| Hotline: 0983.970.780

Sang "Cam" làm... nông (2)

Thứ Sáu 11/04/2008 , 07:00 (GMT+7)

Chỉ sau một vài năm sang “Cam” thuê đất làm lúa, trồng bắp, nhiều nông dân đã thực sự đổi đời. Họ đã biết chọn lối đi riêng trong hoàn cảnh làm nông nghiệp ở trong nước vốn không dễ dàng như trước đây.

>>Sang “Cam” làm... nông

Bài 2: Chọn lối đi riêng

Cả gia đình sang trợ sức

Niềm vui ngày mùa trên đất bạn
Thay cho căn nhà ọp ẹp ngày nào, ông Trần Văn Thời (còn gọi là Ba Thời) ở ấp Phú Yên, xã Phú Lộc, huyện Tân Châu (An Giang) giờ đã có căn nhà mới khang trang hơn. Máy cày, xe cộ đều có đủ chỉ sau vài năm thuê đất làm lúa ở Campuchia. Ông cho biết 8 năm trước ở Việt Nam gia đình ông thuộc dạng nghèo đông con nhưng chỉ cậy cục vào 3 công ruộng, đời sống rất chật vật, túng quẫn.

Năm 1999, ông sang Campuchia làm thuê cho một "đại gia" có nhiều ruộng đất ở huyện Lét - Đét, tỉnh Cần - Đan (Campuchia). Thấy tính tình thân thiện lại cần cù lao động, ông chủ thương tình và cho mượn một ha đất để trồng lúa, đến vụ mới thu chút đỉnh tiền. Mấy năm đầu, do đất chưa được cải tạo nên cho năng suất lúa rất thấp và mất mùa liên tục. Hết lỗ lúa ông lại quay sang trồng màu và lỗ tiếp mấy vụ. Lúc đó ông phải cắt bán mất hai công ruộng nhà để trả nợ.

Những lúc tưởng chừng như khó có thể vượt qua thì ông Thời lại mang cả gia đình sang trợ sức. Chỉ hai ba năm phục hoang cho đất ông đã bắt đầu có lời từ trồng lúa. Có được một số vốn trong tay, ông lại mở thêm kênh dẫn nước và bây giờ đã có thể trồng được hai vụ lúa và một vụ màu trong năm.

Nhờ vậy, chỉ sau vài năm ông đã trả dứt nợ, ký hợp đồng với chủ đất người Campuchia thuê trên 7 ha. Hiện nay, theo tính toán của ông Thời thì vụ lúa ĐX này ông có thể lời trên 120 triệu đồng, ông Thời mới mua được chiếc máy cày cáu cạnh giá hơn 180 triệu đồng, cày dịch vụ cho bà con ở Việt Nam.

Thuê đất giá “mềm” hơn

Ở huyện An Phú (An Giang) có không ít hộ xuất thân từ nghèo khó nhờ thuê đất bên Campuchia nay đã vươn lên thoát nghèo
Ở huyện An Phú (An Giang) có không ít hộ xuất thân từ nghèo khó nhờ thuê đất bên Campuchia nay đã vươn lên thoát nghèo. Trong đó có thể kể đến gia đình ông Nguyễn Văn Nhẫn và Nguyễn Văn Thê ở ấp Tân Thạnh, thị trấn Long Bình. Nhà đông con nhưng chỉ gói gọn trong 5 công đất, vì thế hai năm trước cha con ông phải ly hương sang “Cam” thuê đất.

Từ những khoản tiền làm thuê tích cóp được và số tiền từ cho thuê 5 công đất nhà, ông Nhẫn đã dốc hết cho việc thuê 9 ha đất nông nghiệp bên Campuchia. Vụ đầu, ông làm hùn với ông chủ Phi người Campuchia “xém” lỗ vì đất xấu. Do bận bịu làm nhiệm vụ canh gác nơi cửa ngõ biên giới tại xã Xầm-Pu-Puôn, huyện Cỏ-Thum, tỉnh Cần-Đan (Campuchia) giáp ranh với thị trấn Long Bình, huyện An Phú (An Giang), nên chỉ sau một vụ làm hùn, ông chủ Phi đã cho cha con ông Nhẫn thuê hẳn làm riêng với giá 26 triệu đồng.

Lúc chúng tôi tìm đến nhà cũng là lúc cả gia đình ông Nhẫn tập trung về bên kia biên giới để thu hoạch nốt vụ lúa ĐX và chuẩn bị kế hoạch cho việc xuống giống vụ bắp lai nối tiếp. Trong nhà chỉ còn lại những người phụ nữ lo việc “hậu phương” cơm nước để phục vụ cho những người “ra trận” thu về thành quả lao động trong ba tháng đầu năm.

Chị Nguyễn Kim Lộc, con gái ông Nhẫn cho biết hiện đã thu hoạch được gần 2/9 ha lúa vụ ĐX, đã bán tại ruộng với giá gần 4.200 đồng/ kg lúa, được gần 60 triệu đồng. Nếu tính năng suất lúa bình quân 35 giạ/ công thì với 9 ha đất thuê trồng lúa sắp thu hoạch dứt điểm, gia đình ông Nhẫn sẽ thu về 270 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất các thứ 90 triệu thì cha con ông Nhẫn còn lãi ròng 180 triệu đồng chỉ trong một vụ ĐX.

Làm lúa bên đất bạn cần phải có sự kiên nhẫn, chịu khó vì thổ nhưỡng không giống đất bên này, khó khăn về hệ thống thủy lợi, đất không được bằng phẳng và không có phù sa.

Không chỉ có nông dân nam giới mới thuê đất “Cam” làm nông khá giả lên. Lại có thêm gương điển hình nữ. Đó chính là chị Đỗ Thị Chả, ở ấp Phú Bình, xã Phú Lộc, huyện Tân Châu, chị cho biết: Cách đây ba năm chị thấy nhiều người qua “Cam” làm nông sau khá giả quá, từ đó chị nghĩ ra ý định cho thuê đất ruộng ở Việt Nam, 15 giạ lúa/công/năm (đất làm 2 vụ). Chị cầm trong tay số vốn đó sang “Cam” thuê được nhiều đất hơn. Nhờ sự chịu khó, học hỏi kinh nghiệm qua lớp tập huấn nông nghiệp ở xã, nên mấy năm liền đồng ruộng của chị cho năng suất rất cao từ 35-40 giạ/công (1.000m2). Hiện nay chị Chả, đang cho thu hoạch vụ lúa ĐX khoảng 60 ha, chị nhẩm tính đã lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Xem thêm
350 công nhân ngộ độc ở Vĩnh Phúc: Thủ tướng yêu cầu làm rõ nguyên nhân để xử lý

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, làm rõ nguyên nhân ngộ độc và có biện pháp xử lý theo đúng quy định.

Thủy lợi cho vùng đất khó [Bài 4]: Hồ nước đổi vận xã nghèo

Từ khi hồ thủy lợi Lái Bay đi vào hoạt động, đời sống, sản xuất của người dân xã Phổng Lái, Chiềng Pha (huyện Thuận Châu, Sơn La) đã thay da đổi thịt từng ngày.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Những bất thường trong mùa khô 2024 ở Cần Thơ

Là vùng có điều kiện sản xuất thuận lợi, nhưng trong mùa khô 2024, TP Cần Thơ ghi nhận những tác động đến sản xuất nông nghiệp, kênh rạch kiệt nước, sạt lở gia tăng.

Bình luận mới nhất