“Khi còn ở Nam Định, tâm nguyện của ba tôi là sau khi học hành thành tài các con phải trở về phục vụ quê nhà Bình Định. Chị và em trai tôi đã thực hiện được, còn tôi thì…”. Thầy thuốc Nhân dân - Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Công, giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, đã mở đầu mảng ký ức sống của đời mình như vậy.
Thầy thuốc Nhân dân - Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Công
Năm 1960, Nguyễn Đức Công chào đời ở thành phố Nam Định nơi cha anh, một cán bộ miền Nam (Bình Định) tập kết ra Bắc công tác tại ngân hàng kiến thiết của tỉnh Nam Hà, rồi gặp mẹ anh một cán bộ y tế quê Thanh Hóa. Công là con thứ hai và hầu như cả tuổi thơ đều gắn chặt với quê hương thứ hai này.
“…Tôi học hành bình thường do thiếu chăm chỉ, dễ bị phân tán trong điều kiện sống nơi phố thị, thậm chí khi học trường nổi tiếng Lê Hồng Phong mà cũng chỉ thuộc loại kha khá, 16 tuổi tốt nghiệp THPT tôi thi vào đại học Y khoa và có kết quả khá tốt. Năm 1976, Đại học Y khoa Hà Nội hoặc Đại học Y khoa Thái Bình chỉ 15 là điểm đỗ. Dịp này, Quân đội cũng tuyển sinh vào Học viện Quân y và 18 là điểm sàn, tôi quyết định nhập ngũ vào học tại Đại học Quân y (hiện là Học viện Quân y)”.
Vào bộ đội Nguyễn Đức Công học thật tốt, nhiều năm đứng đầu lớp và tốt nghiệp đỗ đầu cả khóa. Thật ra, anh vốn có năng khiếu nhưng ở phổ thông không chăm chỉ lại thiếu tập trung đến khi vào bộ đội môi trường quân ngũ giúp anh mọi sinh hoạt đều chuẩn mực nên khả năng sẵn có có điều kiện phát triển tốt.
Năm 1982 tốt nghiệp Học viện Quân y, theo ý nguyện của ba, Nguyễn Đức Công xin được về các đơn vị quân y ở phía Nam phục vụ nhưng theo dõi khả năng của anh, Học viện Quân y quyết định giữ lại trường làm công tác đào tạo. Từ đó anh vừa học đồng đội đàn anh trong công tác giảng dạy vừa tham gia thực hành làm bác sỹ điều trị ở Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y đặc biệt tập trung nghiên cứu trên lâm sàng và đã có khá nhiều công trình được báo cáo tại các hội thảo khoa học và viết thành những bài báo được đăng trên các Tạp chí khoa học về y học.
Năm 1985, người cha qua đời, đau thương giúp Nguyễn Đức Công càng cố gắng phấn đấu trong công việc và cũng một phần làm anh đỡ lấn cấn với tâm nguyện của ba để yên tâm ở lại miền Bắc công tác. Ngay năm đầu tiên ra trường với quân hàm trung úy anh được điều lên biên giới đi thực tế và làm việc tại Tiểu đoàn Quân y 24, Sư đoàn 337 (Quân đoàn 14, Quân khu I). Sau 1 năm, anh về nhận công tác tại khoa Tim - Thận - Khớp - Nội tiết, Bệnh viện Quân y 103. Vừa giảng dạy tại Học viện Quân y vừa giúp đào tạo bác sỹ cho ngành quân và dân y, trực tiếp làm bác sỹ điều trị hàng ngày tiếp xúc với thương binh đủ hạng, với chiến tranh…
Sau 5 năm làm bác sỹ lâm sàng và đi thực tế, năm 1987 anh được công nhận là giảng viên chính thức. Thật hanh thông khi năm 1988 anh tốt nghiệp bác sỹ CK1, năm 1990 được cử đi thi nghiên cứu sinh nước ngoài (tại Hội đồng thi tuyển của Đại học Y khoa Hà Nội). Năm đó, có 4 người trong ngành y cả nước trúng tuyển đi học nước ngoài. Thời gian này hệ thống XHCN đang dần tan rã nên không nơi nào nhận Nghiên cứu sinh ngành Y nữa, mãi đến 1993 anh mới được cử vào sứ quán Nhật Bản thi và được chọn sang học tại Nhật.
