Xin san gạt, hạ cốt nền để khai thác đất
Theo phản ánh của người dân, tại khu Né thuộc xã Yên Lãng (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), gần đây liên tục các xe lớn nhỏ ra vào với tần suất lớn để lấy đất đem bán cho các công trình, doanh nghiệp trên địa bàn. Các xe này không được che chắn, bụi bẩn vương vãi đầy đường, ảnh hưởng cuộc sống của họ. Trong khi đó, khu vực này là rừng sản xuất bỗng dưng biến thành nơi khai thác khoáng sản?
Ghi nhận tại hiện trường, hoạt động khai thác đất tại khu Né diễn ra rầm rộ. Máy xúc gầm rú, làm việc liên tục để kịp múc cho những xe tải trọng lớn vào “ăn đất” và chở đi. Hoạt động khai thác sôi động song khu vực này không có bất kỳ biển báo nào cũng như sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.
Theo tìm hiểu của PV, UBND huyện Thanh Sơn ngày 3/2/2021 có văn bản số 152/UBND-TNMT chấp thuận phương án cải tạo đất, trồng cây lâm nghiệp giá trị cao tại khu Né của ông Phùng Mạnh Chín… để trồng keo với diện tích 9.765m2.
Theo đó, văn bản nêu khu vực này đất dốc, khó canh tác, cần hạ thấp độ cao, san gạt mặt bằng. Cụ thể, mức sâu độ cao thi công khu vực múc đất, hạ cốt nền cao trung bình 10m, khu vực đổ đất, san lấp mặt bằng tại chỗ sâu trung bình 9,4m.
Với việc chấp thuận trên, khối lượng đất đào, san gạt tại đây lên tới 39.077m3, trong đó san gạt tại chỗ là 30.014m3, đất dư thừa 9.063m2 dùng đắp nền các công trình hợp pháp theo quy định. Thời gian cải tạo đất rừng sản xuất kéo dài 5 tháng tới 31/7/2021.
Sau khi có văn bản chấp thuận của UBND huyện Thanh Sơn trong tay, ông Phùng Mạnh Chín lập tức ký hợp đồng thuê Công ty Cổ phần phát triển Nhật Minh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do ông Nguyễn Đắc Nhật Minh làm giám đốc thực hiện cải tạo, múc đất chỗ cao lấp hủm cho bằng phẳng.
Thế nhưng thực chất của việc làm này là để hợp thức hoá việc bố trí máy móc, phương tiện cào móc đất rồi mang chở đi bán. Và văn bản 152 của UBND huyện Thanh Sơn như lá bùa hộ mệnh để trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của người dân.
Xã, huyện đều không biết?
Cũng theo tìm hiểu của PV, mặc dù thuê Công ty Cổ phần phát triển Nhật Minh san gạt, hạ cốt nền nhưng mỏ đất này đã được một người khác đứng ra nhận.
Qua trao đổi, người đàn ông tên Thiều này cho biết, đã bán được khoảng 1.000 tấn đất sét từ mỏ này cho một doanh nghiệp lớn trên địa bàn làm gạch men. Tuy nhiên, hiện nay nhà máy này đang dừng mua vì bị vàng quá, hàm lượng không đủ, nung và co chưa đạt...
Có thể thấy rằng, lợi dụng việc san gạt, hạ cốt nền, một số đối tượng ngang nhiên khai thác tài nguyên đất mang đi tiêu thụ trục lợi, gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước.
Liên quan vấn đề trên, ông Nguyễn Hữu Tám – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Sơn cho biết, huyện có văn bản chấp thuận khi người dân xin hạ cốt nền theo quy định, trong đó có cho phép sử dụng đất thừa đắp nền các công trình và phải nộp thuế cho nhà nước.
“Tuy nhiên, khi người dân tiến hành hạ cốt nền để trồng cây phát triển sản xuất, nắm bắt được thông tin liên quan khoáng sản, huyện đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu và gửi phân tích ở Hà Nội. Huyện đã ra quyết định đình chỉ việc hạ cốt nền và khi có kết quả phân tích UBND huyện xem xét xử lý theo quy định pháp luật. UBND huyện cũng rà soát toàn bộ các hộ xin hạ cốt có dấu hiệu lợi dụng san hạ cốt nền để khai thác trái phép”, ông Tám nói.
Cũng theo người dân, tại khu Né cũng từng xảy ra khai thác khoáng sản trộm. Thế nhưng, ông Tám lại cho rằng, trước đó người dân đào trộm để trồng cây sau đó bị phát hiện thì mới xin cấp phép.
Quan sát tại đây, diện tích rất lớn đất đồi, rừng sản xuất đã bị hủy hoại nghiêm trọng bởi tất cả đang bị đào xới tạo thành mảng tường cao hàng chục mét. Việc xin cải tạo đất trồng cây lâm nghiệp giá trị cao chỉ để “hợp thức hoá” việc máy móc vào khai thác đất sét. Bởi xung quanh khu vực này rừng của các hộ dân khác vẫn xanh tốt.
Việc làm gian dối trên gây bức xúc trong quần chúng nhân dân từ lâu, thế nhưng không hiểu vì sao huyện rồi ngay cả xã được giao trực tiếp giám sát việc hạ cốt nền đều không hay biết?