| Hotline: 0983.970.780

Ruộng bỏ hoang, vì sao người dân không nhận?

Thứ Năm 16/06/2016 , 07:30 (GMT+7)

Thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, Quảng Nam tiến hành chia 21,5 ha đất cho 140 hộ dân. Tuy nhiên quá trình triển khai có nhiều bất cập, khiến vụ HT xuống giống chậm. Đặc biệt nhiều hộ không chịu bàn giao ruộng cũ để người khác làm, dẫn đến ruộng bị bỏ hoang.

 

Người dân phản đối cách triển khai

Đến đầu cánh đồng Sim, thôn Đồng Hành, xã Tam Ngọc gặp hàng chục hộ dân đang ngồi bàn tán xôn xao về chủ trương DĐĐT. Khi chúng tôi hỏi chuyện, nhiều người bức xúc ra mặt.

Theo người dân, quá trình thực hiện, chính quyền làm theo cảm tính, dẫn đến bà con phản đối mạnh mẽ, có nhiều hộ quyết giữ lại ruộng cũ, có hộ dân cắn răng nhận ruộng mới làm, bởi không SX thì chết đói.

Anh Lê Văn Chì, thôn Đồng Hành bày tỏ: Mẹ anh là bà Lê Thị Chương (81 tuổi) có 2 sào đất lúa. Trước đây, diện tích này gần đường, dễ canh tác. Nhưng khi DĐĐT, bà Chương bốc thăm được chỗ đất gò, lấy nước vào ruộng không thuận lợi. Điều đáng nói, ruộng cấp mới khó SX nhưng diện tích vẫn giữ nguyên.

Tiếp lời người con trai, cụ Chương bảo: “Già cả như tui thì chính quyền phải ưu tiên chia cho đám ruộng nào dễ làm, gần đường chớ. Đằng này, họ chia cho ruộng khó canh tác. Cũng nhờ con cháu làm kiếm hạt thóc bỏ bồ có cái mà ăn, giờ ruộng khó làm như rứa, lấy chi ăn đây!”.

Không đồng tình với cách làm của chính quyền, cụ Chương phản đối quyết liệt. Cụ cố thủ giữ hai sào ruộng của mình trước đây, không cho ai đụng đến. Còn đám ruộng mới được chia, cụ chẳng tha thiết. 

“Mảnh đất ấy nằm ở trên gò cao, nước không chảy vào được, mong chính quyền ưu tiên những người già như tui được nhận ruộng dễ làm”, cụ Chương tha thiết.

Cùng cảnh ngộ, anh Đỗ Văn Tâm như đứng trên đống lửa, bởi mùa vụ đã qua hơn 10 ngày nhưng đám ruộng 700m2 chưa được cày bừa. Cha anh là ông Đỗ Cẩm (86 tuổi) được chia lại đám ruộng mới nhưng người chủ ruộng cũ không cho làm. Anh tiến hành ngâm giống gieo sạ, nhưng đến nay lúa nẩy mầm, vậy mà chủ ruộng cũ vẫn ngăn cản nên không có ruộng để sạ.

13-47-52_nh-2
Cánh đồng Sim, thực hiện DĐĐT

 

Đáng nói hơn là trường hợp của bà Huỳnh Thị Hồng, thôn Ngọc Bích, được chia lại gần 500m2 đất, nhưng người chủ cũ miếng đất này là ông Đỗ Liệu lại không chịu bàn giao. Bởi ông Liệu hoàn cảnh khó khăn, vợ, con bỏ đi, trong khi được chia lại đám ruộng úng nước, khó canh tác. Bất bình, ông Liệu không nhận mà quyết giữ miếng đất cũ, dẫn đến bà Hồng không có đất canh tác.

Vì đâu nên nỗi?

Theo người dân thôn Đồng Hành, thực hiện DĐĐT ai cũng tán thành. Tuy nhiên, cách làm của chính quyền không hợp lòng dân. Giờ không nhận ruộng làm thì chết đói, mà nhận ruộng thấy bất công.

