| Hotline: 0983.970.780

Ông giáo làng tài hoa

Thứ Năm 12/04/2012 , 10:15 (GMT+7)

Có dịp đến Võ Liệt (Thanh Chương, Nghệ An), chúng tôi may mắn đã được gặp thầy giáo tài hoa Nguyễn Thanh Phúc (63 tuổi)...

Có dịp đến Võ Liệt (Thanh Chương, Nghệ An), chúng tôi may mắn đã được gặp thầy giáo về hưu Nguyễn Thanh Phúc (63 tuổi), và được thầy giới thiệu “kho báu” của mình. Đó là bộ sưu tập dàn nhạc cụ dân tộc, tựa như một viện bảo tàng thu nhỏ.

Dạy thể dục nhưng mê nhạc

Thầy Phúc nguyên là giáo viên Trường THCS Tôn Quang Phiệt, đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Dù là giáo viên bộ môn thể dục thế nhưng thầy lại rất máu mê với nghệ thuật.

Dẫn chúng tôi vào tham quan kho nhạc cụ của mình, thầy Nguyễn Thanh Phúc hào hứng giới thiệu tỉ mỉ từng loại nhạc cụ một. Căn nhà 2 gian trở nên chật chội với hàng chục loại nhạc cụ dân tộc như đàn đá, đàn bát, đàn thuyền (dân tộc Chăm), đàn Tơ-rưng, đàn bầu, nhị, khánh đá; các loại sáo trúc, tiêu, kèn, khèn, tiêu Nhật, sáo Mẹo, sáo bầu, tù và, đàn môi,… Hơn 30 loại nhạc cụ rất quý giá được thầy Phúc cất công sưu tầm hoặc tự tay chế tác.

Chỉ tay vào một loại nhạc cụ khá lạ mắt đang làm dở, thầy Nguyễn Thanh Phúc cho biết: “Đây là mô hình đàn nón Việt Nam, rất quý và hiếm. Đàn nón được làm từ ụ cây, tôi đã phải lên tận rừng núi trên Tương Dương để tìm kiếm mang về. Đàn nón có thể chơi theo 3 tư thế: đứng, ngồi hoặc nằm ngửa. Khi chơi có thể dùng móng gảy như đàn thập lục, hoặc vừa kết hợp cả thanh như chơi đàn tam thập lục”.

Có vẻ như thấy chúng tôi quá tò mò và hứng thú, thầy Phúc sẵn sàng "biểu diễn" một số loại nhạc cụ theo như chúng tôi yêu cầu. Đầu tiên, thầy kéo dàn đàn đá ra giữa nhà và biểu diễn những làn điệu truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên. Tiếng nhạc vang thánh thót khi xa khi bổng rất lôi cuốn khiến ai nấy đều ngạc nhiên về sự thuần thục và điêu luyện của thầy. “Mình chỉ tự học thôi, nhạc cụ nào cũng thế cả. Nhưng có cái lạ là cứ chơi được nhạc cụ nào rồi thì sau đó rất dễ để học những loại khác”.  

Thầy Phúc biểu diễn một số loại nhạc cụ dân tộc ngay trong nhà mình

Dù chỉ mày mò tự học, nhưng hiện nay hầu như thầy Nguyễn Thanh Phúc đều có thể chơi thành thạo tất cả các nhạc cụ dân tộc trong bộ sưu tập của mình. Nhiều người gặp thầy đều thán phục cho sự đam mê, chất “dị” cũng như tài năng của người đàn ông này. Riêng vợ thầy - người luôn tự tay chuẩn bị mắm muối cho chồng để đi “săn” nhạc cụ - thì thở dài: "Nhiều người trong xóm lúc đầu cứ cho rằng ông ấy bị hâm vì cứ chơi những loại nhạc như nhạc đám ma. Sau ông ấy bảo đó là nhạc cụ dân tộc thì họ lại kéo đến xem ông biểu diễn".

