Nghề chế biến bột dong, làm miến tại xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng đã có truyền thống lâu đời. Mấy năm gần đây, do nhu cầu của thị trường lớn đối với sản phẩm miến dong Cao Bằng, ngoài hai thương hiệu miến hàng đầu là miến dong Phia Đén và miến dong Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình thì miến dong Án Lại, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An cũng dần được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Do đó, người dân nhiều xóm thuộc xã Nguyễn Huệ đã chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng sang trồng dong, phát triển kinh tế chủ yếu từ nghề trồng dong, làm miến. Cả xã có hơn 20 hộ sản xuất bột dong, tập trung chủ yếu tại các xóm: Án Lại, Nà Danh, Canh Biện.
Củ dong sau khi thu mua sẽ đưa vào dây chuyền rửa sạch rồi được nghiền nát và lọc thành bột. Bột được đưa tới các bể lắng và tiếp tục đóng bao xuất bán. Sản xuất bột dong phải dùng một lượng nước khá lớn để rửa và lọc bột. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống nước thải từ rửa củ đến lọc bột đều được các cơ sở thải trực tiếp ra dòng suối Án Lại và gần như không qua bất cứ một công đoạn xử lý nào.
Kiểm tra thực tế mặt nước dòng suối Án Lại mới thấy được sự ô nhiễm và bức tử dòng suối. Cả dòng suối đã chuyển sang màu đen và cùng với đó là mùi hôi, thối bốc lên nồng nặc. Nhiều đoạn suối, mặt nước đã bị bao phủ bởi những lớp bùn lầy, bọt trắng đặc quánh.
Bà Giáp Thị Hồi, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Nguyễn Huệ tâm sự: Nước thải từ sản xuất bột dong ngấm xuống mỏ nước mà Trường mầm non và Tiểu học Nguyễn Huệ đang sử dụng để sinh hoạt gây mùi hôi nên chúng tôi hiện không dám sử dụng. Năm ngoái, nhiều thời điểm nhà trường đã phải mua nước lọc về nấu cơm chứ không dám sử dụng nước ở mỏ.
Ngày nào các phòng chuyên môn, các lớp học đều phải đóng kín cửa để hạn chế mùi hôi. Trường mầm non là nơi chăm sóc nhiều trẻ nhỏ nên vấn đề ô nhiễm này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu. Dù đã phản ánh lên xã, huyện nhiều năm nay nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra thậm chí còn ngày càng ô nhiễm hơn.
Đến đầu xóm Nà Danh, hàng trăm bao củ dong chất kín dọc hai bên đường. Mỗi cơ sở sản xuất bột dong có 5 - 7 lao động, các máy xát công suất trung bình 5 - 15 tấn/ngày đang hoạt động hết công suất. Một số hộ, hợp tác xã (HTX) thì xây 1 - 2 bể chứa nước thải, khi tràn sẽ hút ra dòng suối Án Lại. Có hộ không xây bể mà để nước thải chảy trực tiếp ra suối.
HTX Nà Danh được thành lập năm 2020, là một trong hai cơ sở chế biến bột dong lớn nhất xã. Mỗi ngày, HTX sản xuất khoảng 15 tấn củ dong. Dù đã xây 2 bể chứa tổng dung tích khoảng 70 khối để lắng nước thải nhưng với lượng củ dong sản xuất lớn nên vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu chứa nước thải của HTX.
Ông Trịnh Văn Thiện, Giám đốc HTX Nà Danh chia sẻ: Sau khi cho nước thải chảy vào bể lắng, khi tràn sẽ vẫn phải thải ra suối. Dù biết là ô nhiễm nhưng cũng không có chỗ nào khác để xả nước thải ra ngoài. Không chỉ máy của HTX mà xung quanh đây có khoảng 10 máy xát dong xả nước thải ra suối Án Lại. Mỗi năm HTX sản xuất bột dong trong vòng ba tháng, đến sát tết thì kết thục vụ sản xuất.
Hợp tác xã Án Lại là cơ sở đầu tiên trong xã đầu tư máy xát dong công suất lớn từ năm 2014. Mỗi ngày, HTX xát khoảng 10 - 15 tấn củ dong. Nước thải từ hoạt động sản xuất dong riềng của HTX hàng ngày cũng xả ra dòng suối gây ô nhiễm môi trường.
Ông Hoàng Văn Tư, Giám đốc HTX thông tin: Gia đình tôi có một mảnh ruộng dùng để chứa nước thải rộng hơn 700 m2, sâu 1,5 m nhưng vẫn không đủ để chứa nước thải. Năm 2020, huyện đã xuống khảo sát dự định hỗ trợ xây bể chứa thải lớn cho HTX nhưng kinh phí quá lớn nên huyện không thể đầu tư. Do đó, nước thải vẫn phải xả ra dòng suối như hiện nay.
Chọn kinh tế đánh đổi môi trường?
Ông Lý Minh Sơn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa An cho biết: Ngày 9/12, Phòng phối hợp với UBND xã Nguyễn Huệ, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh Cao Bằng xuống kiểm tra, lập biên bản các hộ sản xuất bột dong không đảm bảo vấn đề về môi trường, giao cho xã quyết định xử phạt và yêu cầu các hộ, HTX dừng sản xuất.
Tuy nhiên, khi phóng viên đến xã chiều 10/12 thì hàng chục máy nghiền dong lớn nhỏ của các hộ dân, HTX vẫn hoạt động hết công suất và không hề có dấu hiệu dừng hoạt động. Phải chăng, lãnh đạo xã Nguyễn Huệ đang bao che hay không dám xử lý mạnh tay những hộ, HTX này vì ngại va chạm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đàm Thanh Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng cho biết: Vấn đề ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất bột dong ở xã Nguyễn Huệ đã diễn ra nhiều năm nay. Huyện cũng đã tìm nhiều giải pháp tháo gỡ nhưng vấn đề khó khăn nhất vẫn là thiếu nguồn lực vì kinh phí xây bể chứa thải loại lớn quá cao. Năm 2020, huyện đầu tư xây 3 bể chứa nước thải, mỗi bể vài chục khối cho xóm Canh Biện nhưng cũng chỉ đủ dùng cho mấy hộ sản xuất nhỏ lẻ, không phải giải pháp lâu dài.
Còn các cơ sở, HTX đang sản xuất dong riềng xả nước thải gây ô nhiễm môi trường như hiện nay, nếu xã không có biện pháp xử lý được huyện sẽ liên hệ với Điện lực huyện Hòa An cho cắt điện các hộ, HTX sản xuất này để hạn chế gây ô nhiễm môi trường, ông Hưởng cho biết thêm.
Có thể khẳng định, nghề trồng dong, làm miến đã và đang mang lại một nguồn thu nhập đáng kể, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân xã Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, các cơ sở chế biến bột dong đang hàng ngày, hàng giờ làm ô nhiễm môi trường dòng suối Án Lại, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, các trường học lân cận.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng huyện Hòa An cũng như tỉnh Cao Bằng cần có biện pháp quyết liệt hơn để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường càng sớm càng tốt, trên cơ sở để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế với công tác bảo vệ môi trường một cách bền vững. Nếu vấn đề môi trường vẫn chưa được xử lý triệt để, các cấp ngành của tỉnh Cao Bằng sẽ rất khó để công nhận làng nghề miến dong tại xã Nguyễn Huệ là làng nghề truyền thống.