| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch cảng cá là điểm tì, đòn bẩy ngành thủy sản phát triển bền vững

Thứ Bảy 29/10/2022 , 13:51 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, quy hoạch cảng cá, khu neo đậu sẽ là điểm tì, đòn bẩy thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì phiên họp về quy hoạch cảng cá, khu neo đậu. Ảnh: BT.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì phiên họp về quy hoạch cảng cá, khu neo đậu. Ảnh: BT.

Sáng 29/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì phiên họp nghe báo cáo hoàn thiện góp ý về Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu chỉ đạo, định hướng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu 10 vấn đề để Tổng cục Thủy sản và đơn vị tư vấn, thiết kế tập trung làm rõ, trước khi trình dự thảo.

Thứ nhất, phân định rõ quy hoạch cảng và quy hoạch khu neo đậu. Trong đó, việc quy hoạch cảng cá phải gắn chặt với quản lý đội tàu. Đây là nhiệm vụ quan trọng, nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.

Thứ hai, quy hoạch cần tính toán cụ thể, chi tiết số tàu cho 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đồng thời, xác định rõ số lượng tàu thường neo đậu và di trú, bởi nhu cầu tránh trú bão không thể xảy ra cùng lúc với các khu vực.

Thứ ba, quản lý sau đầu tư hạ tầng cảng cá. Trong đó, phân định rõ đơn vị sự nghiệp, đơn vị tư nhân sẽ quản lý những hạng mục nào.

Thứ tư, xã hội hóa nguồn lực đầu tư vào hệ thống cảng cá, khu neo đậu. Thứ trưởng chỉ rõ, xã hội hóa mang ý nghĩa quyết định tới hiệu quả đầu tư và định hướng đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch theo hướng đầu tư công, quản trị tư.

Thứ năm, sản lượng khai thác, nuôi biển liên tục tăng thời gian qua. Do đó, quy hoạch cần tính sát thực tế, đánh giá cụ thể nguồn lợi biển không chỉ trong trung hạn mà còn cả dài hạn đến 2050.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị làm rõ vị trí, vai trò của 5 ngư trường lớn trong quy hoạch. Ảnh: BT.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị làm rõ vị trí, vai trò của 5 ngư trường lớn trong quy hoạch. Ảnh: BT.

Thứ sáu, ngành thủy sản không chỉ có vai trò trong đảm bảo sinh kế cho bà con ngư dân mà còn có ý nghĩa quan trọng với an ninh quốc phòng. Do đó, quy hoạch cảng cá, khu neo đậu phải đảm bảo được vấn đề này.

Thứ bảy, với mục tiêu chung của ngành thủy sản là "tăng nuôi trồng, giảm cường lực khai thác", nuôi biển sẽ có vai trò ngày càng tăng trong tương lai. Hạ tầng cảng cá, khu neo đậu, vì thế, phải tính đến cả vai trò phụ trợ cho ngành công nghiệp nuôi biển.

Thứ tám, để xây dựng hệ thống cảng cá tiên tiến, hiện đại, quy hoạch cần quan tâm đến cả dịch vụ phụ trợ, công nghệ chế biến, giảm thiểu chi phí logistics.

Thứ chín, Việt Nam hiện có 5 ngư trường lớn là Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa và Kiên Giang. Trong quy hoạch, cần xây dựng 5 ngư trường này thành những cực tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng, đồng thời gắn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển tại địa phương.

Thứ mười, phối hợp các Bộ, ngành địa phương triển khai quy hoạch cảng cá một cách đồng bộ. Ngoài ra, việc tăng số lượng cảng cá từ 125 cảng lên thành 172 cảng, trong đó phần lớn là cảng cá loại 3. Do đó, quy hoạch phải làm rõ các tiêu chí của từng cảng, công suất hiện tại trên tổng công suất thiết kế và gắn chặt trách nhiệm quản lý cho địa phương.

Cầu cảng cá sông Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: BT.

Cầu cảng cá sông Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: BT.

"Quy hoạch là cơ sở, căn cứ pháp lý. Do đó, chúng ta phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và cơ sở thực tiễn. Phải coi quy hoạch cảng cá, khu neo đậu là điểm tì, đòn bẩy thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Đón nhận những gợi mở của Thứ trưởng, đại diện đơn vị tư vấn - Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng công trình thủy, cam kết sẽ tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện dự thảo, trước khi xin ý kiến các Bộ, ngành và triển khai.

Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ tăng số cảng cá từ 125 như hiện tại lên 172 trong tương lai. Cùng với đó, số lượng tàu cá sẽ giảm xuống còn 83.600. Tất cả nhằm mục tiêu quản lý, truy xuất nguồn gốc được toàn bộ sản lượng thủy sản khai thác và nuôi biển.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.