Chạnh lòng vì nhạc cụ dân tộc bị lơ là

Để thỏa mãn đam mê của mình, thầy Phúc đã nhiều lần cất công lặn lội đi khắp nơi để sưu tầm nhạc cụ. Ông kể: Nhớ nhất là lần đi tìm đàn môi. Năm 2005, tôi có dịp lên miền núi Tương Dương, Quế Phong (Nghệ An) trong đợt tập huấn cải cách giáo dục. Lần đó, tôi quyết tâm bằng mọi giá phải vào sâu trong các bản người Thái để tìm đàn môi. Buổi trưa, tôi được một trò cũ đưa xuống thuyền gỗ ở bến thượng lưu thủy điện Bản Vẽ để chạy vào bản Pủng (Tương Dương) vì biết ở đó sắp có đại hội văn nghệ của bản trước khi di dân xuống Thanh Chương. Ai ngờ nước sông lên rất nhanh do mưa lớn từ thượng nguồn đổ về, thầy trò không làm cách nào để vào bản. Nhưng muốn về lại bến thượng lưu cũng không được vì trời đã xế chiều và chủ thuyền không chạy. Đợi hơn 30 phút thì may có chủ tịch xã bố trí cho một chiếc thuyền máy đặc biệt ra chở về xuôi. Đến gần 3h sáng mới đến được bến thượng lưu, người ướt sũng vì nước lũ quá to. Ai nấy đều hú hồn.

Thất bại trong chuyến đi đó khiến kế hoạch tìm đàn môi bị phá sản. Nhưng một lần tình cờ thấy nghệ sỹ đàn môi Đức Minh biểu diễn trên truyền hình, thầy Phúc lại sốt ruột bảo vợ: “Anh phải đi tìm bằng được cây đàn môi”. Nói xong nhờ vợ đi vay hàng xóm được 135 ngàn rồi cầm thêm mấy cái bánh ngọt ra ngay QL 46 bắt xe đi Hà Nội trong đêm. Lần này, sau khi cất công dò hỏi, ông tìm đến phố Hàng Mành, vào hỏi cửa hàng bán nhạc cụ dân tộc Thái Khuê. Và chiếc đàn môi được tìm thấy ở đây. Quá sức mừng rỡ, thầy Phúc mua ngay chiếc đàn rồi quên cả ăn trưa, đi bộ đến bến xe bắt xe về Nghệ An. Tới nhà, vợ thầy ngán ngẩm khi mở ra thấy 3 chiếc bánh ngọt gói theo vẫn còn nguyên!

Rất nhiều chuyến “săn lùng” nhạc cụ thầy Phúc kể mãi không hết, như những chuyến vào Tây Nguyên tìm đàn Tơ - rưng, rồi lên tận cửa khẩu Nậm Cắn học cách làm sáo Mẹo… “Giờ mình cũng già rồi, nhiều khi thích đấy nhưng cũng không có sức nữa mà đi", thầy Nguyễn Thanh Phúc chép miệng.

Thầy Phúc còn có một tài lẻ nữa là làm ảo thuật. Dù chỉ tự học nhưng ông đã có thể thực hiện các tiết mục giấy biến thành tiền, bút xé đô la, bút đâm xuyên giấy bạc thủng rồi lại lành, cho đồng xu vào chai bia, tiết mục lá bài biến hóa, không cánh mà bay. Đặc biệt là những tiết mục khó như “Lục thập xuyên thủ” (16 kiếm xuyên đầu) hay tiết mục “Cắt đầu bỏ dĩa”… Ông đã tham gia biểu diễn trong nhiều đại hội văn nghệ ở Nghệ An.

Có những nhạc cụ thì phải đi “săn”, nhưng cũng có nhiều loại thầy phải mất nhiều thời gian để chế tác. Làm đàn đá, khánh đá thì phải tuyển đá, rồi đẽo, gọt, mài nhẵn, khoan,…làm đàn nón thì phải cất công đi rừng tìm cho bằng được cái ụ cây. Trong nhà thầy lổn nhổn các đồ đạc, dụng cụ để chế tác như dao, cưa, khoan tay, khoan máy, búa, đe,… cứ như một công xưởng thu nhỏ.

Cứ có dịp hội hè, đại hội văn nghệ là xã lại mời thầy Phúc đi biểu diễn nhạc cụ. Mỗi năm vài lần đưa nhạc cụ ra rồi lại cất vào. Nhiều cái để lâu như sáo bầu, nhị hồ treo trên tường đã lấm nhiều bụi. Hỏi đến chuyện truyền nghề, thầy Phúc thở dài: “Mình đam mê thì mình làm rứa thôi, có phải ai cũng thích như thế này đâu. Mà riêng với những nhạc cụ cổ truyền này, không đam mê, không yêu thì không thể chơi được chứ đừng nói đến chuyện tìm kiếm hay chế tác”.

Bất giác, thầy Phúc nhìn chúng tôi nói: “Đống nhạc cụ này là tài sản quý nhất của đời tôi. Nhưng tôi thì đã già, con cái làm ăn định cư nơi xa cả, chưa biết chừng đến khi tôi mất, những thứ này cũng bị vứt đi”.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất