Trình bày về Quy hoạch Hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đơn vị tư vấn là Công ty CP Tư vấn Xây dựng Công trình thủy đánh giá việc xây dựng những "cảng cá động lực" có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ngành thủy sản Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, tích hợp đa giá trị.
Theo Điều 78 Luật Thủy sản 2017, cảng cá nước ta được phân làm 3 loại. Trong đó, loại 1 (lớn nhất) được thiết kế để bốc dỡ qua cảng từ 25.000 tấn thủy sản mỗi năm, diện tích vùng đất cảng hơn 4ha, diện tích vùng nước hơn 20ha, đủ sức đón 120 lượt tàu mỗi ngày.
Với cảng cá động lực, những thông số này tăng hơn nhiều lần. Trong Dự thảo Quy hoạch Hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, cảng cá động lực có thể bốc dỡ đến 100.000 tấn thủy sản qua cảng hàng năm, diện tích vùng đất cảng từ 15ha, diện tích vùng nước hơn 50ha, đủ sức đón 250 lượt tàu mỗi ngày. Đặc biệt, những cảng cá loại này có thể đón tàu dịch vụ trọng tải đến 5.000DWT.
Hiện cả nước có 5 trung tâm nghề cá lớn là: Hải Phòng gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ; Đà Nẵng gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa; Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung bộ và Trường Sa; Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam bộ và Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ.
Đơn vị tư vấn cho biết, cảng cá được tập trung nhiều nhất tại miền Trung. Nếu tính cả khu vực hải đảo, miền Trung có 15 cảng cá loại 1, 37 cảng loại 2 và 30 cảng loại 3, đủ sức đáp ứng cho hơn 1 triệu tấn thủy sản thông qua. Đây cũng là khu vực được bố trí nhiều khu neo đậu nhất, với tổng cộng 74 khu trong tổng số 161 khu của cả nước.
Với định hướng tận dụng tối đa các địa điểm có sẵn, các điều kiện tự nhiên thuận lợi, đơn vị tư vấn quy hoạch hệ thống cảng cá đảm bảo thông qua 2,95 triệu tấn thủy sản mỗi năm, gồm 100% sản lượng khai thác và một phần sản lượng nuôi biển.
Cùng với đó, hệ thống khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo sức chứa 83.600 chiếc tàu cá. Con số này nằm trong Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản 2021-2030, tầm nhìn 2050, vốn đang ở những bước cuối của phê duyệt.
Khu neo đậu tránh trú bão được chia làm hai loại, cấp vùng và cấp tỉnh. Với cấp vùng, khu neo đậu cần đảm bảo sức chứa tối thiểu 1.000 tàu, tàu trên 24m và tàu cá nước ngoài (với những vùng đã có cam kết quốc tế) có thể ra vào neo đậu. Tổng diện tích (trên cạn và dưới nước) dành cho quy hoạch khu neo đậu cấp vùng tối thiểu từ 10 - 15ha. Với khu neo đậu cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng diện tích thiết kế tối thiểu từ 1,5 - 3ha, nhằm đảm bảo cho tối thiểu 100 tàu neo đậu.
Yêu cầu chung với vùng nước đậu tàu, là tương đối kín sóng, lặng gió, được che chắn tối thiểu là 3 phía khỏi sóng biển; độ sâu tối thiểu từ 1,1-1,5 mớn nước của tàu lớn nhất ra vào kể từ mực nước thấp nhất. Với luồng vào khu tránh trú bão, chiều rộng tối thiểu bằng 8 lần chiều rộng của tàu cá cỡ trung bình hoặc 4-5 lần chiều rộng của tàu các cỡ lớn nhất; chiều sâu tối thiểu 1,1-1,5 mớn nước của tàu cá cỡ lớn nhất.
5 cảng cá động lực được thiết kế tại chính 5 ngư trường này, trong đó cảng cá lớn nhất là Tắc Cậu (Kiên Giang) được quy hoạch kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Cái Lớn, Cái Bé và có thể bốc dỡ 250.000 tấn thủy sản mỗi năm. Tắc Cậu cũng là một trong số 37 cảng cá loại 1, thuộc 172 cảng cá theo quy hoạch mới.