Sau 6 năm dùi mài kinh sử, 2 năm đầu học tiếng Nhật và thực tập sinh, 4 năm sau là nghiên cứu sinh với thái độ làm việc chăm chỉ nghiêm túc và khả năng học tập nghiên cứu vốn có lại được tiếp xúc với một nền y học hiện đại, năm 1999 Công bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ. Về nước tiếp tục dạy học ở Học viện Quân Y và làm nghiên cứu khoa học, tham gia quản lý một bộ môn – khoa lớn của Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y. Cấp hàm cao nhất ở giai đoạn này là Đại tá. Năm 2004 anh được công nhận là Phó Giáo sư y học.
Thầy thuốc Nhân dân - Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Công
Năm 2005, trong một hội nghị khoa học anh gặp GS Nguyễn Mạnh Phan, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất. Ông Phan vẫn thường xuyên theo dõi các hoạt động nghiên cứu khoa học, dự các báo cáo khoa học mà Nguyễn Đức Công là người thuyết trình và đọc các bài báo của anh đăng trong và ngoài nước nên rất có cảm tình và muốn đưa anh về làm phụ tá cho mình.
Ý muốn là như vậy nhưng Nguyễn Đức Công đang là người của quân đội. Vậy là phải qua nhiều lần thương lượng của Bệnh viện Thống Nhất và Bộ Y tế với Bộ Quốc phòng và Học viện Quân y, đầu năm 2008 Nguyễn Đức Công mới được Bộ Quốc phòng cho chuyển công tác sang Bộ Y tế và được điều về làm Phó Gám đốc Bệnh viện Thống Nhất, đến tháng 8-2008 được quyết định chính thức làm Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất.
Các bác sĩ điều trị hay bác sĩ cán bộ công tác ở các phòng ban của Bệnh viện Thống Nhất đều cho rằng, Giám đốc Nguyễn Đức Công luôn gương mẫu về mọi mặt, nghiêm túc cống hiến với đầy đủ khả năng chuyên môn của giám đốc một bệnh viện lớn trong cả nước. Nghiêm khắc xử lý công việc nhưng ra ngoài lại rất hòa đồng và thoải mái với anh em, động viên mọi người thấy thực trạng bệnh viện và điều kiện của nước nhà để quyết tâm phấn đấu tự khắc phục không trông chờ ngoại viện.
Ông yêu cầu mọi thành viên ý thức được sự cần thiết phải nâng cao chất lượng và uy tín của bệnh viện, ông đặc biệt chú ý đến công tác chính sách cán bộ, quản lý nhân viên, sắp xếp lại cho hợp lý, lãnh đạo hứa gì làm nấy, không làm được phải giải thích rõ nguyên nhân, lý do… nên xác lập được mối quan hệ thân tình với cán bộ công nhân viên và đặc biệt là với các bệnh viện bạn, vì vậy uy tín bệnh viện ngày một được nâng lên.
Trong một lần tiếp xúc, Giám đốc Nguyễn Đức Công bộc bạch: “…Hiện tại, tôi đặt chỉ tiêu một bác sĩ chỉ được khám nhiều nhất 50 bệnh nhân trong một ngày và đang tiến tới giảm xuống 40”. Nghe đến đây tôi lập tức phản biện: “Theo điều dưỡng Hằng của phòng khám cán bộ cao cấp thì sáng thứ Hai vừa rồi bác sĩ Minh Phương đã phải khám đến 70 bệnh nhân?”. Ông nói luôn: “Việc này đã giao hẳn cho BS trưởng khoa điều tiết, nếu thấy có thể vượt số lượng bệnh nhân theo quy định phải lập tức điều BS khác đến tiếp ứng khám bệnh nhân để đảm bảo chất lượng và hạn chế để bệnh nhân phải chờ đợi”.