Một người dân cho hay, ngay từ khi triển khai, bà con đã thấy DĐĐT có vấn đề rồi. Đã thế rất chậm trễ. Đến ngày 25/5 vừa qua, lãnh đạo xã và thôn mới tiến hành bốc thăm, trong khi thời điểm gieo sạ từ đầu tháng 6.

Thời gian quá nhanh, nhận ruộng mới thì phải chỉnh trang lại bờ, cải tạo đất lúc đó mới cày cấy được, chứ không thể phải làm ngay. Xã triển khai như vậy, chẳng khác gì ép người dân chạy đua. Giờ mùa vụ trễ, nếu mất mùa thì người dân gánh chịu hậu quả. Nhưng bà con ấm ức nhất là chính quyền tiến hành bốc thăm có mờ ám, thậm chí vô lý. Một người dân kể, gọi người dân ra hội trường thôn bốc thăm, khi cầm số trên tay ra nhận đất thì mới ngã ngửa.

Số từng thửa đất rất lộn xộn, chẳng hạn đang ở thửa đất có số 4,6,7 thì tiếp đến 34, rồi đến 8. Con số rất lung tung, bà con cầm thăm, chẳng biết đất ở đâu mà lần, chỉ đến khi cán bộ chỉ mới biết. “Đáng lẽ, bốc thăm thì phải thứ tự rõ ràng, đằng này thứ tự rất lộn xộn. Những con số khác không đúng thứ tự đều là những mảnh đất đẹp, dễ SX. Điều đó càng khiến bà con khó hiểu”, một người dân khác nói.

Xã loanh quanh, chối cãi

Theo UBND xã Tam Ngọc, việc DĐĐT xã chia lại 21,5 ha ruộng ở cánh đồng Sim, thuộc 3 thôn Đồng Hành, Đồng Nghệ và Ngọc Bích. Đây là cánh đồng điểm, trong năm 2015, xã đã làm nội đồng, sang năm 2016 mới dồn.

13-47-52_nh-3
Anh Đỗ Văn Tâm, ngâm lúa giống nhưng chưa thể gieo sạ

 

Ông Nguyễn Nhơn, Bí thư Đảng ủy xã Tam Ngọc cho hay việc xảy ra ở cánh đồng Sim, xã đã quyết liệt vào cuộc. Việc DĐĐT là của thôn, nhưng thôn chưa làm quyết liệt, mới xảy ra cơ sự. Xã đang vận động để bà con có đất SX. Tuy nhiên, một số diện tích chắc chắn bị bỏ hoang, bởi đã hết mùa vụ. Không thể “ưu ái” để người dân lấn tới. Đây là lần đầu tiên bắt tay làm nên xã đang rút kinh nghiệm.

Tôi hỏi: Sao có chuyện số thứ tự nhảy lung tung, khiến người dân phản ứng vậy? Ông Nhơn cho hay, những số thứ tự như vậy là trực cấp (cấp trực tiếp). Ông lý giải: Chẳng hạn nhà có 1.000m2 đất, khi đến số thứ tự đó mà đủ diện tích thì xã chỉ trực tiếp hộ nhận thửa đất này luôn.

PV hỏi tiếp: Khi tiến hành DĐĐT xã có ưu tiên cho các hộ người già, gia đình chính sách nhận những phần đất dễ làm không? Ông cho hay: Mới lần đầu DĐĐT nên xã chưa tính đến, xã căn cứ vào bìa đỏ rồi cấp lại đất cho bà con.

Hỏi tiếp: Thế ở xã có phân ra các loại đất không? Ông Nhơn cho hay, ở địa bàn xã đất có độ phì nhiêu ít, do đó cào bằng hết. Chúng tôi căn cứ vào diện tích trước đây của bà con và cấp nguyên lại diện tích như vậy.

Thậm chí ai thân cán bộ xã, thôn được nhận ruộng gần đường, dễ SX, còn nhiều hộ dân nhận đất vùng thấp trũng, gò cao… trồng lúa rất khó khăn. Đơn cử, như trường hợp ông Chà, có người con tên Trà làm địa chính xã Tam Ngọc. Không biết thế nào mà ông Chà nhận được đám ruộng 2 sào ở vị trí đắc địa, ngay đường bê tông, mương nước rất thuận lợi SX.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.