| Hotline: 0983.970.780

Phân lô bán nền trái phép ở TP.Pleiku, chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT

Thứ Năm 24/01/2019 , 13:50 (GMT+7)

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã thống nhất chuyển hồ sơ các sai phạm về tình trạng quy hoạch “ảo”, phân lô trái phép để bán nền tràn lan, phá nát quy hoạch TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai sang cơ quan CSĐT. Đồng thời, xử lý kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền một loạt cán bộ liên quan.

Sai phạm nghiêm trọng

Thông tin từ ông Nguyễn Duy Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Gia Lai cho biết: “Quá trình họp bàn, UBKT Tỉnh ủy nhận thấy nhiều vấn đề (phân lô, bán nền trái phép) cần phải làm rõ hơn. Từ đó, đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Đảng ủy Công an giao cho Cơ quan cảnh sát để điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số tập thể, cá nhân liên quan. Làm tới đâu, kết luận đến đó”. Tuy nhiên, ông Khánh nhấn mạnh, bên cạnh việc Cơ quan CSĐT vào cuộc thì việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm của các cán bộ của UBKT Tỉnh ủy Gia Lai là việc làm bình thường.

11-10-31_nh_1
“Suối” Yên Đỗ (P.Yên Đỗ, TP.Pleiku) đã bị xóa sổ

Theo Kết luận số 2405/KL-UBND của UBND tỉnh Gia Lai về việc “san lấp, phân lô, tách thửa, bán nền, xây dựng công trình, nhà ở không đúng quy định trên địa bàn TP.Pleiku” do Chủ tịch tỉnh Võ Ngọc Thành ký, nêu rõ: “Đã có 1.523 thửa đất tách không đúng quy định để phân lô, bán nền với 21 vị trí tại 10 phường, xã trên diện tích với 33ha. Vụ việc đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quy hoạch chung của tỉnh cũng như của TP.Pleiku. Các cá nhân, tổ chức mua 1ha đất nông nghiệp chỉ có giá 1-2 tỉ đồng/ha, sau đó với sự tiếp tay của lãnh đạo TP.Pleiku và Sở TN-MT tỉnh Gia Lai, cùng với việc Phó Chủ tịch tỉnh Kpă Thuyên ký 3 Quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất trái luật, đã tạo thành các “khu dân cư ảo”, từ đó các cá nhân được cấp giấy CNQSD đất, đã mở đường trái phép, kéo trụ điện, phân lô bán nền với giá gấp 7-10 lần. Hậu quả băm nát thành phố, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch đô thị TP.Pleiku đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050”. 

Trong Kết luận số 2405/KL-UBND nêu rõ: “Ngày 29/6/2017, ông Nguyễn Bá Trường (thời điểm xảy ra sai phạm là Trưởng phòng TN-MT TP.Pleiku - PV) là người tham mưu, sau đó ký tờ trình số 2004/TT-TNMT, đề nghị thu hồi đất lên UBND TP.Pleiku. Ông Nguyễn Kim Đại, Phó Chủ tịch TP.Pleiku là người ký duyệt các đề nghị này. Sau đó, ông Trường tiếp tục đề nghị TP cho tiến hành “quy hoạch”, làm đường giao thông trái phép trong các “khu dân cư ảo” trên các diện tích đất vừa được phê duyệt thu hồi”.

Đáng nói, một trong số những người hưởng lợi từ các quyết định thu hồi đất này là ông Hoa Văn Lan, bố vợ ông Trường, người đã nhận chuyển nhượng 10.9617m2 đất nông nghiệp tại tổ 14 (P.Yên Thế, TP.Pleiku) của 4 cá nhân. Sau khi có quyết định thu hồi và chuyển đổi, ông Lan tiến hành làm đường bê-tông xi măng trong các khu đất do ông làm chủ vừa được chuyển đổi. Đồng thời làm thủ tục xin tách thửa, và được Văn phòng ĐKĐĐ TP.Pleiku đo vẽ, lập trích lục cho tách thành 54 thửa, mỗi thửa có chiều ngang 5m, diện tích mỗi nền khoảng 120m2, sau đó được cấp giấy CNQSD đất. Từ đây, ông Lan rao bán nền đất ở với giá cao hơn đất nông nghiệp từ 7-10 lần.