Bệnh viện Thống Nhất là đơn vị y tế đầu tiên giảm thời gian chờ khám cho bệnh nhân bằng gọi điện thoại đăng ký ngày, giờ, phòng khám. Thực hiện quy định bệnh viện có sai sót giám đốc chịu trách nhiệm, còn từng khoa phòng thì trưởng phó khoa chịu, mọi thành viên có công thì thưởng có tội thì phạt với chế tài thưởng phạt phân minh, sẽ phạt bằng tiền đưa vào quỹ giúp đỡ bệnh nhân nghèo.
Cử nhân Phan Cảnh Pháp, người thư ký luôn bên cạnh Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Đức Công cho biết, chỗ nào khó khăn nhất giám đốc có mặt ngay, còn bệnh hiểm nghèo dễ lây lan thì giám đốc đến tận nơi điều hành, 9 năm liền làm giám đốc, đêm 30 và ngày 1 Tết nào giám đốc đều ở bệnh viện thăm hỏi bệnh nhân, chủ trì chúc Tết toàn bệnh viện.
Bàn tay giám đốc hiện hữu mọi nơi, từ hàng cây ở sân trước như hai hàng tiêu binh chào đón khách đến bệnh viện, tự tay hướng dẫn trang trí phòng giao ban, phòng tiếp khách của bệnh viện. Các phòng ban, khoa điều trị đều có trưng hoa, Tết nào thì mỗi khoa phòng và cả bệnh viện đều có cây mai xum xuê những chậu hoa đủ màu khoe sắc. Anh vui vẻ kết luận mà theo anh cũng là ý chung của mọi thành viên trong bệnh viện này: “Giám đốc của chúng tôi là như vậy!”.
Bác sĩ Thúy trực khoa cán bộ cao cấp kể: đêm giao thừa Tết Đinh Dậu này giám đốc chủ trì chúc Tết toàn bệnh viện, trước hơn một trăm bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý và cán bộ công nhân viên trực Tết, Giám đốc đã phát biểu chúc Tết, lì xì cho mọi người rồi ứng khẩu đọc bài thơ mừng Xuân của ông: “Bệnh Viện Thống Nhất năm qua/ Vì dân phục vụ rất là thành công/ Năm mới Đinh Dậu hanh thông/ Đoàn kết, nhất trí thành công gấp mười/ Xin cảm ơn những nụ cười/ Thành tích là của bao người dựng xây/ Miệt mài chăm sóc tháng ngày/ Góp công chung sức đong đầy niềm vui”. Ấn tượng ghi đậm nơi tôi là slogan tại phòng giao ban của bệnh viện: “TN: Thống Nhất, Trách Nhiệm, Tình Người”.
Sáng Xuân này trời Sài Gòn se lạnh, chạnh nhớ tới thu Hà Nội, đó là sự đồng cảm của chúng tôi bên một ấm trà quặu Thái Nguyên được pha đúng cách. Trước giờ làm việc ngày đầu tiên sau nghỉ Tết chúng tôi lại gặp nhau - một nhà báo một thầy thuốc có nhiều năm cùng sống tại Hà Nội. Bác sỹ Nguyễn Đức Công - với ông cho phép tôi được gọi như vậy - tâm sự: “Anh hỏi tôi điều gì đã giúp tôi được như hôm nay, không ngần ngại tôi xin trả lời môi trường và tính cách của người lính. Vâng, quân đội đã giúp tôi trưởng thành trong cuộc sống lao động với học tập, nghiên cứu khoa học và trước hết làm một người thầy thuốc chân chính”.
Box: Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Đức Công là một trong những người đầu tiên hướng dẫn các bác sỹ làm đề tài nghiên cứu về “Theo dõi huyết áp liên tục 24 giờ bằng dụng cụ đeo theo người (Ambulatory Blood Pressure Monitoning)” rất có tác dụng trong theo dõi, chẩn đoán và đánh giá tác dụng của thuốc ở bệnh nhân tăng huyết áp, rối loạn thần kinh tự chủ…