| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi để ngành giống cây trồng vươn xa

Thứ Năm 28/12/2023 , 10:09 (GMT+7)

Cục trưởng Cục Trồng trọt nói: 'Năm 2024, Cục Trồng trọt sẽ rà soát, tham mưu Bộ NN-PTNT trình Chính phủ xem xét sửa đổi những điều chưa phù hợp trong Luật trồng trọt'.

Chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa

Sáng 26/12, dưới sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Trồng trọt và Văn phòng Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam”.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Cây lương thực - Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT) cho biết, khi thực thi Pháp lệnh Giống cây trồng, số giống cây trồng công nhận được từ 2013 - 2019 là 150 giống lúa (bình quân 22 giống/năm). Sau khi Luật Trồng trọt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, trong giai đoạn 2020 - 2023 đã công nhận được 190 giống lúa (bình quân 48 giống/năm), và 96 giống ngô.

Diễn đàn 'Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam' thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham dự. Ảnh: Quỳnh Chi. 

Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam” thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham dự. Ảnh: Quỳnh Chi

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam Trần Xuân Định lại cho rằng, hệ thống sản xuất giống của nước ta tuy nhiều nhưng năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực của sản xuất hàng hóa, hướng xuất khẩu. Khâu yếu nhất của Việt Nam với ngành hàng hạt giống đó là giống rau, hoa.

“Hiện chúng ta phải nhập trên dưới 90% hạt giống loại này với giá trị vài chục triệu USD, mặc dù chúng ta có những vùng khí hậu (vùng núi cao phía Bắc, Đà Lạt) có thể sản xuất được hạt giống các loại rau cận ôn đới”, ông Định nói thêm.

Ngoài ra, các quy định của pháp luật còn một số bất cập, thủ tục rườm rà, các văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành và một số còn mâu thuẫn… Sự không đồng đều về hệ thống sản xuất và cung ứng giữa các vùng miền, số lượng doanh nghiệp tham gia ngành giống khá đông nhưng không thực sự mạnh. Khu vực ĐBSCL là vựa sản xuất lúa, trái cây nhưng số công ty sản xuất giống lớn, có tiềm lực rất ít, giống lúa là chủ lực nhưng vẫn còn trên 25% nông dân sử dụng giống “không cấp”.

Những vướng mắc trong thực tiễn

Bà Đặng Ngọc Chi, đại diện CropLife Việt Nam nêu những vướng mắc về pháp lý và kỹ thuật đối với quy trình đăng ký và công nhận giống cây trồng mang tính trạng cải tiến tại Việt Nam.

Theo đó, Luật Trồng trọt (Điều 19, khoản 7) và Nghị định 94 (Điều 12, khoản 3) cho phép, hướng dẫn khảo nghiệm, đăng ký giống cây trồng biến đổi gen sau khi được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Như vậy, giống biến đổi gen được xem xét đăng ký và lưu hành như một giống cây trồng mới.

Tuy nhiên, các hướng dẫn khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng (khảo nghiệm VCU), khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định (khảo nghiệm DUS) hiện thiếu chỉ tiêu và phương pháp đánh giá công nhận các tính trạng cải tiến như kháng sâu, chống chịu thuốc bảo vệ thực vật, chống chịu căng thẳng phi sinh học, kháng bệnh... dẫn tới thiếu công cụ xác định tính khác biệt (đặc tính kháng) giữa giống mang tính trạng biến đổi gen với giống nền thường. Bên cạnh đó, không thể đăng ký đồng thời giống nền và giống biến đổi gen với tính trạng cải tiến.

Hiện nay đã hoàn thiện được toàn bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý, sử dụng, khai thác, sản xuất và kinh doanh giống lúa và giống ngô. Ảnh: TL.

Hiện nay đã hoàn thiện được toàn bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý, sử dụng, khai thác, sản xuất và kinh doanh giống lúa và giống ngô. Ảnh: TL.

Ngoài ra chưa phù hợp với Luật Trồng trọt và đáp ứng nhu cầu, điều kiện thực tiễn. Việc khảo nghiệm, công nhận lưu hành các giống ngô mang tính trạng chống chịu như chịu hạn, kháng sâu, chống chịu thuốc bảo vệ thực vật… là rất cần thiết, phù hợp với nhu cầu thiết thực trong phát triển và đăng ký giống mới, giúp tăng năng suất và tăng thu nhập của người nông dân. Thực tế các giống chuyển gen vẫn đang lưu hành và canh tác trên thị trường song song với giống nền không biến đổi gen từ năm 2015.

Đồng thời, chưa hỗ trợ hiệu quả chủ trương ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến khích đưa các giống cây mang tính trạng cải tiến như chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với điều kiện thời tiết bất thuận và biến đổi khí hậu mà Chính phủ và Bộ NN-PTNT đề ra trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Chưa phù hợp với khuyến nghị của UPOV (Việt Nam là thành viên) và chưa hài hòa với thông lệ quốc tế.

Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL Nguyễn Thúy Kiều Tiên ước tính, với tổng diện tích gieo trồng lúa ở ĐBSCL lên đến 4 triệu ha, nhu cầu về giống lúa cần đạt khoảng 1 triệu ha/năm. Tuy nhiên, chất lượng giống lúa vẫn còn là vấn đề lớn. “Giống lúa OM34 của Viện đang trình hồ sơ, chờ Cục Trồng trọt phê duyệt. Giống OM34 chưa được lưu hành, nhưng đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh loại giống này. Hiện tượng 'bao trắng' và việc rao bán giống chưa qua kiểm nghiệm cho bà con vùng ĐBSCL đang tạo ra những thách thức lớn về an toàn và chất lượng sản phẩm,” bà Tiên nói thêm.

