| Hotline: 0983.970.780

Tháng Ba nơi đôi bờ sông Mã: Bi kịch 'đốt mùng'

Thứ Ba 07/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Nhiều gia đình ở xã Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) có người nghiện, thì trâu bò, lợn gà đến cột nhà cũng biến thành “liều”, thành “tép”./ Thường xuyên chờ cứu đói

Bán bò ly hôn

Khi tôi hỏi, xã có bao nhiêu trường hợp nghiện ma túy, Chủ tịch xã Lò Minh Xuyên mở sổ lẩm nhẩm tính.

“Năm ngoái là hơn 100 người chú ạ, chủ yếu là thanh niên, người trong độ tuổi lao động. Đã có trường hợp chuyển sang "ết" rồi chết. Nhưng những ca đó đi khám về mới biết chứ bình thường cũng không ai biết”, ông Xuyên chia sẻ.

Hằng năm, Chiềng Sơ vẫn tổ chức cho những đối tượng này đi cai nghiện tập trung nhưng “trăm người cai, trăm người tái nghiện”. Đi cai về, bạn bè rủ rê, một hai tuần là lại dập dìu theo làn khói trắng.

Câu chuyện bi hài “bán bò ly hôn” của vợ chồng Quàng Văn Thoàn (30 tuổi) ở bản Pá Nậm B được ông Xuyên kể lại nghe thật xót xa.

Thuộc diện xã đặc biệt khó khăn, năm nào Chiềng Sơ cũng nhận được các dự án hỗ trợ cây, con giống để SX nông nghiệp. Năm 2013, xã được UBND huyện Điện Biên Đông hỗ trợ bò giống cho các hộ nghèo để phát triển kinh tế.

Gia đình Quàng Văn Thoàn cũng được hỗ trợ một con bò. Vừa được nửa tháng, Chủ tịch xã Chiềng Sơ thấy trưởng bản Pá Nậm B hớt hải chạy lên trụ sở ủy ban báo cáo.

13-32-27_4
Những người phụ nữ gánh củi thuê trên dòng sông Mã

Thoàn là đối tượng nghiện lâu năm. Hết tiền mua thuốc, anh ta quay ra bàn với vợ bán quách con bò vừa được hỗ trợ. Vợ không đồng ý nhưng Thoàn vẫn nhất quyết dắt bò đi bán. Khi ông Xuyên và lực lượng công an xã xuống nắm sự tình và lập biên bản, con bò đã biến mất.

“Chúng tôi xuống thì Thoàn bán mất bò rồi. Con bò đó nghe anh ta kể lại là bán được 9 triệu đồng; sau đó thì mua một cái xe máy cũ, tiền thừa thì tiêu xài, hút chích”, ông Xuyên nhớ lại.

Không chịu nổi, vợ Thoàn bỏ về nhà mẹ đẻ rồi lấy chồng ở xã bên. Một thời gian sau, Thoàn cũng cưới vợ mới. Được chỉ đường, mấy lần tôi phóng xe máy vào nhà Thoàn nhưng đều công toi. Ngôi nhà sàn nằm chỏng chơ giữa sườn đồi, vắng tanh.

Bán cả cột nhà để hút

Bản Kéo Đứa có 43 hộ với 227 khẩu nhưng số nóc nhà có người nghiện ma túy thì phải xòe cả hai bàn tay để đếm.

Dẫn tôi đi một vòng, trưởng bản Vi Văn Chủm vừa bước vừa thở dài. Tôi chỉ tay: “Nhà này có người nghiện không?”, ông Chủm gật đầu. “Thế còn nhà kia?". “Có”…

Ngôi nhà (gọi là túp lều thì đúng hơn) của vợ chồng Lò Văn Luân (39 tuổi) nằm chơ vơ trên đỉnh đồi.

Ông Chủm bảo, Luân có thâm niên 10 năm nghiện ma túy. Trước khi dính vào ma túy, ngôi nhà này cũng cao ráo lắm. Cách đây mấy năm, gặp trận giông lốc, nhà bị sụn một bên. Nhân cơ hội, Luân dỡ luôn cả nhà… để dựng lều. Bao nhiêu gỗ từ ngôi nhà bị rút ruột rồi cuốn theo làn khói trắng.

Gia đình 5 người phải sống trong túp lều rách nát chừng 10 m2. Mái nhà chỉ cao chừng hai mét, xung quanh quây bằng phên nứa, gió thổi thông cả bốn hướng. Đứng từ ngoài cũng có thể nhìn thấy toàn bộ “nội thất” bên trong.

Lò Văn Xuân (con trai Lò Văn Luân), 11 tuổi, đi chơi về thấy người lạ liền chui tọt vào trong nhà. Chân lấm lem bùn đất, Xuân nhảy lên giường ngồi, nhìn chúng tôi chằm chằm.

