rừng phòng hộ”.
Ông Nguyễn Đình Cường, Trưởng thôn Minh Tân, sống tại đây từ năm 1985, cho biết sau loạt bài của Báo NNVN năm ngoái, Sở TN-MT Hà Nội đã cho cán bộ xuống đo đạc lại bản đồ và nhận được sự đồng thuận của cư dân địa phương. Tuy nhiên, kết quả đo đạc này lại không được Thanh tra TP Hà Nội và chính quyền huyện Sóc Sơn nhắc tới. |
Ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch xã Minh Trí, cho biết hồi năm 2016, khi xác nhận nguồn gốc đất đến từng hộ, phục vụ công tác GPMB cho dự án cải tạo, nâng cấp đường Bắc Sơn - Minh Trí, xã đã tổ chức hội nghị tham vấn các phòng, ban của huyện (Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tư pháp, Thanh tra Nhà nước huyện Sóc Sơn), cùng các hộ dân. Hội nghị thống nhất ý kiến xác định các hộ thuộc thôn Minh Tân có đất ở ổn định, có ao, vườn liền kề từ trước Quy hoạch rừng năm 2008. |
PV báo NNVN đã nhiều lần liên hệ với chính quyền huyện Sóc Sơn để làm rõ thắc mắc của người dân và các cơ quan liên quan, song chưa nhận được hồi âm. Khi đề cập việc thôn Minh Tân, chúng tôi luôn nhận được câu trả lời: “Lãnh đạo huyện bận, chưa tiếp được”. |