| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên với kế hoạch trồng 15 triệu cây xanh

Thứ Năm 01/04/2021 , 15:08 (GMT+7)

Phú Yên đang xây dựng đề án cụ thể để triển khai trồng 15 triệu cây xanh hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ.

Là địa phương tiên phong hưởng ứng sáng kiến về chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, hiện Phú Yên đã chỉ đạo khẩn trương triển khai xây dựng Đề án trồng 15 triệu cây xanh tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025. 

Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên về công tác triển khai đề án này. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng cây xanh tại Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Tân Sửu tại tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng cây xanh tại Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Tân Sửu tại tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS

Theo ông Trần Hữu Thế, từ đầu năm 2021, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện sáng kiến của Thủ tướng, triển khai thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021...

Đặc biệt, Phú Yên đã chỉ đạo triển khai xây dựng đề án “Trồng 15 triệu cây xanh tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025”. Hiện nay, dự thảo đề án đã được các sở, ban, ngành, địa phương tham gia góp ý.

Sở NN-PTNT đang hoàn chỉnh, trình phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện. Tỉnh cũng đã thành lập Ban Điều hành đề án trồng 15 triệu cây xanh tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025.

Ưu tiên trồng cây bản địa, cây gỗ lớn lâu năm, cây đa tác dụng

Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng phát động đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân. Tuy nhiên, trồng cây gì, trồng ở đâu, trồng thế nào... để phát huy được hiệu quả tốt nhất cũng đang là vấn đề cần nghiên cứu kỹ. 

Ông có thể chia sẻ về những định hướng mà Phú Yên sẽ triển khai trồng 15 triệu cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025?

Ông Trần Hữu Thế phát biểu tại Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Tân Sửu tại tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS

Ông Trần Hữu Thế phát biểu tại Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Tân Sửu tại tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS

Đề án trồng 15 triệu cây xanh của Phú Yên giai đoạn 2021-2025 được xây dựng trên cơ sở dự thảo “Đề án trồng 1 tỷ cây xanh góp phần phát triển bền vững đất nước, giai đoạn 2021-2025” do Bộ NN-PTNT xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ và căn cứ vào tình hình, nhu cầu, điều kiện thực tế của tỉnh.

Theo đó, đề án thực hiện trồng 15 triệu cây xanh tỉnh sẽ triển khai trong 5 năm 2021-2025. Đối tượng cây trồng chủ yếu là trồng cây xanh phân tán, bao gồm: Cây xanh đô thị và cây xanh nông thôn; cây lâm nghiệp trồng phân tán; một phần diện tích trồng rừng tập trung gồm trồng rừng phòng hộ, đặc dụng; trồng mới rừng sản xuất mục đích kinh doanh gỗ lớn (không tính diện tích trồng rừng thay thế và trồng lại rừng sản xuất sau khai thác gỗ).

Trong đó, trồng cây xanh phân tán 12 triệu cây (bình quân mỗi năm 2,4 triệu cây); trồng cây xanh trong rừng tập trung 3 triệu cây (bình quân mỗi năm trồng 0,6 triệu cây).

Về loài, Phú Yên sẽ căn cứ kế hoạch trồng cây hàng năm, các địa phương chủ động gieo ươm, chuẩn bị đủ số lượng cây giống có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể.

Về vấn đề này, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tập trung nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng rừng có năng suất, giá trị kinh tế cao, sức chống chịu tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp thổ nhưỡng của từng địa phương. Ưu tiên sử dụng cây bản địa, cây gỗ lớn lâu năm, cây đa tác dụng.

Đề án được triển khai thực hiện trên tất cả 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trong đó, trồng cây phân tán trong đô thị được thực hiện trong đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường, các trụ sở, trường học... và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng.

Trồng cây xanh nông thôn trên diện tích đất vườn, đất ven đường, ven kênh mương, bờ vùng bờ đồng, các mảnh đất nhỏ phân tán khác (có diện tích dưới 0,3 ha), khu trung tâm, khu văn hóa lịch sử, tôn giáo, khu cụm công nghiệp; cây phòng hộ ngoài đồng ruộng, cây phòng hộ chống cát ven biển, cây chống xói mòn.

Phú Yên sẽ tập trung nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng rừng có năng suất, giá trị kinh tế cao, sức chống chịu tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: KS

Phú Yên sẽ tập trung nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng rừng có năng suất, giá trị kinh tế cao, sức chống chịu tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: KS

Tổng kinh phí được khái toán thực hiện đề án trồng 15 triệu cây xanh của Phú Yên là hơn 370 tỷ đồng. Trong đó hơn 210 tỷ dành trồng cây phân tán và 160 tỷ trồng rừng tập trung.

Nguồn kinh phí trên chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa và lồng ghép thông qua các chương trình, dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, kinh phí còn có sử dụng một phần ngân sách nhà nước cho hỗ trợ cây giống, công tác triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát, đánh giá… với tổng số tiền hơn 87 tỷ đồng.