13-32-27_1
Lò Văn Xuân đợi mẹ mang gạo về nấu cơm

“Bố mẹ cháu đi đâu?”, tôi hỏi. Không hiểu tiếng phổ thông, ông Chủm hỏi lại rồi bảo với tôi: “Bố nó đi làm thuê dưới Hà Nội được 5 tháng rồi. Mẹ thì đi cuốc nương thuê chưa về”. Tôi lại hỏi: “Thế hằng ngày ăn gì?”. “Toàn ăn cơm không với muối. Thịt cá thì lâu lâu mới được ăn vào dịp lễ, Tết”, ông Chủm dịch cụt ngủn.

Xuân ngồi đợi mẹ mang gạo về nấu cơm.

"Không cai được đâu"

Chiều tối, ông Lường Văn Yên (SN 1959) vẫn cởi trần, mặc quần đùi nằm còng queo trên nền nhà.

Thấy có khách, ông vơ vội chiếc quần dài để mặc. Nhà có 7 khẩu, nhưng hai con gái đã lấy chồng. Tôi hỏi nghiện được bao nhiêu năm rồi, ông Yên tư lự: “Tao mới nghiện 30 năm thôi. Thấy tụi bạn nó hút hay hay thì thử. Thời đó toàn thuốc đen mà”.

“Một ngày ông hút hết bao nhiêu tiền?”, tôi hỏi. Ông Yên bảo, "giờ tao bị đau chân, không đi lại được. Khi nào thèm thuốc thì bảo vợ đi kiếm. Mỗi lần 50 nghìn đồng là đủ, nó không kiếm cho thì cũng chỉ nằm nhà thôi".

Bao lo toan, vất vả cứ đổ dồn lên đôi vai bà Lường Thị Hom (SN 1962) - vợ ông Yên. Từ khi sương còn cuốn chân người, bà Hom đã khoác gùi đi các bản cuốc nương thuê. Làm tới tối mịt, chủ nương trả công cho 5 cân gạo.

Do nương ở xa nhà, có khi hai ngày bà Hom mới mang gạo về nấu cơm cho chồng ăn. Buổi nào không ai thuê thì không có gạo để ăn.

Hôm chúng tôi đến, bà Hom đi cuốc nương thuê hai ngày chưa về. Đến bữa, ông Yên đi quanh nhà tìm sắn luộc ăn. Người da bọc xương, đôi mắt hõm sâu, ông Yên nhai miếng sắn trệu trạo.

“Đã bao giờ thử đi cai nghiện chưa?”, tôi hỏi. “Rồi, một đợt tao ra trung tâm xã cai 7 ngày. Về xong lại hút thôi, giờ thì chịu rồi, không cai được đâu”, ông Yên lắc đầu.

Thà chẳng có tiền còn hơn

Trong căn nhà không thể nát hơn, bà Lò Thị Them (85 tuổi) co ro ngồi ôm hai đứa cháu. Bà Them và ông Lò Văn Lanh có duy nhất người con trai là Lò Văn Inh (45 tuổi).

13-32-27_2
Bà Lò Thị Them (85 tuổi) hằng ngày vẫn còng lưng đi cuốc nương thuê

Từ khi Inh dính vào thuốc phiện, cái đói, nghèo cứ bám riết không chịu buông. Vợ Inh chịu hết nổi phải bỏ về nhà mẹ đẻ rồi đi bước nữa. Lâu quá rồi, bà Them không còn nhớ nổi tên nàng dâu.

Ông Lò Minh Xuyên bảo, chính quyền dường như bất lực trước những đối tượng nghiện ma túy. Cho cả trăm người đi cai chưa chắc được một người hết nghiện. Hết cách thật rồi!

Trưởng bản Vi Văn Chủm cho biết, mỗi tháng, vợ chồng ông Lanh được trợ cấp 360 nghìn đồng. Nhưng tiền chưa kịp nóng túi đã bị Inh lấy đi “đốt mùng” (hút ma túy).

Hằng ngày, bà Them vẫn đi cuốc nương thuê lấy gạo ăn. Hôm nào ốm, bà cầm bát đi xin gạo những nhà xung quanh.

Ông Lanh thì cuốc bộ khắp các xã chữa bệnh bằng lá, rễ cây rừng. Có khi cả tuần ông mới về nhà một lần. Tiền thuốc, người dân trả bằng thóc. Ông oằn vai cõng bao thóc trên vai về nuôi đứa cháu nội và cả gia đình.

Bà Them cho biết, Inh không đi làm đâu xa, chỉ quanh quẩn trong xã, sáng đi tối lại về ăn cơm. Hôm nay chân đau, bà Them ở nhà trông cháu.

“Tối nay nhà mình có gì ăn chưa?”, tôi hỏi. Bà Them mắt rơm rớm im lặng rồi chỉ tay lên gác bếp đen kịt bồ hóng. Chiếc xoong nhỏ bẹp dúm, bên trong có vài cọng rau cải dại, cà gai đã héo quắt. Hai đứa cháu rúc mặt vào bà sợ sệt.

Mong muốn duy nhất của bà Them bây giờ là đủ ăn. Bà Them chua chát, tiền cũng cần, nhưng có bao nhiêu “nó” lại đem đi "đốt mùng" hết, thà chẳng có còn hơn.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất