Trong gần 10 năm chăn nuôi lợn, gia đình ông Trần Văn Huấn, xóm 8, xã Liên Sơn, Gia Viễn (Ninh Bình) không ít lần “như ngồi trên đống lửa” khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, trong khi giá bán phập phù, dịch tả lợn châu Phi luôn rình rập...
Sự bất an đó đã đưa vợ chồng ông đến một quyết định khiến ai cũng bất ngờ là chuyển hướng nuôi dê nhốt chuồng.
Ông Huấn chia sẻ, gia đình ông chưa từng nuôi dê nhưng thông qua các lớp tập huấn, tìm hiểu thông tin trên internet, cộng với việc quan sát thực tế tại địa phương, nhận thấy so với lợn dê có sức đề kháng tốt, có thể tận dụng được nguồn thức ăn thô xanh dồi dào tại địa phương, trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng tăng. Năm 2022, ông đầu tư mua 200 dê bố mẹ về nuôi để nhân giống, hiện tại số lượng dê đã tăng lên 400 con.
Theo ông Huấn, nuôi dê nhốt chuồng giúp giải quyết cùng lúc được nhiều vấn đề như diện tích chăn thả ngày càng thu hẹp, thuận lợi quản lý toàn bộ quá trình nuôi từ con giống, thức ăn, đến phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường (dễ dàng thu gom phân, chất thải của dê). Tuy nhiên, để nuôi dê nhốt chuồng thành công, các thành tố trong quá trình nuôi phải được kiểm soát chặt chẽ.
Về chuồng nuôi, gia đình đầu tư xây dựng 2 chuồng tách biệt với diện tích 1.000m2, thiết kế cách xa mặt đất, đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Nền chuồng có khe hở phù hợp để dễ dàng dọn dẹp, vệ sinh nhưng không gây bất tiện cho dê sinh hoạt. Hệ thống máng thức ăn, nước uống được thiết kế tách biệt.
Về thức ăn, gia đình cho dê ăn kết hợp giữa thức ăn thô xanh và cám với tỷ lệ 80-20, vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo thịt dê luôn săn chắc, thơm ngon.
Để có được nguồn cung thức ăn xanh, ông đầu tư phát triển 2ha trồng cỏ, tận dụng các loại lá cây sẵn có như ổi, mít, xoan... Bên cạnh đó, tận dụng các phụ phẩm như bã bia, bã đậu phụ, vỏ dứa ngâm ủ làm thức ăn bổ sung cho dê.
Về phòng trị bệnh, dê là loài nhạy cảm nên khi mắc bệnh tỷ lệ hao hụt đầu con rất cao. Do đó, gia đình định kỳ tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo đúng khuyến cáo của cán bộ thú y. Đối với bệnh chướng bụng đầy hơi, sử dụng tỏi giã nát trộn với cám cho dê ăn hoặc ngâm với rượu xoa bụng cho những con có hiện tượng.
Nhờ tuân thủ kỹ thuật nuôi nên đàn dê của gia đình ông Huấn sinh trưởng và phát triển rất thuận lợi. Hiện có 200 dê (mỗi con trọng lượng từ 35-40kg) đủ tiêu chuẩn xuất bán, với giá dê hơi dao động khoảng 120.000-130.000 đồng/kg (dê bán theo đàn 20 con trở lên), 140.000- 150.000 đồng/kg (bán lẻ). Ngoài bán dê thịt, ông còn cung cấp giống và chia sẻ kinh nghiệm nuôi cho các hộ có nhu cầu trong vùng.
“Trước đây
nuôi lợn, ngày nào cũng trong trạng thái bất an, chẳng dám đi đâu vì sợ mang mầm bệnh về nhà, sơ sẩy là trắng tay ngay. Từ khi nuôi dê an tâm kê cao gối ngủ, vì việc quản lý, phòng chống dịch bệnh không quá vất vả. Từ giờ tới Tết mà bán hết số dê thương phẩm thì sang năm sẽ tiếp tục tăng đàn để gia tăng nguồn thu”, ông Huấn cho hay.
Ông Huấn cũng trăn trở, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các hộ nuôi dê nhốt chuồng là diện tích để dựng chuồng trại và tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi để có chi phí đầu tư ban đầu. Bởi lẽ, nếu không đầu tư xây dựng chuồng trại khang trang, mua sắm thiết bị, con giống chất lượng, thức ăn đảm bảo dinh dưỡng thì chắc chắn nuôi dê nhốt chuồng sẽ thất bại, trong khi không phải hộ nào cũng có đủ nguồn lực để đầu tư.