| Hotline: 0983.970.780

Phấn đấu đến tháng 8/2021 có thể khống chế dịch bệnh

Thứ Sáu 02/07/2021 , 17:38 (GMT+7)

TP.HCM Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị TP.HCM tập trung cao độ và thực hiện tốt, đồng đều các biện pháp, phấn đấu tháng 8/2021 có thể khống chế được dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Ảnh: TTBC.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Ảnh: TTBC.

Đảm bảo chuỗi cung ứng đầy đủ

Ngày 2/7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến, với sự tham dự của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, cuộc chiến với dịch bệnh vẫn còn rất khó khăn, đòi hỏi sự tập trung cao độ và nỗ lực lớn nhất của toàn hệ thống chính trị, của chính quyền và người dân TP.HCM cùng với việc thực hiện tốt, đồng đều các biện pháp.

"Phấn đấu, quyết tâm đến cuối tháng 7/2021, dịch bệnh giảm rõ, giảm sâu và đến tháng 8/2021 có thể khống chế dịch bệnh", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị TP.HCM rà soát lại các Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch của tất cả các lĩnh vực, khu vực, địa điểm để cập nhật và triển khai hiệu quả trong tình hình mới.

"Công tác xét nghiệm tầm soát và tiêm vacxin diện rộng cần tổ chức chặt chẽ, cụ thể, tránh để tràn lan, tự phát, tập trung đông người.

Tổ chức điều chỉnh, phân phối hàng hóa đảm bảo chuỗi cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong thời gian tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý.

Bệnh viện dã chiến cơ sở 1 đưa vào hoạt động khuya 26/6 đặt tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (ĐH Quốc Gia TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bệnh viện dã chiến cơ sở 1 đưa vào hoạt động khuya 26/6 đặt tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh (ĐH Quốc Gia TP.HCM). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đợt cao điểm kiểm soát dịch bệnh từ 29/6 đến 10/7

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đợt dịch lần thứ tư này nguy hiểm, phức tạp và khó dự đoán hơn các lần trước. Có thời điểm TP.HCM ghi nhận trên 500 ca nhiễm/ngày.

Phân tích các ca nhiễm từ ngày 19/6 đến 30/6 (thời điểm áp dụng Chỉ thị 10 của UBND TP), số ca nhiễm tầm soát, phát hiện trong cộng đồng bình quân 65 ca/ngày; số ca nhiễm sàng lọc tại các bệnh viện bình quân 35 ca/ngày.

Điều đó cho thấy, các biện pháp đang triển khai từng bước phát hiện được các ca nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng. Đồng thời, phản ánh được sự phức tạp của diễn biến dịch bệnh khi biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vacxin. "Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát và tốc độ lây lan của biến thể này mạnh mẽ và số ca nhiễm có khả năng vẫn còn tăng trong những ngày tới", Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Do đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu, các sở ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức tập trung triển khai 9 nhóm giải pháp trong đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch bệnh từ 29/6 đến 10/7.

Các địa phương chủ động đưa ra các phương án, giải pháp phù hợp tình hình địa phương, theo phương châm “5 tại chỗ”. Phân các nhóm nguy cơ thành "Nhóm nguy cơ rất cao – Nhóm nguy cơ cao – Nhóm nguy cơ" đến từng phường xã, khu phố để tăng cường lực lượng đến các điểm nóng, nhanh chóng kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Đồng thời, thực hiện giãn cách triệt để trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, điều phối để người dân đến lấy mẫu trong những khung giờ nhất định và sẵn sàng phương án trong tình huống có F0, cân đối số lượng xét nghiệm phù hợp với năng lực tại địa phương.

Ông Nguyễn Thành Phong biểu dương huyện Hóc Môn và quận Bình Tân vừa qua đã tổ chức Trung tâm phân tích dữ liệu và hàng ngày tiếp nhận thông tin từ các phường, xã, thị trấn. "Đây là mô hình hay, hiệu quả, các quận – huyện cần học tập", ông Phong nói.

Người dân tại các tòa nhà của Landmark (TP.HCM) được hẹn lịch theo từng khung giờ, thực hiện giãn cách khi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người dân tại các tòa nhà của Landmark (TP.HCM) được hẹn lịch theo từng khung giờ, thực hiện giãn cách khi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu các quận huyện đẩy nhanh việc sử dụng test nhanh để phục vụ hiệu quả cho phòng chống dịch, truy vết nhanh.

Về các khu cách ly tập trung, ông Phong yêu cầu rà soát, tổ chức lại các khu cách ly theo đúng quy định về tiêu chuẩn an toàn của Bộ Y tế, không tổ chức cách ly tại các trường học. Mỗi khu cách ly phải đảm bảo điều kiện vệ sinh, có camera giám sát…

"Khuyến khích sử dụng các nhà khách, khách sạn, nhà tái định cư chưa sử dụng trên địa bàn làm địa điểm cách ly. Đồng thời, nghiên cứu kỹ hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly tại nhà/nơi cư trú", ông Phong cho hay.

Ông Phong cũng cho biết, TP.HCM thành lập Ban quản lý các khu cách ly tập trung gồm các lực lượng  Bộ Tư lệnh, công an, y tế, tài nguyên và môi trường, thông tin và truyền thông, an toàn vệ sinh thực phẩm cùng phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý các vấn đề liên quan đến khu cách ly trên địa bàn. 

Đối với các Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, ông Phong lưu ý, cần vận động doanh nghiệp thực hiện vừa sản xuất vừa cách ly.

Hiện số bệnh nhân Covid-19 điều trị tăng rất nhanh, TP.HCM đã chuẩn bị phương án 10.000 giường điều trị.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.