Đại diện Công ty TNHH Giống cây trồng Nông Hữu phản ánh, thời gian vừa qua có một số vướng mắc trong thủ tục tự công bố lưu hành giống cây trồng. Thứ nhất là để công bố một sản phẩm doanh nghiệp mất thời gian chuẩn bị hồ sơ rất lâu và thời gian công bố sản phẩm cũng khá dài. Thứ hai là bị trùng nhau về tên giống trong quá trình tự công bố lưu hành giống cây trồng. Đây không phải là vấn đề của riêng Nông Hữu mà còn nhiều doanh nghiệp gặp phải. Hiện nay Nông Hữu đã có 6 sản phẩm buộc phải đổi tên, điều này gây tổn thất rất lớn cho doanh nghiệp.

Từ góc nhìn doanh nghiệp R&D, ông Nguyễn Văn Viết, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Nafoods thông tin, trên thị trường cây giống, đặc biệt là cây ăn quả, vẫn tồn tại hiện tượng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. “Còn nhiều doanh nghiệp không đầu tư máy móc, công nghệ mà lại sử dụng các phương thức kiểm nghiệm thông thường. Giống của họ không đảm bảo, gây nhiễu loạn thị trường - đây là tình trạng đáng báo động”, Viện trưởng Nguyễn Văn Viết nhận định.

Sẽ sớm sửa đổi những điều chưa phù hợp

GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam đánh giá, Luật Trồng trọt có nhiều điểm sáng nhưng cũng có nhiều điểm cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ nhất, hiện nay Bộ NN-PTNT đang quy định danh mục cây trồng chính, tuy nhiên, chúng ta hội nhập, nhìn ra xung quanh, nhiều quốc gia không cần quy định cây trồng chính. Do đó, kiến nghị chỉ để cây lúa là cây trồng chính, các loại cây trồng khác chưa cần thiết.

Thứ hai, cần nghiên cứu chỉnh sửa quy chuẩn quốc gia về khảo kiểm nghiệm giống. Hiện tại, chúng ta có 2 mức là tạo giống mới và công nghiệp hạt giống. Trong quy chuẩn, nhất là trên cây lúa vùng khảo nghiệm đang để quá nhiều (18 điểm khảo nghiệm) dẫn tới tốn kém chi phí cho các đơn vị cho nên kiến nghị chỉ cần quy định 2 điểm khảo nghiệm, một từ đèo Hải Vân trở ra phía Bắc và từ đèo Hải Vân trở vào phía Nam.

Thứ ba, điều chỉnh những quy chuẩn, tiêu chuẩn xác định VCU, DUS, bởi lẽ, các đơn vị khi tự công nhận giống đẫ tiến hành khảo nghiệm VCU và DUS (đưa ra khảo nghiệm 18 vùng sinh thái, nếu 15 vùng đạt yêu cầu mới quay lại khảo nghiệm diện hẹp).

Do đó, nên nghiên cứu rút gọn thủ tục việc tự công bố, các đơn vị chỉ cần công bố lên cổng thông tin điện tử và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố của mình. Cục Trồng trọt làm công tác hậu kiểm, doanh nghiệp nào không theo những gì công bố xử phạt.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Thị Mai Hiên cũng đề xuất 4 nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện gồm: Công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng; bổ sung hướng dẫn về phương pháp giải trình tự gen; điều kiện gia hạn giống cây trồng; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam giống cây trồng chính. 

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho hay, vai trò quản lý Nhà nước tác động lớn tới hệ thống từ nghiên cứu chọn tạo - sản xuất kinh doanh giống cây trồng. Chính sách phù hợp với thực tiễn có tác dụng tạo môi trường sản xuất kinh doanh giống thuận lợi, tạo lợi ích cho người sản xuất cũng như toàn xã hội và ngược lại.

Đại diện lãnh đạo Cục Trồng trọt nhấn mạnh, sau 3 năm thực hiện Luật Trồng trọt vẫn có một số vướng mắc, tuy nhiên, nhìn chung Bộ NN-PTNT, Cục Trồng trọt đã có những hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời. Chưa khi nào để xảy ra trường hợp khan hiếm giống, thiếu giống, nhất là các giống lúa.

“Từ phương thức quản lý cũ, chúng ta chuyển sang phương thức quản lý mới, vì thế cũng còn những vấn đề chưa thích ứng được, có những trục trặc, tuy nhiên về cơ bản trong những năm vừa qua Luật Trồng trọt đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Năm 2024, Cục Trồng trọt sẽ rà soát, tham mưu Bộ NN-PTNT trình Chính phủ xem xét sửa đổi những điều chưa phù hợp trong Luật trồng trọt”, lãnh đạo Cục Trồng trọt khẳng định.

“Sau khi Luật Trồng trọt ra đời, chúng ta đã có những thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, đối với giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính thì tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành. Đây là bước thay đổi rất quan trọng, tuy nhiên điều này cũng là vấn đề khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp chưa kịp thích nghi. Trong việc chuyển đổi như vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa lường trước được những thay đổi”, ông Nguyễn Như Cường nói.

Xem thêm
Dân đeo khẩu trang đi ngủ vì trại lợn 30.000 con

THANH HÓA Trại lợn của Công ty Agri-Vina lại gây thối, khiến nhiều người dân tại xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh mất ăn mất ngủ.

Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.