| Hotline: 0983.970.780

Thái Lan tranh cãi về luật khi quân khi công chúa ra tranh cử thủ tướng

Thứ Sáu 08/02/2019 , 17:47 (GMT+7)

Giới chuyên gia cho rằng truyền thông Thái Lan có thể e dè khi đưa tin về công chúa Ubolratana do lo ngại luật khi quân.

Công chúa Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi. Ảnh: BBC.

Việc công chúa Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi của Hoàng gia Thái Lan đăng ký tranh cử ghế thủ tướng trong cuộc bầu cử sắp tới làm dấy lên tranh cãi ở vương quốc này liên quan đến luật khi quân, theo AFP.

Điều 112 trong luật hình sự Thái Lan nghiêm cấm mọi hành vi xúc phạm cũng như làm ảnh hưởng đến danh tiếng của các thành viên chủ chốt của hoàng gia. Điều này khiến dư luận Thái Lan đặt ra những câu hỏi về việc truyền thông, giới phân tích nước này có thể đưa tin, thảo luận về công chúa Ubolratana cũng như các chính sách tranh cử của bà với tư cách là ứng viên thủ tướng như thế nào.

Trên lý thuyết, luật khi quân chỉ áp dụng với những người nhạo báng, xúc phạm hay đe dọa nhà vua, hoàng hậu, thái tử và nhiếp chính. Kẻ vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án tù 3-15 năm cho mỗi tội danh.

Một số chuyên gia cho rằng công chúa Ubolratana, 67 tuổi, không thuộc đối tượng điều chỉnh của điều luật này và bà cũng đã từ bỏ địa vị hoàng gia sau khi kết hôn với một người Mỹ cách đây nhiều năm, trước khi ly dị và quay trở về Thái Lan. Tuy nhiên, bà vẫn được coi là một thành viên hoàng tộc và thực hiện các nghĩa vụ hoàng gia, trong khi điều 112 thường được viện dẫn trong mọi khía cạnh liên quan đến hoàng gia Thái Lan.

Chính quyền quân sự Thái Lan gần đây đã mở rộng đáng kể những hành vi bị kết tội "khi quân", thậm chí truy tố cả những người đưa ra bình luận châm biếm về thú cưng của cố vương, dù chúng không được quy định cụ thể trong luật.

Công chúa Ubolratana từng tham gia đóng nhiều bộ phim và có tài khoản Instagram, nên những người sử dụng mạng xã hội và truyền thông Thái Lan được dự đoán sẽ rất thận trọng trong thời gian tới khi đưa ra các phát ngôn liên quan đến bà, theo Kanokrat Lertchoosakul, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn.

Sau cuộc đảo chính tháng 5/2014, chính quyền quân sự Thái Lan tăng cường truy tố những người bị kết tội khi quân, với những bản án tới 30 năm tù vì các dòng đăng xúc phạm hoàng gia trên Facebook. Nhiều nghi phạm bị xét xử trong các phiên xử kín của tòa án quân sự và không được phép kháng cáo.

Tuy nhiên, kể từ khi Quốc vương Maha Vajiralongkorn, em trai của công chúa Ubolratana, lên kế vị vua cha, các vụ truy tố liên quan đến tội khi quân đã giảm mạnh, cho thấy sự thay đổi trong hoàng gia liên quan đến điều luật này.

Tuyên bố ra tranh cử của công chúa Ubolratana được coi là động thái chưa có tiền lệ, phá vỡ truyền thống đứng ngoài chính trị của hoàng gia Thái. Bà nhiều khả năng sẽ đối đầu với đương kim thủ tướng Prayut Chan-O-Cha, người cũng tuyên bố ra tranh cử đại diện cho đảng quân đội Phalang Pracharat, trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 24/3.

Công chúa Ubolratana là con đầu lòng của Cố vương Bhumibol Adulyadej. Thái Lan theo chế độ quân chủ lập hiến từ năm 1932. Tuy hoàng gia chỉ đảm nhận nhiệm vụ mang tính nghi lễ, họ có ảnh hưởng lớn và được người dân kính trọng.

(VnExpress)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.