| Hotline: 0983.970.780

Tết xưa: Tết Sài Gòn còn vang tiếng trống tuồng

Thứ Năm 28/01/2016 , 14:05 (GMT+7)

Sinh ra và lớn lên ở miền Trung, từ khi vào Sài Gòn định cư thì tôi rất tò mò muốn biết người Nam bộ ngày xưa đón Tết như thế nào?...Tết xưa ở Sài Gòn cũng có những nét riêng rất độc đáo.

Sinh ra và lớn lên ở miền Trung, từ khi vào Sài Gòn định cư thì tôi rất tò mò muốn biết người Nam bộ ngày xưa đón Tết như thế nào? Phố phường quanh năm nhộn nhịp, ngày Tết cũng hoa cũng lá xôn xao, nên khó đoán định nhiều phong tục đã mai một dần. Tuy nhiên, qua ký ức những bậc tiền bối mà tôi từng được hầu chuyện, Tết xưa ở Sài Gòn cũng có những nét riêng rất độc đáo.

Nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh kể rằng, thuở nhỏ ông thường cùng bè bạn đi chúc Tết vào… trước đêm giao thừa. Bọn trẻ tụ tập thành từng nhóm, dùng một cái ống tre rồi bỏ vào một đồng xu, cứ đi khắp xóm mà lắc.

Cùng với những âm thanh của đồng xu trong ống tre, là bài đồng dao: “Súc sắc súc sẻ/ Nhà nào còn đèn còn lửa/ Mở cửa cho chúng tôi vào/ Bước lên giường cao/ Thấy đôi rồng ấp/ Bước xuống giường thấp/ Thấy đôi ròng chầu/ Bước ra đằng sau/ Thấy nhà ngói lợp/ Voi ông còn buộc/ Ngựa ông còn cầm/ Ông sống một trăm/ Linh năm tuổi lẻ/ Vợ ông sinh đẻ/ Những con tốt lành…”.

Đoàn trẻ súc sắc súc sẻ đi đến đâu, thì người lớn dỏng tai nghe và trẻ con trong nhà cũng hát theo. Những câu đồng dao như lời chúc phúc, nên nhà nào cũng mở cửa để lì xì cho bọn trẻ.

Nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh nhấn mạnh: “Hát đồng dao đến giao thừa thì ngưng, nhường chỗ cho đêm trừ tịch, để mỗi nhà hương khói tưởng nhớ tổ tiên!”.

Đấy là ở khu vực Gò Vấp hay Tân Định, còn khu vực Chợ Lớn thì đêm giao thừa có tập tục đi coi tuồng để lấy hên. Ngòai việc thưởng thức tuồng, họ còn nghiệm xem vở tuồng ấy có ứng với mình trong 365 ngày tới hay không. Ngày Tết đối với người Chợ Lớn là một mâm quả gồm mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài, mà họ gọi nôm na thành “cầu vừa đủ xài”. Đó là sự thành kính về mặt vật chất, còn sự thành kính về mặt tinh thần là phải xem một vở tuồng.

Cả cụ Toan Ánh và Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn đều cho rằng: Tập tục coi tuồng lúc giao thừa bắt đầu từ thời có chợ Bình Tây. Khi doanh nhân Quách Đàm bỏ tiền ra xây chợ Bình Tây, thì ông chừa một khoảng đất khá rộng bên hông chợ để làm sân khấu phục vụ tuồng miễn phí cho bà con mỗi dịp giao thừa. Mọi chi phí đều do ông Quách Đàm chi trả.

Sau thời ông Quách Đàm, thì nhiều thương gia mời đoàn hát bội về biểu diễn ở ngay trong nhà mình vào ngày Tết. Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn lý giải: “Miền Trung là cái nôi phát sinh hát bội, nhưng hát bội ở miền Nam chính xác hơn về niêm luật, tính cách nhân vật phong phú hơn, nhuần nhuyễn hơn. Cả người Trung Quốc cũng rất khâm phục hát bội của nước ta vì cải biên phù hợp với tính cách văn hóa người Việt. Trước kia trong nghệ thuật hát bội, ta học theo lối múa Tiều, nhưng bắt đầu từ năm 1940 ta dựa theo lối Quảng vì đẹp hơn từ vũ đạo cho đến trang phục!”.

Thời gian như cái chớp mắt, nghệ sỹ Thành Tôn không còn nữa, chỉ còn lại vẻ đẹp từ những vai diễn của ông lấp lánh trong ký ức một lớp người hiu hiu tuổi xế chiều. Và hát bội co cụm lại, diễn ở các đình chùa vào dịp lễ hội hay dịp Tết như những chuyến “về nguồn” thong dong.

Nghệ sĩ Thành Lộc - con trai của Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn nhớ lại: “Lúc tôi nhỏ, ngày Tết thấy cha tôi rất bận rộn với các buổi diễn!”. Người cùng thế hệ với Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn là Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há, tiết lộ: “Mỗi năm hễ Tết là ông Thành Tôn diễn không kịp thở. Hát bội được ưu tiên hàng đầu, sau đó mới đến cải lương. Bà con đi xem đông lắm, họ thích những vở tuồng cổ.

Trích đoạn ”Triệu Tử Long đoạt ấu chúa” của Thành Tôn là con cưng của sân khấu hát bội, diễn đi diễn lại bao nhiêu lần mà người ta vẫn thích xem!”. Khi dò hỏi: “Thế còn cải lương có diễn để… chào mừng năm mới không?”.

Nghệ sỹ nhân dân Phùng Há khẳng định: “Cải lương thì xem suốt năm, Tết phải xem hát bội. Có lẽ đó là tập tục của người Sài Gòn - Chợ Lớn. Tôi là ngôi sao cải lương, nhưng tôi hát cả năm mới có thu nhập bằng ông Thành Tôn biểu diễn trong một mùa Tết!”.

Bây giờ muốn xem hát bội ngay tại Sài Gòn cũng không phải đơn giản. Rạp Long Phụng nơi được xem là “thánh đường” của hát bội, thỉnh thoảng vào ngày đẹp trời nào đó mới diễn một vở tuồng. Vì sao người Sài Gòn xưa thích coi tuồng vào dịp Tết? Có lẽ vì những thông điệp chân thiện mỹ gửi gắm trong mỗi tác phẩm dựa trên tuồng tích in đậm dấu truyền thống.

GS.TS Lê Ngọc Trà đánh giá: “Tuồng là nghệ thuật chiêm ngưỡng và rung động, nhiều hơn là để nhận thức. Điều này giải thích vì sao sân khấu tuồng cách điệu mà vẫn hấp dẫn, vì sao hóa trang tuồng có tính chất mặt nạ mà vẫn thú vị, và vì sao người ta có thể xem đi xem lại nhiều lần cho đến khi thuộc lòng một vở tuồng đã biết!”.

Bây giờ cả nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh, NSND Thành Tôn và NSND Phùng Há đều đã thành người thiên cổ. Tết Sài Gòn không còn tiếng súc sắc của đoàn trẻ hát đồng dao, nhưng tiếng trống tuồng vẫn còn vang vọng. Những nghệ nhân hát bội quanh năm đầu tắt mặt tối với cuộc mưu sinh vất vả, nhưng mỗi khi Tết về thì họ lại quây quần bên nhau.

Cân đai áo mão, mặt nạ đỏ vàng và những câu chuyện hôm nảo hôm nao lại hiện về theo mỗi bước chân nhịp nhàng, theo mỗi điệu múa khoan thai. Phải chăng Tết nguyên đán cũng chính là cơ hội để bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát bội ngay trên đất Sài Gòn phồn hoa với tốc độ tăng trưởng chóng mặt?

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Cơ thủ Dương Quốc Hoàng vô địch Billiards châu Âu: Kỳ tích lịch sử

Cơ thủ Dương Quốc Hoàng xuất sắc giành chức vô địch giải pool 9 bi quốc tế Jacoby Scottish Open 2024, làm nên lịch sử cho bi-a Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.