Có cơ chế chặt chẽ về chủ thể quản lý 

Vậy thời gian tới, Phú Yên sẽ có những kế hoạch, giải pháp cụ thể nào để triển khai đề án trồng 15 triệu cây xanh của tỉnh?

Để triển khai đề án trồng 15 triệu cây xanh, hiện Phú Yên đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp. 

Một là rà soát quỹ đất, xây dựng kế hoạch. Theo đó, các địa phương tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất gỗ lớn; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, khu dân cư, công sở, đường giao thông; đất có thể trồng cây xanh nông thôn...

Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025 để huy động nguồn vốn. Bên cạnh đó, đảm bảo diện tích đất đai thuộc các đối tượng trồng cây phân tán phải được quy hoạch, có chủ quản lý cụ thể, rõ ràng.

Phú Yên sẽ tổ chức giao, khoán, cho thuê diện tích đất công, các công trình công cộng cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức... đăng ký và trồng cây phân tán. Ảnh: KS 

Phú Yên sẽ tổ chức giao, khoán, cho thuê diện tích đất công, các công trình công cộng cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức... đăng ký và trồng cây phân tán. Ảnh: KS 

Diện tích đất có khả năng trồng cây thuộc các tổ chức, hộ gia đình thì các tổ chức, hộ gia đình có trách nhiệm quản lý và có kế hoạch cụ thể để trồng cây hàng năm. Tổ chức giao, khoán, cho thuê diện tích đất công, các công trình công cộng, đường xá, bờ kênh mương thuỷ lợi... cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức; trong đó ưu tiên cho các hội, đoàn thể quần chúng đăng ký và trồng cây phân tán.

Thứ hai là về cây giống, căn cứ kế hoạch trồng cây hàng năm, các địa phương chủ động gieo ươm, chuẩn bị đủ số lượng cây giống có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp. Song song đó, tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng rừng có năng suất cao, sức chống chịu tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên sử dụng cây bản địa, cây gỗ lớn lâu năm, cây đa tác dụng.

Thứ ba là về kỹ thuật trồng, đối với rừng phòng hộ đầu nguồn thì trồng ở nơi đất trống, không có khả năng tái sinh tự nhiên thành rừng; trồng hỗn giao nhiều loài cây bản địa, loài cây đa tác dụng, cây lâm sản ngoài gỗ.

Đối với rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; chắn sóng, lấn biển, sẽ thiết lập đai rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng khu vực; trồng rừng bằng loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt; được trồng bổ sung tại những nơi chưa đủ tiêu chí thành rừng.

Đối với rừng sản xuất, sẽ hình thành vùng rừng trồng tập trung, trồng rừng thâm canh để nâng cao năng suất rừng trồng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản. Khuyến khích sử dụng các loài cây bản địa; trồng rừng hỗn loài, kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi nó điều kiện thích hợp.

Đối với trồng cây xanh phân tán, sẽ lựa chọn loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái gây trồng của từng địa phương, từng khu vực...

Phú Yên đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành và mọi người dân trong tỉnh. Ảnh: KS

Phú Yên đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành và mọi người dân trong tỉnh. Ảnh: KS

Xin ông cho biết Phú Yên sẽ huy động nguồn lực nào, nhất là về vốn để chương trình trồng 15 triệu cây xanh của tỉnh?

Về nguồn vốn, tỉnh sẽ huy động nguồn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân tham gia thông qua các dự án tài trợ hoặc sáng kiến thành lập quỹ trồng cây xanh của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, tập đoàn kinh tế…

Nguồn vốn sẽ tập trung sử dụng để mua vật tư, cây giống hỗ trợ cho các phong trào, dự án trồng cây phân tán. Tích cực huy động nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

Kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các dự án ODA đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, trồng cây xanh. Kết hợp thực hiện lồng ghép các chương trình đầu tư công của nhà nước như: Kế hoạch phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; các dự án phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng khu công nghiệp, công sở, làm đường giao thông có hạng mục trồng cây xanh được các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện; các chương trình chương trình phát triển kinh tế xã hội khác…

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

"Về công tác tuyên truyền. Các địa phương trong tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khi hậu, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội.

Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, bảo đảm chỉ tiêu trồng cây phân tán hàng năm. Phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành, chủ rừng và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây xanh.

Phát động phong trào thi đua như “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngày Chủ nhật Nông thôn mới”, “Màu xanh cho tương lai”… để kêu gọi, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội. Đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành và mọi người dân trong tỉnh".

(Ông Trần Hữu Thế)

Xem thêm
Phát hiện loài ong mới ở Vườn quốc gia Vũ Quang

Loài ong ký sinh này thuộc họ ong mật, được đặt tên theo nơi phát hiện ra chúng ở Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.