Ngoài bố vợ được hưởng lợi từ việc thu hồi đất nông nghiệp trái phép, một loạt cá nhân khác cũng thu lời bất chính tiền tỷ khác như bà Mai Thị Tuyết Nga (Chủ dịch vụ tư vấn nhà đất Mai Nga, tổ 5, phường Trà Bá, TP.Pleiku), bà Lê Thị Kim Nhân (trú tổ 3, phường Chi Lăng, TP.Pleiku), ông Mai Tấn Lực (trú tổ 2, phường Trà Bá, TP.Pleiku)…
 

Nhiều cơ quan, cán bộ liên quan

Sau khi có kết luận của UBND tỉnh và báo chí vào cuộc, hiện UBKT Tỉnh ủy Gia Lai đang tiến hành kiểm tra trách nhiệm và các sai phạm đối với Đảng ủy Sở TN-MT tỉnh Gia Lai và Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy TP.Pleiku cùng các lãnh đạo chủ chốt của 2 cơ quan này gồm các ông: Phạm Duy Du, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở TN-MT; ông Huỳnh Minh Sở, Ủy viên BTV Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở; ông Trần Xuân Hùng, nguyên Phó Giám đốc Sở cùng 3 lãnh đạo của Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh. Đối với Thành ủy Pleiku, các cá nhân đang bị xem xét trách nhiệm gồm có: ông Trịnh Duy Thuân, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku; ông Trần Xuân Quang, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Pleiku; và ông Nguyễn Kim Đại, Ủy viên BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP.Pleiku.

11-10-31_nh_2
Hàng chục ha đất nông nghiệp đã biến mất, trở thành nền đất ở

Theo UBKT Tỉnh ủy Gia Lai, các lãnh đạo 2 cơ quan nói trên đã “qua mặt” UBND tỉnh, thao túng “Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020” của UBND tỉnh Gia Lai, đẩy UBND tỉnh Gia Lai làm trái các quy định của Chính phủ, tạo điều kiện hình thành các khu dân cư ảo giúp các cá nhân, tổ chức san lấp, tách thửa, phân lô, bán nền trục lợi.

Riêng ông Nguyễn Bá Trường, nguyên Trưởng phòng TN-MT TP.Pleiku, hiện đã bị UBKT Tỉnh ủy Gia Lai cắt hết tất cả chức vụ trong đảng. Đồng thời cảnh cáo ông Trương Đức Vinh, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Pleiku. Sai phạm của hai ông Trường và Vinh được UBKT Tỉnh ủy Gia Lai nhận định là “nghiêm trọng, để lại hậu quả khó khắc phục, gây dư luận không tốt, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, cơ quan". Riêng ông Trường đã lợi dụng chức vụ, tham mưu sai cho chính quyền trong việp thu hồi đất nông nghiệp trái phép, nhằm để bố vợ phân lô, bán nền, thu lợi trái phép.

“Ông Nguyễn Bá Trường có chức vụ gì trong đảng đều bị cắt hết. Hiện ông Trường chỉ còn là một công chức nhà nước bình thường (chuyên viên), chờ UBND TP.Pleiku bố trí chức vụ ở cấp thấp hơn. Sau này, Cơ quan Cảnh sát điều tra có kế luận là ông Trường có vi phạm pháp luật thì tùy mức độ, sẽ đề nghị mức kỷ luật cao nhất trong Đảng là khai trừ. Ngoài các cá nhân, tập thể nói trên, UBKT Tỉnh ủy Gia Lai cũng đang xem xét trách nhiệm, mức độ vi phạm của một loạt lãnh đạo, cá nhân khác do có dấu hiệu dung dưỡng, tiếp tay cho các cá nhân san lấp, tách thửa, phân lô, bán nền trái phép”, ông Nguyễn Duy Khánh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Gia Lai, nói.

“Nhiều cá nhân, tổ chức công khai san lấp, phân lô bán nền trái phép tràn lan, làm rầm rộ trong một thời gian dài, làm ngay trước mắt các cơ quan Đảng, chính quyền từ xã, phường đến huyện, tỉnh, vậy mà không ai biết. Để đến khi hậu quả rất lớn, dư luận, báo chí vào cuộc, tỉnh mới ra tay. Chẳng khác gì chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”. Liệu có phải do quản lý yếu kém hay có khuất tất gì không? Tôi nghĩ, cần Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan điều tra của Bộ Công an vào cuộc mới làm rõ mọi việc được”, ông Nguyễn Đ.H., cán bộ hưu trí ở TP.Pleiku, Gia Lai.

 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm